Bộ Công Thương công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023
Trong năm thứ 8 xuất bản và công bố, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam có nhiều điểm mới như: cập nhật tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường; tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA; thông tin về chính sách mới của các thị trường nước ngoài tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam...
Sáng ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo ‘‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử hiện đại, bền vững’’ và Lễ công bố ‘‘Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023”.
Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu từ các Bộ, ngành Trung ương, các Hiệp hội, Hội ngành hàng sản xuất, thương mại, logistics, thương mại điện tử, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành hàng.
Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy phát triển bền vững logistics và thương mại điện tử
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nêu rõ: Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ là “Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn”.
Bên cạnh đó, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh “chuyển đổi số” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. Việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, theo đó tối ưu hiệu quả của các hoạt động của hai ngành này, từ đó góp phần giảm chi phí logistics nói chung cho toàn bộ nền kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu trọng yếu của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với Việt Nam khi mà chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường nhờ việc tối ưu lộ trình vận chuyển cũng như quản trị tốt việc giao hàng dựa trên các ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
"Những lợi ích này không chỉ mang lại giá trị cho từng doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế và chất lượng dịch vụ mà còn tác động chung đến toàn ngành logistics và thương mại điện tử cũng như nền kinh tế", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Cập nhật biến động xuất nhập khẩu của các ngành hàng, thị trường và hiệu quả tận dụng các FTA
Điểm nhấn tại sự kiện chính là Lễ công bố “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023”. Tiếp nối những kết quả đạt được từ Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản Báo cáo này.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu. Báo cáo Xuất nhập khẩu trong những năm qua đã cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm và đánh giá cao.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 có một số nội dung mới như: Xuất xứ hàng hóa; Tình hình thực thi các hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP; Công tác triển khai đàm phán, ký kết, nâng cấp các hiệp định FTA; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu…
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023, 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2023 lần lượt là: TP Hồ Chí Minh với kim ngạch 42.460.418.319 USD; Bắc Ninh kim ngạch 39.302.697.091 USD; Bình Dương kim ngạch 30.605.339.811 USD; Hải Phòng kim ngạch 26.797.379.584 USD; Thái Nguyên kim ngạch 25.687.769.353 USD; Bắc Giang kim ngạch 24.499.431.359 USD; Đồng Nai kim ngạch 21.624.486.427 USD; Hà Nội kim ngạch 16.655.817.179 USD; Phú Thọ kim ngạch 10.576.345.632USD; Vĩnh Phúc kim ngạch 9.970.966.301 USD;
Ở chiều ngược lại, 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu với kim ngạch 12.923.730 USD, Điện Biên kim ngạch 22.465.353 USD, Sơn La kim ngạch 25.581.267 USD, Bắc Kạn kim ngạch 37.690.290 USD, Ninh Thuận kim ngạch 62.550.821 USD, Cao Bằng kim ngạch 85.865.808 USD, Đắk Nông kim ngạch 100.263.092 USD, Hà Giang kim ngạch 145.909.898 USD, Quảng Bình kim ngạch 179.648.333 USD, Tuyên Quang kim ngạch 183.796.093 USD.
Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra Phiên thảo luận với chủ đề "Chiến lược đầu tư bền vững và xu hướng M&A trong ngành Logistics và Thương mại điện tử". Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội, Hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng các chuyên gia đối thoại, thảo luận, chia sẻ về: Giải pháp phát triển bền vững ngành Logistics và Thương mại điện tử; Xu hướng phát triển Logistics và thương mại điện tử xanh; Xu hướng M&A trong ngành và thực trạng nhân lực ngành Logistics và thương mại điện tử.
Qua 8 năm xuất bản, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 đã tập hợp tương đối đầy đủ không chỉ riêng các hoạt động xuất nhập khẩu mà cả các hoạt động quản lý của các cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương và các Bộ ngành khác. Công tác biên soạn Báo cáo xuất nhập khẩu hàng năm được Bộ Công Thương coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thể hiện tinh thần hỗ trợ, kiến tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng; góp phần hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội của Chính phủ.