Bộ trưởng KHĐT: GDP tăng 2 con số, kinh tế ngoài Nhà nước cần tăng 11%

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kinh tế ngoài Nhà nước cần duy trì tốc độ tăng 11%/năm để GDP cả nước đạt mức tăng trưởng hai con số từ năm 2026.

 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp năm 2025.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Dũng cho biết sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện cả nước có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 30.000 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu một kỷ lục khi có hơn 233.000 doanh nghiệp mới thành lập hoặc quay lại thị trường, cao nhất từ trước đến nay.

Doanh nghiệp tư nhân là động lực tăng trưởng bứt phá

Hiện, cộng đồng doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi đóng góp khoảng 60% GDP, chiếm 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp Việt Nam đã vươn tầm khu vực và toàn cầu, chủ động tham gia và khẳng định vị thế trong các chuỗi cung ứng quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn tồn tại nhiều hạn chế, cản trở quá trình phát triển bứt phá.

Trong đó, dù đã xuất hiện một số doanh nghiệp vừa và lớn, nhóm này vẫn chưa đủ mạnh để trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Hiện vẫn thiếu vắng các dự án quy mô lớn, có tính chất đầu tàu để tạo động lực lan tỏa và hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, sức mua thị trường yếu, quá trình phục hồi sau đại dịch diễn ra chậm.

Một rào cản lớn khác là thể chế và pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc, trở thành “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Những bất cập trong chính sách đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Kinh tế ngoài Nhà nước cần tăng trưởng 11%/năm

Theo Bộ trưởng KHĐT, trong giai đoạn tiếp theo, để cả nước đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm.

Để giúp khu vực kinh tế ngoài Nhà nước phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng hai con số từ năm 2026, Bộ trưởng Dũng đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm như nâng cao nhận thức về vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, Nhà nước cần xác định rõ khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, coi thể chế là “đột phá của đột phá”. Cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “kiến tạo phát triển”, từ bỏ quan điểm “không quản được thì cấm”. Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực bất động sản, BOT, giao thông, năng lượng tái tạo. Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương trọng điểm để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025.

 Các lãnh đạo đại diện doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam tham gia dự Hội nghị. Ảnh: VGP.

Các lãnh đạo đại diện doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam tham gia dự Hội nghị. Ảnh: VGP.

Bộ trưởng KHĐT cũng đề xuất khơi thông các nguồn lực đầu tư, tận dụng vốn nhàn rỗi trong dân, khuyến khích chuyển dòng tiền nhàn rỗi từ tiết kiệm sang đầu tư sản xuất kinh doanh. Đồng thời tập trung vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Lãnh đạo Bộ KHĐT kiến nghị xây dựng các doanh nghiệp quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Trong đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế và dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước. Đồng thời, có chính sách thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI, tạo sự phát triển hài hòa trong hệ sinh thái doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông đề xuất cần mở rộng thị trường và kích cầu tiêu dùng. Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”, chủ động chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ để tạo chuỗi giá trị phát triển bền vững.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/bo-truong-khdt-gdp-tang-2-con-so-kinh-te-ngoai-nha-nuoc-can-tang-11-post1530459.html