Bộ NN&PTNT kiên định mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD trong bối cảnh khó khăn
Dù bối cảnh thị trường trong nước và thế giới có nhiều thách thức, Bộ NN&PTNT vẫn kiên định theo đuổi mục tiêu lập kỷ lục xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 - 55 tỷ USD theo kế hoạch đề ra từ đầu năm 2023.
Ngày 5/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023. Báo cáo của Bộ cho thấy, nhờ chủ động tháo gỡ vướng mắc để gia tăng xuất khẩu trong điều kiện khó khăn về đơn hàng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD.
Mặc dù bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, nhưng trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ NN&PTNT vẫn kiên định mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 - 55 tỷ USD. Trong đó, 54 tỷ USD là con số do Bộ NN&PTNT đặt ra và 55 tỷ USD là chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022.
Bộ NN&PTNT cũng giữ mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0 - 3,5%, trong đó giá trị sản xuất trồng trọt tăng 1,49%, chăn nuôi tăng 3,5 - 4,0%, thủy sản tăng 3,27%, lâm nghiệp tăng 3,22%.
Để đạt được mục tiêu này, báo cáo nêu rõ, toàn ngành cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Các chỉ tiêu phân bổ cụ thể, gồm: Nông sản chính 25 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD, thủy sản 10 tỷ USD, các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.
3 giải pháp trọng tâm để Bộ NN&PTNT theo đuổi mục tiêu
Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, trong 6 tháng cuối năm báo cáo nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào 3 giải pháp trọng tâm.
Trong đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng triển khai đồng bộ, hiệu quả các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch, nhằm cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Xác định khó khăn về thị trường đang là thách thức lớn nhất, Bộ NN&PTNT chú trọng phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản.
Cụ thể, Bộ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu...) và mở cửa các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi.
Thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản.
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, Bộ NN&PTNT phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp để thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương.
Một giải pháp không thể thiếu là ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nhằm giải quyết các khâu then chốt trong phát triển nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất cao.
Ngoài ra, việc đào tạo nghề cho nông dân, chuyển dịch đồng bộ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ cũng được Bộ NN&PTNT xác định là nhiệm vụ quan trọng trong 6 tháng cuối năm.
Tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, nhiệm vụ còn lại của ngành từ nay đến hết năm 2023 là rất lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang trong quá trình phục hồi, nhưng chưa bền vững, thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gây thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh và làm suy giảm tăng trưởng ngành.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành với các chính sách, giải pháp toàn diện để hoàn thành kế hoạch năm 2023, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, bảo đảm an sinh xã hội.
7 đề án Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ trong 6 tháng cuối năm 2023
Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (Cục Trồng trọt).
Kế hoạch hành động quốc gia kiểm soát buôn bán động vật hoang dã.
Đề án kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2024 - 2025.
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị định số 84/20221/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (Cục Kiểm lâm).
Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai (Cục Lâm nghiệp).
Đề án đào tạo, chuyển đổi nghề lao động nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2030 (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn).