Bổ sung thêm nhiều hành vi bị cấm trong đấu giá tài sản

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, nghiêm cấm các bên liên quan thông đồng, móc nối với nhau để dìm giá, nâng giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản. Tuy nhiên, theo ý kiến đại biểu Quốc hội, nội dung này vẫn cần được làm rõ, chi tiết hơn nữa.

Luật Đấu giá tài sản đã tạo “sân chơi” lành mạnh cho các phiên đấu giá. Ảnh tư liệu

Luật Đấu giá tài sản đã tạo “sân chơi” lành mạnh cho các phiên đấu giá. Ảnh tư liệu

Luật chỉ quy định thủ tục chung

Tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, chiều 21/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật kế thừa quan điểm xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành quy định phải thực hiện thông qua đấu giá.

Tài sản sở hữu toàn dân là tài sản phải đấu giá

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản bị tịch thu, tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu... được xác định là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, thuộc nhóm tài sản công. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã có quy định tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là một trong các loại tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá.

Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đối với việc xác định tài sản đủ hay không đủ điều kiện đưa ra đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định tài sản nào, giá trị như thế nào thì phải đấu giá. Tài sản nào, giá trị bao nhiêu thì không đấu giá. Tài sản nào thì đấu giá quyền cho thuê. Tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu. Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai.

Liên quan đến các hành vi bị cấm, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” đối với hành vi “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá” tại điểm đ1 khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 9 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này.

Ngoài ra, qua rà soát, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 218 của Bộ luật Hình sự, dự thảo Luật đã bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong việc lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá, lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản. Đồng thời, nghiêm cấm đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thông đồng, móc nối với nhau để dìm giá, nâng giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản. Đây cũng là một nội dung mà các đại biểu quan tâm góp ý khi thảo luận tại hội trường.

Nghiêm cấm các hành vi trục lợi trong đấu giá tài sản

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình), hiện nay các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản đang bị bỏ trống một số nội dung. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật, cụ thể là gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nghiêm cấm hành vi nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc đấu giá tài sản hoặc thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định.

Cũng góp ý về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) đề nghị làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.

Đại biểu đoàn Bắc Giang cho rằng, nên cân nhắc thêm việc quy định hành vi này là “cố ý” hay chỉ cần quy định hành vi “cung cấp thông tin…” vì để xác định thế nào là hành vi cố ý là khá khó, cần phải có quy định cụ thể thế nào là “cố ý” để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong quá trình thực thi. Theo đại biểu, trong trường hợp này không cần quy định “cố ý”, chỉ cần quy định có hành vi “cung cấp thông tin…”. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm nội hàm của hành vi này không chỉ cung cấp thông tin không chính xác mà còn cung cấp thông tin không trung thực, không đầy đủ vì trên thực tế đã có tình trạng tổ chức đấu giá không trung thực, không đầy đủ trong việc kê khai thông tin trong hồ sơ theo hướng có lợi cho tổ chức mình và người có tài sản cũng không và chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc xem xét, xác minh hồ sơ dẫn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá không phù hợp.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng tham gia các ý kiến về giá khởi điểm, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; quy định về đấu giá viên, quyền của các tổ chức hành nghề đấu giá; đấu giá trực tuyến, xử lý các trường hợp trong đấu giá; chế tài xử lý vi phạm với các trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá; điều khoản chuyển tiếp...

Cân nhắc lại quy định về các đối tượng không được tham gia đấu giá

Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm là quy định các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá gồm: “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản”.

Theo một số đại biểu, quy định này không phù hợp cả về mặt pháp lý và thực tế. Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho rằng, quy định như vậy là hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, không phù hợp đối với trường hợp Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất ở để giao đất cho cá nhân, tổ chức có thu tiền sử dụng đất.

Về mặt thực tế, nếu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đều có quyền đăng ký tham gia đấu giá nhiều lô đất khác nhau cùng với nhiều khách hàng khác không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân cũng không ảnh hưởng đến tính khách quan của cuộc đấu giá và không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thông đồng, dìm giá.

Đại biểu phân tích, nếu quy định cấm như dự thảo nhưng không kiểm soát được, sẽ dẫn đến sai sót mà sau khi đấu giá xong mới phát hiện người tham gia đấu giá có quan hệ hôn nhân, huyết thống... phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại. Điều này cũng sẽ tạo ra một hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí do việc phải tổ chức đấu giá lại, đó là chưa kể đến việc Tổ chức đấu giá tài sản phải đối diện với việc có tranh chấp khiếu kiện phức tạp.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-sung-them-nhieu-hanh-vi-bi-cam-trong-dau-gia-tai-san-151308-151308.html