Bờ kè kênh đang thi công thì bị sạt lở
Ngày 5/5, ông Huỳnh Phương Nhanh, Chủ tịch UBND xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại công trình đang thi công bờ kè kênh So Đũa.
Cụ thể, vụ sạt lở làm hư hại một đoạn bờ kè và đoạn lộ bê tông dài gần 100 m, ngang 3 m đổ sụp xuống sông, chia cắt giao thông đi lại giữa 3 ấp So Đũa, Má Tám và Hiệp Thành.
Sự cố này không chỉ gây thiệt hại về vật chất cho công trình đang thi công mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình nhà ở, đất đai của người dân sống dọc theo kênh So Đũa.

Vụ sạt lở làm hư hại một đoạn bờ kè và đoạn lộ bê tông dài gần 100 m, ngang 3 m đổ sụp xuống sông, trên địa bàn ấp So Đũa, xã Việt Thắng.
Theo nhiều người dân sống trong khu vực sạt lở cho biết, sự cố xảy ra chỉ sau khoảng 2 giờ đồng hồ khi đơn vị thi công công trình tiến hành nhổ bỏ các trụ cột bê tông của công trình kè cũ trước đây.
Đoạn kè cũ này nằm trong Dự án chống sạt lở khép kín Tiểu vùng X - Nam Cà Mau, do Ban Quản lý dự án Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) làm chủ đầu tư, xây dựng cách đây chưa đầy 10 năm.
Điều đáng nói là, hơn 60 trụ bê tông này được nhổ vào đêm khuya và chúng được vận chuyển sang các địa phương khác bán cho nhiều hộ dân với giá từ 1-1,2 triệu đồng/cây trụ bê tông, cốt thép hình vuông 30 cm x30 cm, có chiều dài khoảng 10 m.

Theo nhiều người dân sống trong khu vực sạt lở cho biết, sự cố xảy ra chỉ sau khoảng 2 giờ đồng hồ khi đơn vị thi công công trình tiến hành nhổ bỏ các trụ cột bê tông của công trình kè cũ trước đây.
Phóng viên đặt câu hỏi về chuyện có hay không sự việc nói trên, ông Huỳnh Phương Nhanh, Chủ tịch UBND xã, xác nhận: “Trong lúc thi công làm kè mới, thợ cần (người lái xáng cuốc - PV) có nhổ đi các trụ bê tông kè cũ để thuận lợi trong việc di chuyển vật liệu thi công kè mới và chở đi nơi khác bán lại cho người dân. Điều này là có. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã chỉ đạo Công an xã lập biên bản hiện trường và báo cáo vụ việc với đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án huyện và UBND huyện”. Còn chuyện bán bao nhiêu tiền, bao nhiêu cây trụ thì ông Nhanh từ chối trả lời với phóng viên.
Khi phóng viên hỏi về nguyên nhân đang thi công công trình xảy ra sạt lở, ông Nhanh nói vấn đề này để cơ quan chức năng đánh giá, xác định, còn xã không xác định được nguyên nhân gì, ngoài việc nguyên nhân sạt lở trước đây đã biết như: do đoạn sông cong, nước chảy xiết, phương tiện thủy hoạt động nhiều dẫn đến sạt lở.

Vụ sạt lở làm chia cắt giao thông đi lại giữa 3 ấp So Đũa, Má Tám và Hiệp Thành.
Công trình bờ kè kênh So Đũa được kỳ vọng sẽ bảo vệ đất đai và tài sản của người dân khỏi nguy cơ sạt lở vốn thường xuyên xảy ra tại khu vực. Thế nên, việc một đoạn bờ kè cùng đoạn lộ bê tông bất ngờ bị sạt lở nghiêm trọng khi đang thi công đã gây ra sự hoang mang và lo lắng trong người dân.
Ông Nguyễn Văn Út, một người dân sống trong khu vực sạt lở, nhận định: “Tuy đoạn kè cũ trước đây có xuống cấp do xây dựng đã lâu nhưng nó vẫn còn bảo vệ được phần chân đất, nên khi nhổ đi thì xảy ra sạt lở là điều không thể tránh khỏi”.
Điều làm cho ông Út và nhiều hộ dân sống trong khu vực bức xúc nhất, đó là tuyến kênh So Đũa rộng và có độ sâu trung bình từ 7-8 m, đặc biệt ở vị trí đang xảy ra sạt lở có độ sâu trên 10 m, nhưng những tấm đan kè chống sạt lở đang thi công có chiều cao rất kiêm tốn, chưa đầy 3 m, không thể giữ được đất nên gây sạt lở.
Ông Nguyễn Văn Mừng, một người dân sống trong khu vực sạt lở, bức xúc nói: “Trước đây con em học sinh trong ấp đi đến Trường Tiểu học 1 và Trường THCS Nguyễn Việt Khái chỉ mất khoảng 10 phút cho đoạn đường dài khoảng 5 km, nay phải đi vòng mất thời gian và đi đoạn đường dài gấp đôi so với trước khi con lộ chưa bị sụp lún”.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện đoạn giữa tuyến kênh So Đũa đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở, nếu không kịp thời kè chắn trong những ngày tới thì nguy cơ sạt lở tiếp tục diễn ra. Nhiều hộ dân đang sinh sống tại đây đang đứng trước nguy cơ bị cô lập, không thể đi lại bằng đường bộ.
Ông Huỳnh Phương Nhanh, Chủ tịch UBND xã, cho biết thêm, qua khảo sát, trên địa bàn còn 6 tuyến sông và có gần 20 điểm nóng về nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão sắp đến. Địa phương đang tiến hành vận động người dân làm con đường tạm vòng vào bên trong để thuận lợi trong việc đi lại.

Tại những điểm nóng nguy cơ sạt lở, tuyến giữa kênh So Đũa, đơn vị thi công đang tiếp tục thực hiện việc kè chống sạt lở.
Sự cố sạt lở này không chỉ gây tâm lý bất an cho người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của bà con trong ấp. Bởi, kênh So Đũa đóng vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu và giao thông thủy của khu vực. Một khi bờ kè bị sạt lở, nguy cơ bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy là hoàn toàn có thể xảy ra, gây khó khăn cho việc đi lại và sản xuất của người dân.
Trước sự cố sạt lở bất thường, nhiều người dân trong ấp So Đũa yêu cầu đơn vị thi công sớm có biện pháp khắc phục khẩn cấp, đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình lân cận, ngăn chặn nguy cơ sạt lở lan rộng.
Chủ đầu tư khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng sạt lở, xác định rõ nguyên nhân gây ra sự cố. Ngành chức năng tiến hành rà soát toàn bộ quy trình triển khai dự án, từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công và giám sát, để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Đặc biệt, bà con cũng yêu cầu công khai thông tin về sự cố và các biện pháp xử lý cho người dân được biết, tạo sự an tâm và tin tưởng.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bo-ke-kenh-dang-thi-cong-thi-bi-sat-lo-a38790.html