'Bom bão tuyết' càn quét nước Mỹ, nhiệt độ xuống tới mức nguy hiểm

Núi Washington ở bang New Hampshire. Nguồn: Getty Images

* Chile ban bố tình trạng thảm họa do cháy rừng sau đợt nắng nóng

Các nhà dự báo thời tiết Mỹ cho biết "bom bão tuyết" cực mạnh tại Bắc Cực đã đổ bộ khu vực Đông Bắc nước này trong ngày 3/2, khiến nhiệt độ giảm sâu xuống các mức nguy hiểm trên toàn khu vực, trong đó có núi Washington ở bang New Hampshire, nơi ghi nhận chỉ số phong hàn giảm sâu xuống -79 độ C.

Các cảnh báo gió lạnh đã được ban bố đối với hầu hết bang New York và toàn bộ 6 bang ở khu vực New England với khoảng 16 triệu dân gồm Massachusetts, Connecticut, Rhode Island, New Hampshire, Vermont và Maine.

Cơ quan Thời tiết quốc gia (NWS) cho biết đợt đóng băng sâu lần này sẽ diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, song sự kết hợp của các cơn gió lạnh buốt đang bao trùm Đông Bắc nước Mỹ sẽ dẫn tới những điều kiện nguy hiểm đe dọa tính mạng trong ngày 4/2.

Các trường học tại Boston và Worcester thuộc bang Massachusetts - 2 thành phố lớn nhất khu vực New England, đều đóng cửa trong ngày 3/2 do những quan ngại về nguy cơ hạ thân nhiệt và tê cóng đối với các học sinh đi bộ tới trường hoặc chờ xe buýt.

Thị trưởng TP Boston, bà Michelle Wu, đã ban bố tình trạng khẩn cấp tới ngày 5/2, đồng thời mở cửa các trung tâm sưởi ấm nhằm giúp cư dân tại thành hơn 650.000 người này ứng phó với cái mà NWS cảnh báo đang hình thành thành một "chiến trường lạnh giá hiếm thấy".

Thời tiết lạnh giá khắc nghiệt đã khiến một bảo tàng nổi hiếm có phải đóng cửa dù đang trong thời gian đón khách tham quan khung cảnh tái hiện "Tiệc trà Boston" năm 1773.

Nhân viên dự báo thời tiết Bob Oravec cho biết sáng sớm 3/2, khối khí lạnh cực mạnh đã tràn qua miền Đông Canada và lan tới nước Mỹ, chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng. Hồ Kabetogama ở bang Minnesota, giáp biên giới với tỉnh Ontario của Canada, là điểm lạnh nhất nước Mỹ vào lúc 13 giờ chiều cùng ngày theo giờ miền Đông (Bắc Mỹ), với nhiệt độ đo được là -39,5 độ C.

Nhà khí tượng học Brian Hurley của NWS cho biết các điều kiện nhiệt độ dưới mức đóng băng và gió thổi mạnh lan rộng về hướng Đông trong suốt ngày 3/2 đã gây ra các đợt gió lạnh buốt, khiến chỉ số phong hàn giảm sâu xuống -40 độ C trên hầu khắp bang Maine.

Tại núi Mount Washington, đỉnh núi cao nhất ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ, nhiệt độ đã giảm xuống -46 độ C vào tối cùng ngày, với sức gió gần 145km/giờ, khiến chỉ số phong hàn giảm xuống mức -76 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ buổi tối tại TP Bostan là -13 độ C; tại Worcester ở bang Massachusetts, nhiệt độ là -16 độ C. Dự báo nền nhiệt sẽ tiếp tục giảm và thời tiết lạnh buốt kỷ lục vẫn sẽ "bủa vây" 2 thành phố này trong ngày 4/2.

Theo các nhà dự báo thời tiết, mức nhiệt -21,1 độ C tại Boston đã vượt mốc thấp kỷ lục -18,8 độ C từng ghi nhận năm 1886. Trong khi đó, nhiệt độ tại Worcester trong ngày 3/2 đang dần chạm ngưỡng -23,8 độ, vượt mốc thấp kỷ lục -20 độ C từng ghi nhận hồi năm 1934.

* Trong khi đó tại Chile, nhà chức trách ngày 3/2 đã ban bố tình trạng thảm họa ở một số khu vực miền Trung và miền Nam nước này sau đợt nắng nóng khắc nghiệt gây cháy rừng, khiến nhiều người thiệt mạng. Theo số liệu thống kê, hơn 100 ngôi nhà đã bị ảnh hưởng và 47.000ha rừng bị phá hủy kể từ khi các đám cháy rừng bùng phát tại quốc gia Nam Mỹ này ngày 1/2 vừa qua.

Chính phủ Chile đã ban bố tình trạng thảm họa ở các vùng Nuble và Biobio, nhưng cháy rừng hiện cũng đã ảnh hưởng tới hai vùng khác là Maule và La Araucania.

Người đứng đầu Cơ quan thảm họa quốc gia Chile Senaprad - ông Mauricio Tapia, cho biết: "Tổng cộng 13 người đã thiệt mạng, trong đó có 11 người ở thành phố Santa Juana".

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Chile - ông Esteban Valenzuela xác nhận tại vùng La Araucania, một phi công (người Bolivia) và một kỹ sư (người Chile) đã thiệt mạng khi đang nỗ lực dập tắt đám cháy từ trực thăng. Bộ trưởng Nội vụ Carolina Toha cũng thông báo 4 người đã thiệt mạng ở vùng Biobio.

Tổng thống Gabriel Boric đã tạm dừng kỳ nghỉ để tới thăm những khu vực bị ảnh hưởng, nơi số liệu thống kê cho thấy có tới 204 đám cháy đang diễn ra, trong số đó 56 đám cháy được nhận định là "mất kiểm soát".

Khoảng 2.300 lính cứu hỏa và 75 máy bay đã được triển khai để dập tắt cháy rừng. Việc ban bố tình trạng thảm họa cho phép chính quyền địa phương có thêm các nguồn lực để đối phó với trường hợp khẩn cấp.

Đợt nắng nóng với nhiệt độ lên tới 40 độ C này đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lặp lại thảm họa năm 2017. Ở thời điểm đó, các đám cháy lan rộng trong cùng khu vực khiến 11 người thiệt mạng, phá hủy 1.500 ngôi nhà và ảnh hưởng đến 467.000ha rừng.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/293039/-bom-bao-tuyet-can-quet-nuoc-my-nhiet-do-xuong-toi-muc-nguy-hiem.html