Bỏ độc quyền vàng miếng: Thị trường rất cần vì nhiều lợi ích
Bỏ độc quyền vàng miếng. Đây là đề xuất của Ngân hàng nhà nước đưa ra tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia diễn ra mới đây.
Nếu đi vào thực tiễn, đề xuất này sẽ giúp ích gì cho thị trường vàng? Việc quản lý sản xuất kinh doanh vàng miếng nên được thực hiện ra sao? Theo báo cáo về về diễn biến kinh tế vĩ mô do Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà trình bày tại phiên họp, thị trường vàng miếng thời gian qua được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương hơn. Trong đó, mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động của thị trường, tại phiên họp Ngân hàng nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, Hiệp hội đã kiến nghị cách đây 4 năm, tức là từ năm 2020 vì thấy Nghị định 24 không còn phù hợp. Việc bỏ độc quyền vàng miếng là bức thiết.
"4 năm Hiệp hội kiến nghị là không nên duy trì thương hiệu SJC và không nên độc quyền sản xuất vàng miếng. Vì không có ngân hàng Trung ương nào đi sản xuất vàng miếng như Nghị định 24 đã giao cho NHNN. Cả thế giới không ai làm như vậy. Chỉ có Việt Nam thôi, các nước Đông Nam Á cũng không. Cho nên cái việc bỏ là cần thiết lắm rồi, bức xúc lắm rồi".
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng Nghị định 24 năm 2012 về cơ bản đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, có thể thấy giá vàng, nhất là thương hiệu SJC so với quốc tế chênh tương đối cao. Từ đó có thể dẫn tới hiện tượng đầu cơ, găm giữ vàng thương hiệu SJC.
Do đó có thể thấy, Chính phủ cùng NHNN lúc này rất quyết tâm đổi mới, cập nhật cách thức quản lý vận hành thị trường vàng tốt hơn. Do đó, ông Lực cho rằng đề xuất của NHNN về việc bỏ độc quyền của nhà nước với sản xuất vàng miếng phù hợp với bối cảnh hiện nay.
"Ưu điểm rõ ràng là tạo ra tính cạnh tranh công bằng hơn giữa thương hiệu SJC và các thương hiệu khác. Thứ 2 là góp phần tăng nguồn cung thông qua việc NHNN đề xuất xem xét cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí điều kiện để có thể cùng nhập khẩu vàng miếng về. Nó sẽ giảm bớt sự khan hiếm nguồn cung, dẫn đến quan hệ cung cầu được cân đối hơn, góp phần giảm đáng kể mức chênh lệch giữa giá vàng thương hiệu SJC và giá vàng quốc tế. Thứ 3 là qua đó thấy rằng chúng ta đã và đang giảm bớt đi công cụ hành chính và dùng nhiều hơn công cụ gián tiếp, tức là những công cụ mang tính chất thị trường đảm bảo thị trường ngày càng tiệm cận với cách thức quản lý của quốc tế", TS Cấn Văn Lực nêu ưu điểm.
Đồng quan điểm, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, việc đó cũng góp phần rạch ròi câu chuyện quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh. "Cái thứ nhất là rạch ròi giữa quản lí nhà nước và hoạt động kinh doanh. Việc thứ 2 nữa là giao cho doanh nghiệp vàng sản xuất vàng miếng người ta nhập khẩu bằng vốn của người ta. Còn NHNN làm thì lại phải trích quỹ dự trữ ngoại tệ. Cái thứ 3 là NHNN nhập 1 lần nhiều không phải nhập theo tiến độ sản xuất. Còn doanh nghiệp nhập theo tiến độ sản xuất và theo cầu của thị trường", ông Bảng nói.
NHNN cho biết, cùng với đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, NHNN cũng cho rằng, hoạt động liên quan đến vàng trang sức mỹ nghệ nên coi là hoạt động kinh doanh thông thường và giao cho một Bộ ngành khác để thống nhất quản lý từ khâu nhập khẩu, sản xuất (bao gồm cả nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ) đến khâu lưu thông trên thị trường.
TS Cấn Văn Lực đồng tình với việc này. Ông cho rằng, các tiêu chí để doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện nên tập trung về năng lực tài chính, năng lực công nghệ (vì liên quan tới khâu chế tác sau này) và tiếp nữa là uy tín của thương hiệu này trên thị trường. Đồng thời cần tăng cường kiểm tra giám sát đảm bảo tính tuân thủ của các doanh nghiệp với những quy định đã đề ra.
"Chúng tôi cũng đã đề xuất là phải phân công trách nhiệm hết sức rõ ràng giữa các bộ ngành có liên quan trong việc quản lý và vận hành thị trường vàng. Ví dụ những cái gì liên quan đến vàng miếng và gắn với câu chuyện ngoại hối thì chắc chắn NHNN phải chủ trì giám sát. Những cái gì liên quan đến nhập lậu thì Bộ Công an phải vào cuộc. Những cái gì liên quan đến tiêu chí tiêu chuẩn về chất lượng vàng thì Bộ KHCN. Rồi quá trình xuất nhập khẩu vàng thế nào thì Tổng cục Hải quan phải vào cuộc. Tóm lại câu chuyện phân vai cần phải rõ ràng hơn và cần phải được quy định cụ thể hơn trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới", ông Lực đưa đề xuất.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, giao các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng để phát triển thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội:
"Nói là không độc quyền, nhà nước không độc quyền nữa, nhưng mở cái đó ra thì cái thương hiệu đó ai hưởng cái này, hết sức cân nhắc, miễn sao nó sát với giá thị trường và thế giới thì lúc đó ta tính cái tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp thu ý kiến các chuyên gia, đề xuất tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm để có đề xuất phù hợp tinh thần là để phục vụ cho người dân".
Thị trường đang rất cần đề xuất được hiện thực hóa để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, đảm bảo yếu tố kinh tế thị trường. Do đó, việc nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 sát với thực tiễn là rất cấp bách và cần sự can thiệp kịp thời nhanh chóng của Chính phủ.