Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phối hợp xử lý các phản ánh, kiến nghị của cử tri

Ngày 14/5, tại Bình Định, đã diễn ra Hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định và các tổ chức thành viên trước thềm Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Đồng chí Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tham dự Hội nghị.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời kiến nghị của cử tri tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời kiến nghị của cử tri tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh.

Nhiều kiến nghị, vướng mắc cụ thể

Dự cuộc tiếp xúc cử tri có ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Lý Tiết Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định; ông Nguyễn Văn Cảnh - đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định; bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định.

Theo bà Lý Tiết Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Kỳ họp Quốc hội thứ 7 sẽ thông qua 10 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, xem xét cho ý kiến đối với 11 dự án luật... Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, bà Hồ Thị Kim Thu – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Bình Định cho biết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định đã chuyển tới hội nghị tổng hợp một số vấn đề cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm, phản ánh với Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, hiện nay việc giải ngân đối với gói tín dụng (120.000 tỷ đồng) về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư còn gặp nhiều khó khăn, vì thời hạn vay ưu đãi ngắn (đối với người mua nhà 5 năm, chủ đầu tư dự án 3 năm), lãi suất còn cao (chỉ thấp hơn từ 1,5 - 2%/năm so với lãi suất vay thông thường). Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hạ lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua và doanh nghiệp được tiếp cận.

Một vấn đề khác đó là hiện nay, các bệnh viện, trung tâm y tế đang gặp khó khăn trong thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh theo Luật đấu thầu và Nghị định 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể (về lựa chọn nhà thầu; mẫu hồ sơ lựa chọn; nguyên tắc, tiêu chí, tổng hợp nhu cầu để lập danh mục thuốc mua sắm tập trung, phân nhóm thiết bị y tế...) theo quy định tại khoản 2, Điều 135 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ, để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Cùng với đó, cử tri tiếp tục kiến nghị về mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng hiện không còn phù hợp với giá cả thực tế và chi phí cho nhu cầu cuộc sống. Chính vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp.

Cử tri cũng phản ánh, theo quy định của Luật Đầu tư công về việc giải phóng mặt bằng đối với các dự án chỉ được triển khai sau khi dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Quy định này có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân khi chưa có sẵn mặt bằng sạch. Cử tri đề nghị Quốc hội bổ sung, sửa đổi quy định đối với một số loại công trình, dự án đã được xác định rõ diện tích thu hồi thì cho tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập như dự án nhóm A quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công, để thực hiện trước.

Đáng chú ý, một trong những nội dung được cử tri quan tâm đó là về việc chăm sóc người có công, thân nhân liệt sỹ trên địa bàn. Cụ thể, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định còn gần 4.800 hộ gia đình người có công, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn (nhà ở có nguy cơ sụp đổ, không an toàn) cần được hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương để sớm thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng trên, đồng thời xem xét nâng mức hỗ trợ xây mới và hỗ trợ sửa chữa, cải tạo nhà ở cao hơn mức quy định hiện nay để phù hợp với tình hình thực tế.

Cử tri tỉnh Bình Định nêu kiến nghị với Đại biểu Quốc hội.

Cử tri tỉnh Bình Định nêu kiến nghị với Đại biểu Quốc hội.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên Xung phong tỉnh Bình Định cho biết, trên địa bàn tỉnh còn nhiều người hy sinh chưa tìm được hài cốt, nhưng kinh phí đi tìm đồng đội là chưa có. Ngoài ra, cũng còn các trường hợp thanh niên xung phong đã hy sinh chưa được công nhận là Liệt sỹ do thân nhân của Liệt sỹ hiện nay không còn. Do đó, cử tri kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương có chủ trương, giải pháp để sớm hoàn thiện được hồ sơ công nhận cho Liệt sỹ.

Cử tri Trần Văn Thọ - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bình Định cũng phản ánh về tình trạng lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo qua mạng viễn thông, do vậy, cần phải có giải pháp triệt để quản lý sim của các nhà mạng.

Đặc biệt, đối với sự biến động của thị trường vàng thời gian vừa qua, cử tri tỉnh Bình Định cho rằng Chính phủ cần làm rõ công tác quản lý giá vàng để “giá vàng không nhảy múa” như thời gian qua.

Ghi nhận khó khăn, vướng mắc thực tế

Tại Hội nghị, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn khẳng định sẽ tiếp thu và có văn bản hoàn thiện gửi tới Quốc hội, Chính phủ và bộ ngành Trung ương các kiến nghị của cử tri ngày hôm nay. Cùng với đó, các kiến nghị mà Mặt trận Tổ quốc tổng hợp cũng sẽ được gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn trao đổi tại Hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn trao đổi tại Hội nghị.

Liên quan đến ý kiến đối với các chính sách với người có công với Cách mạng, ông Lê Kim Toàn cho biết sẽ đề nghị UBND Tỉnh quan tâm hỗ trợ, nhất là với các trường hợp cụ thể về tìm hài cốt của các liệt sỹ và sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho Hội Cựu Thanh niên Xung phong có kinh phí kèm theo.

Đối với các kiến nghị về lừa đảo qua mạng, ông Toàn thông tin hiện nay Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp để chống lừa đảo qua công nghệ cao. Tuy nhiên, cũng cần có giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có trao đổi cụ thể về các kiến nghị của cử tri. Đối với nội dung liên quan đến nâng mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng cho biết, thuế thu nhập cá nhân điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại, giúp cân bằng thu nhập giàu nghèo, đảm bảo công bằng xã hội. Hiện, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế Thu nhập cá nhân và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.

Đối với nội dung liên quan đến việc đầu thầu mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; trong đó phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 bao gồm khoản 7 Điều 23 về chỉ định thầu và tại điểm a khoản 2 Điều 135 về trách nhiệm thi hành quy định Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc lựa chọn nhà thầu, các biện pháp thi hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định này trong phạm vi quản lý của mình.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã rất chủ động phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế đối với các nội dung có liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính như bố trí ngân sách cho chương trình tiêm chủng mở rộng, giá dịch vụ khám chữa bệnh... Bộ Tài chính sẽ phản ánh tới Bộ Y tế nội dung kiến nghị này và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình hướng dẫn đảm bảo phù hợp với thực tiễn và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu.

Riêng đối với việc phòng chống lừa đảo qua mạng, Lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ, hiện nay lừa đảo diễn ra ở khắp nơi khiến những người nhẹ dạ cả tin dễ bị lừa tiền. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác; khi có hiện tượng lừa đảo phải báo ngay với cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn.

Đặc biệt, đối với việc “chung tay” quản lý thị trường vàng, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung chống buôn lậu tại các cửa khẩu để tránh hiện tượng nhập lậu vàng. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện thanh tra các tổ chức vàng miếng xem có dùng vàng lậu để sản xuất vàng thương mại không? Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để quản lý về thuế, hải quan để kiếm soát giá vàng trong thời gian tới.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-phoi-hop-xu-ly-cac-phan-anh-kien-nghi-cua-cu-tri.html