Bộ Công Thương sẽ rà soát, tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển thị trường trong nước, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, rà soát để tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí.
Chiều 18-5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ về tình hình sản xuất công nghiệp - thương mại tháng 4 và 4 tháng năm 2023.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy những cải thiện. Trong đó, IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm 2,1%; ngành khai khoáng giảm 2,8%...
Kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,73%), trong đó xuất khẩu giảm 13% (cùng kỳ tăng 17,18%); nhập khẩu giảm 17,7% (cùng kỳ tăng 16,27%).
4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu 7,55 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo tăng 8,5% về lượng và tăng 7,2% về kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước; tăng 88% về lượng và tăng 98% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, kinh tế thế giới ghi nhận dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia và vẫn tiếp tục khó khăn, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển thị trường trong nước, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, bảo đảm cung cầu, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân; thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, rà soát để tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí; tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng…
Cũng tại họp báo, Bộ Công Thương đã giải đáp nhiều vấn đề được công luận quan tâm như: Giảm phí trước bạ với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước, việc triển khai Quy hoạch điện VIII, bảo đảm cung ứng điện trước nhu cầu tăng cao; việc đấu nối dự án điện tái tạo vào mạng lưới điện, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ ra sao cho doanh nghiệp…