Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nuôi biển vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau

'Bằng trí tuệ, tri thức chúng ta phải làm giàu cho biển thì biển làm giàu cho chúng ta. Một khi khai thác kiệt quệ thì chúng ta kiệt quệ, biển sạch thì tâm hồn chúng ta sạch, biển giàu thì chúng ta giàu… Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi chính con người hôm nay và thế hệ mai sau, từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cấu trúc lại ngành hàng và ngư dân, doanh nghiệp…'

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Nuôi biển là nuôi hệ sinh thái biển, nuôi giá trị biển".

Trên đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”, ngày 1/4/2024, tại TP. Hạ Long.

Đây là sự kiện chào mừng Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành thủy sản (01/4/1959 - 01/4/2024) và 10 năm ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam (15/4/2014 - 15/4/2024).

THAY ĐỔI TƯ DUY, TẠO KHÔNG GIAN KINH TẾ MỚI TỪ BIỂN

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023), Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%. Năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 11,03% đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Hồng, quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc.

“Quảng Ninh là địa phương thành công trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đi đầu thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Đồng thời cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Quy chuẩn địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn. Đến hết năm 2023, tỉnh đã hoàn thành chuyển đổi khoảng 10 triệu quả phao xốp sang phao nổi HDPE thân thiện với môi trường”, ông Ký thông tin.

Ông Nguyễn Xuân Ký: "Quảng Ninh nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, bảo vệ nguồn lợi hải sản".

Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Quảng Ninh là tỉnh phát triển mạnh về nuôi trồng thủy sản, diện tích sản xuất thủy sản theo quy hoạch là 100.000 ha (Đất nuôi trồng thủy sản 50.000; Mặt biển 45.000 ha và Mặt hồ dập 5.000 ha). Diện tích sản xuất thủy sản hiện nay 32.092 ha (mới khoảng 32%), do đó tỉnh còn nhiều dư địa để phát triển sản xuất.

Toàn tỉnh có 33 doanh nghiệp; 118 hợp tác xã và 11.077 hộ cá nhân tham gia sản xuất thủy sản, với tổng số 40.000 lao động. Sản lượng thủy sản hàng năm của Quảng Ninh đạt 190.000 tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 55% và đang tăng tỷ trọng nuôi trồng.

“Tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch 45.246 ha khu vực biển giành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc”, ông Ký nhấn mạnh.

Ông Ký cũng nêu lên những vấn đề khó khăn đối với phát triển nuôi biển tại Quảng Ninh, trong đó có con giống và hạ tầng. Nhu cầu con giống hải sản cho nuôi trồng của Quảng Ninh hiện này cần khoảng 8 tỷ con giống các loại/năm, nhưng 16 trại giống mới đáp ứng được 37%. Quảng Ninh cũng chưa có hệ thống cảng cá chuyên dụng và chợ cá lớn.

"Nếu nuôi biển chỉ nói về nuôi cá, nuôi tôm, nuôi mực… thì không phải. Nuôi biển là nuôi hệ sinh thái biển, nuôi giá trị biển, kể cả giá trị hữu hình và vô hình từ biển. Bằng trí tuệ, tri thức chúng ta phải làm giàu cho biển thì biển làm giàu cho chúng ta”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: Hôm qua, thêm một lần nữa được "chạm" vào Quảng Ninh, từ Cô Tô, Vân Đồn, mặt biển… tất cả đều thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân, hợp tác xã quyết tâm tham gia vào nuôi biển...

“Tối về tôi tổng kết lại cảm thấy niềm tin vào việc hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thanh quốc gia mạnh từ biển, giàu từ biển. Không ai tưởng tưởng được, chỉ trong hơn 1 năm, Quảng Ninh có thể chuyển đổi hơn 1 triệu chiếc phao xốp trên biển thành phao nhựa thân thiện với môi trường. Chỉ trong 2 năm qua, Quảng Ninh có 125 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản được thành lập mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trước khi làm gì thì chúng ta phải hình dung được không gian giá trị, "sứ mệnh của việc mình làm". Nếu muốn ai đó đóng chiếc tàu đánh cá thì đừng xua họ lên rừng đốn gỗ, cũng đừng chỉ đạo họ làm gì mà hãy nói cho họ biết, vẻ đẹp của đại dương như thế nào thì tự khắc họ sẽ biết nên làm gì.

PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NUÔI BIỂN

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp chia sẽ những công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong nuôi biển. Trong đó, bà Nguyễn Thị Hải Bình -Tổng giám đốc STP nêu những loại lồng hiện đại phục vụ nuôi các loại tôm cá lớn trên biển.

Quang cảnh hội nghị: “Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”.

