BRICS+ sẽ thách thức sức mạnh của G7?

Theo các nhà phân tích, việc mở rộng khối BRICS (BRICS+) có thể tăng thêm ảnh hưởng kinh tế của nhóm và có thể sẽ thách thức sức mạnh của G7.

Sự trỗi dậy của BRICS có thể sẽ thách thức nhóm G7

Nhóm BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – vừa kết nạp thêm 6 quốc gia nữa gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho biết khối này không nhằm cạnh tranh với Mỹ và Nhóm 7 nền kinh tế giàu có, nhưng việc mở rộng BRICS đã vô tình tạo ra sự so sánh giữa hai bên.

Trong 14 năm qua, BRICS đã phát triển thành một nền tảng chính trị cho hợp tác liên chính phủ với tham vọng mang lại cho khu vực Nam bán cầu nhiều ảnh hưởng hơn trong các vấn đề mang tính toàn cầu.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đến năm 2020, năm quốc gia thành viên đã vượt qua các nước G7 về tổng sản phẩm quốc nội được điều chỉnh theo sức mua tương đương. BRICS+ được dự đoán sẽ chiếm tổng cộng 36,9% GDP toàn cầu trong năm nay và dự kiến sẽ tăng lên 38,6% vào năm 2028.

Trong khi đó, tổng sản lượng được điều chỉnh của bảy nền kinh tế phát triển – Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ – dự kiến sẽ giảm từ 29,9% trong năm nay xuống 27,8% trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu của IMF, các chuyên gia đánh giá, BRICS mở rộng phần lớn vẫn kém G7 về GDP bình quân đầu người và chỉ có UAE xếp ở mức trên trung bình khi so sánh với nhóm các nền kinh tế tiên tiến.

Tầm ảnh hưởng của khối BRICIS+ trong nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới trong khi ảnh hưởng của G7 sẽ giảm. Tỷ trọng của G7 trong GDP toàn cầu sẽ giảm từ 43,5% trong năm nay xuống còn 41,1% vào năm 2028, trong khi BRICS mở rộng sẽ chiếm 29,1% GDP trong năm nay xuống còn 31,4% trong vòng 5 năm tới.

Mặc dù vậy, BRICS+ phải đối mặt với những điều không chắc chắn. Trung Quốc, thành viên lớn nhất, đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái, dân số già và thu hẹp, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên gia tăng, nhu cầu tiêu dùng trì trệ, kỳ vọng của nhà đầu tư yếu và thị trường bất động sản sụt giảm.

Theo ông Kung Chan, người sáng lập tổ chức tư vấn độc lập đa quốc gia Anbound, quyền kiểm soát tài nguyên của BRICS – yếu tố cần thiết cho cạnh tranh địa chính trị – đã bị phân tán và khối vẫn chưa nắm giữ vị trí trung tâm toàn cầu như G7.

“Quy mô nền kinh tế không phải sức mạnh thực sự. Vai trò của các nước BRICS có thể được biết đến là người thách thức trật tự toàn cầu, nhưng khối khó có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với G7”, ông Chan nói.

BRICS+ vẫn còn nhiều thách thức để trở thành đối trọng của G7

Tương tự, ông Brian Hart, thành viên của Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết việc mở rộng khối sẽ là con dao hai lưỡi. "Việc bổ sung các thành viên mới sẽ làm tăng sức mạnh kinh tế của nhóm và khiến nhóm trở thành đại diện nổi bật cho Nam toàn cầu rộng lớn, nhưng điều này cũng sẽ khiến việc xây dựng sự đồng thuận trở nên khó khăn hơn", chuyên gia này cho biết thêm.

Ông Hart chỉ ra, 5 nền kinh tế mới nổi đã không thể chuyển sức mạnh kinh tế tập thể của họ thành một đối trọng chính trị mạnh mẽ đối với G7. Vấn đề chính đối với BRICS+ là sự thiếu đoàn kết về mặt chính trị của họ. Trong khi G7 có bản sắc chung là các nước đang phát triển lớn, thì các nước BRICS+ có hệ thống chính trị rất khác nhau.

Và mặc dù BRICS đã thành lập tổ chức tài chính của riêng mình – Ngân hàng Phát triển Mới – nhưng tổ chức này có ảnh hưởng kém hơn so với tầm ảnh hưởng của các tổ chức toàn cầu như IMF và Ngân hàng Thế giới.

Đồng quan điểm, bà Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall Đức ở Mỹ nhận định rằng việc mở rộng số thành viên có thể sẽ khiến BRICS+ ít có sự đồng thuận hơn. “Tôi nghi ngờ liệu BRICS+ có thể định hình lại trật tự thế giới hay không", bà Glaser nói.

Bà cho biết, các nước G7 chia sẻ các giá trị và quan điểm chung về nhiều vấn đề, trong đó có trật tự quốc tế và những thách thức quan trọng về an ninh quốc gia, trong khi 5 thành viên BRICS hiện tại không có nhiều điểm chung.

Sức mạnh cơ cấu của BRICS+ khó có thể so sánh được với phương Tây; đồng thời thương mại cũng như đầu tư giữa các nước BRICS cũng mờ nhạt hơn so với mối quan hệ thương mại của chính họ với các nước phương Tây.

Mặc dù thế giới không thể luôn bị hệ thống do phương Tây thiết lập chi phối, nhưng sẽ là một hành trình dài để thay đổi về mặt cấu trúc và khái niệm. Đây sẽ là thách thức lớn đối với BRICS+.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/brics-se-thach-thuc-suc-manh-cua-g7-693404.html