Bộ trưởng Nông nghiệp: 'Không có lý gì dân cứ tập trung ăn thịt lợn'
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, giá thịt lợn tăng cao, nhưng người dân không có lý gì chỉ tập trung ăn thịt lợn.
Liên quan đến việc giá thịt lợn vẫn liên tục tăng cao thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng một trong những nguyên nhân là do cung - cầu chưa gặp nhau. Phải đến quý 4/2020, Việt Nam mới có thể phục hồi được đàn lợn.
Lấy ví dụ từ Trung Quốc khi 23% đàn lợn đang bị bệnh trở lại, Bộ trưởng Cường khẳng định việc tái đàn phải theo hướng bền vững, không nên tái đàn bừa bãi. Ngoài ra, giá lợn giống hiện đang cao nên Bộ đang yêu cầu 15 doanh nghiệp lớn cung cấp thêm con giống cho người dân.
Bộ trưởng Cường cũng đề nghị "người dân không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn cả", cần san sẻ rổ thực phẩm ra với thịt gà, bò, trứng...
Tuy nhiên, câu trả lời của Bộ trưởng Cường không thỏa mãn được nhiều đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Thái Trường Giang đề nghị Bộ trưởng Cường xem xét lại các chính sách điều hành của ngành.
Trao đổi tại Quốc hội, ông Hoàng Quang Hàm - ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách nói, việc điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải căn cứ trên biện pháp thị trường.
Hiện tượng giá thịt lợn vừa qua không hạ dù các cấp thẩm quyền liên tục đưa ra "lệnh" giảm, ông Hàm phân tích, cần nghiên cứu việc tăng giá này do sản xuất hay lưu thông. Nếu do khâu sản xuất thì kích thích tăng đàn, còn do lưu thông thì cân nhắc việc Nhà nước đứng ra thu mua, cung ứng trực tiếp trên thị trường.
"Cần thiết thì kinh tế Nhà nước phải hỗ trợ, không nên như thời gian qua dư luận cho rằng, người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi", ông Hàm nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhắc đến việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, đẩy giá lên cao mà không thể giải quyết được suốt hơn 1 năm qua; hay sự lúng túng, thiếu nhất quán trong việc dừng hay cho xuất khẩu gạo.
“Tôi cho rằng các bộ có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm về việc này”, đại biểu Xuân nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp góp ý, Chính phủ cần có biện pháp tái đàn, kích cung mà không cần nhập khẩu để tự chủ trong nước cũng như có các gói hỗ trợ, kích cầu tái đàn.
Sau dịch tả châu Phi, doanh nghiệp không có giống để cung cấp cho thị trường nên giá thịt lợn tăng rất cao. "Nếu có sự hỗ trợ của nhà nước, tôi tin rằng từ nay đến đầu năm 2021 sẽ giải quyết được vấn đề này", ông Hòa hy vọng.
Thứ trưởng Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải cũng cho hay, cung thịt lợn hiện vẫn thiếu do yếu tố khách quan khi vẫn chưa tái đàn kịp sau đợt dịch tả lợn châu Phi. Hiện vẫn còn một số tỉnh chưa công bố hết dịch, nên nông dân vẫn chưa yên tâm tái đàn. Mặt khác, giá con giống tăng cao, 2-3 triệu đồng một con, cũng khiến người chăn nuôi thiếu vốn khi muốn tái đàn.
Ước tính của ngành nông nghiệp, với tốc độ tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, phải cuối quý IV, lượng heo hơi xuất chuồng mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thịt trong nước.
Bên cạnh đó, giá bán lẻ thịt lợn phụ thuộc vào giá heo hơi, tức giá lợn hơi càng cao, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng tương ứng. Ngoài ra, khâu trung gian hiện chiếm 40-60% giá thành thịt lợn bán tới tay người tiêu dùng, cũng là nguyên nhân đẩy giá lợn lên cao.