Nguyễn Quang Hiếu-Phó Tổng Giám Đốc Công ty De heus chia sẻ công nghệ mới trong sản xuất thức ăn thủy sản. Theo đó, De heus hiện sở hữu 23 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.

Sản phẩm thức ăn thủy sản của De heus đa dạng về chủng loại (viên nổi, chìm; viên dày, mỏng), phù hợp theo yêu cầu dinh dưỡng riêng của từng loài cá: cá chim vây vàng, cá chẽm, cá mú (cá song)… De heus đầu tư nhiều công nghệ hiện đại: máy nghiền (Đức) tạo ra kích thước hạt mịn hơn; máy đùn (USA) kiểm soát tỷ trọng của các viên cám (nổi/chìm); thiết bị phủ áo dầu chân không (Hà Lan) để tạo ra các viên có hàm lượng béo cao hơn; ứng dụng áo chất lỏng sau ép viên để phủ các enzyme; đóng gói bằng robot…

Về phía các nhà quản lý, TS. Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nêu những khó khăn, thách thức trong quản lý hoạt động nuôi biển.

Cụ thể, trong đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè hiện nay, vẫn còn một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Hiện có quá nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, trong khi số lượng cán bộ công chức về thủy sản tại các địa phương ít và phải kiêm nhiệm nhiều việc. Hiện nhiều tỉnh chưa có quy hoạch không gian biển, người nuôi chưa được giao khu vực biển.

Các đại biểu tham gia tọa đàm tại hội nghị.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng nuôi biển cần định hướng đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ theo từng mặt hàng, và tính đến việc chủ động đáp ứng rào cản/thách thức.

“Các địa phương cần có kế hoạch, qui hoạch nuôi biển phù hợp nhu cầu thị trường về cơ cấu lựa chọn đối tượng nuôi và đang dạng thụ trường. Cần tăng cường xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nuôi biển đối với thị trường trong nước, nước ngoài”, ông Tiệp khuyến cáo.

PGS. TS. Nguyễn Hửu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng phát triển nuôi biển cần thực hiện 5 cuộc chuyển đổi, cụ thể: Chuyển từ nuôi biển thủ công sang công nghiệp; chuyển từ vùng biển kín ven bờ ra các vùng biển mở xa bờ; quản lý chặt chẽ từ cấp phép, sản lượng đến công nghệ, môi trường; ứng dụng nuôi biển đa dưỡng tích hợp (IMTA); tích hợp với các ngành kinh tế biển khác.

"Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép nuôi trồng, đặt ra hạn ngạch sản lượng nuôi biển hàng năm trên toàn quốc và hạn ngạch cho từng trại nuôi, tổ chức đấu thầu cấp giấy phép nuôi trồng. Mặt khác, cần ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho trang thiết bị nuôi biển".

Bà Karin Greve-Isdahl -Tham tán thương mại Na Uy tại Việt Nam.

Đề cập về chính sách quản lý nuôi biển bền vững, ông Dũng khuyến nghị Nhà nước chỉ nên cấp phép nuôi biển cho cơ sở đạt điều kiện. Cần quy định hạn mức sản lượng cho từng cơ sở dựa trên điều kiện môi trường và tình hình thị trường; phân bổ quota công khai, minh bạch trong cộng đồng.

Cùng với đó, phải thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm bắt buộc và triển khai Cơ chế đồng quản lý (PPP) kiểm soát hoạt động nuôi biển, áp dụng công nghệ bản đồ số tự cập nhật trong nuôi biển.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ ngành công nghiệp nuôi cá hồi Na Uy, Bà Karin Greve-Isdahl -Tham tán thương mại Na Uy tại Việt Nam khuyến cáo Việt Nam cần xác định những loài cá biển chiến lược và tập trung nguồn lực xây dựng chuỗi giá trị cho loài đó.

"Nên hướng tới sản lượng nuôi biển quy mô lớn và phát triển các trang trại nuôi biển quy mô công nghiệp, khuyến khích các nhà khoa học và công ty tư nhân đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm thủy sản và ứng dụng công nghệ cao mang tính bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế", bà Karin Greve-Isdahl khuyến nghị.

Đối với phát triển thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu quốc gia để xuất khẩu thành công, thì nuôi biển công nghiệp cần phải đạt các Chứng nhận về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và công nghệ bền vững.

Theo bà Karin Greve-Isdahl, có nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Na Uy và Việt Nam trong phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp, như quy hoạch không gian biển; xác định các vùng nuôi có điều kiện thuận lợi; xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật trông nuôi biển; chuyển giao công nghệ nuôi biển; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến phụ phẩm hải sản; đào tạo nghề cho nuôi biển công nghiệp…

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-truong-le-minh-hoan-nuoi-bien-vi-nguon-song-xanh-cho-the-he-mai-sau.htm