Bluechip gia tăng sức ép, VN-Index lùi về mốc 1.485 điểm

Sau nhiều lần thử thách bất thành mốc 1.500 điểm, áp lực bán đã gia tăng trong phiên chiều 21/7 với tâm điểm là các cổ phiếu nhà Vingroup, đẩy VN-Index về mốc 1.485 điểm.

Thị trường tiếp tục gặp khó trong quá trình vượt cản 1.500 điểm suốt cả phiên giao dịch sáng 21/7. Dù có những nhịp tăng tốc khá mạnh bởi sự hỗ trợ tích cực của các cổ phiếu lớn, nhưng áp lực tại “vùng gió to” khiến VN-Index lập tức hạ độ cao và đã chuyển chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ trong khoảng 30 phút cuối phiên do áp lực bán gia tăng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, mặc dù dòng tiền vẫn tham gia khá tích cực, nhưng áp lực bán thường trực khiến thị trường khó hồi phục. Chỉ số VN-Index giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu trong hơn nửa phiên.

Sau hơn 1 giờ khá nỗ lực, sự hồi phục của một số mã lớn cùng sự đóng góp tích cực của cổ phiếu VPB, đã giúp thị trường một lần nữa thử thách lại mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên, VN-Index vẫn chưa vượt cản thành công. Thị trường đảo chiều giảm hơn 12 điểm sau 3 phiên tăng liên tiếp với sức ép lớn đến từ nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là cặp đôi VIC-VHM.

Dù là phiên giảm điểm mạnh nhất trong khoảng 1,5 tháng, nhưng vẫn mang tính chất là nhịp điều chỉnh kỹ thuật thông thường, bởi áp lực bán diễn ra chưa quá lớn và cũng không xảy ra trên diện rộng.

Đóng cửa, sàn HOSE có 118 mã tăng và 203 mã giảm, VN-Index giảm 12,23 điểm (-0,82%) xuống 1.485,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,47 tỷ đơn vị, giá trị 35.411,7 tỷ đồng, đều giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần qua ngày 18/7.

Nhóm VN30 dù phân hóa với 12 mã tăng và 17 mã giảm, nhưng chốt phiên giảm tới gần 16 điểm. Nguyên nhân chủ yếu do sức ép lớn đến từ cặp đôi nhà Vingroup. Trong đó, VIC may mắn thoát nằm sàn và đóng cửa giảm 5,9% xuống mức 112.000 đồng/CP, còn VHM giảm 4,2% xuống mức 92.000 đồng/CP, tổng cộng 2 mã đã lấy đi gần 10 điểm của chỉ số chung.

Ngoài ra, các mã lớn khác như TCb giảm 2,2%, MSN giảm 2,%, VRE, SSI, VCB, BVH, MWG, STB… đều giảm hơn 1%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VPB dù không giữ được mức giá cao nhất, nhưng đóng cửa vẫn tích cực nhờ lực cầu nội và ngoại hấp thụ mạnh. Kết phiên, VPB tăng 4,4% lên mức 22.300 đồng/CP với thanh khoản đạt xấp xỉ 72,6 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng tới gần 7,6 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, LDG vẫn bị bán tháo mạnh với khối lượng dư bán sàn lên tới hơn 23 triệu đơn vị. Ngoài ra, PTL và TCD cũng đóng cửa giảm sàn.

Mặt khác, một số mã vừa và nhỏ bất động sản như HTI, SJS, ITC, UIC tăng kịch trần. Ngoài ra, HVN vẫn tỏa sáng với khối lượng dư mua trần hơn 3,1 triệu đơn vị trong phiên giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu ưu đãi tỷ lệ 1:0,406.

Xét về nhóm ngành, với gánh nặng từ cặp đôi lớn đầu ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản dẫn đầu đà giảm của thị trường. Trong đó, CII, DIG, NVL, DXG, KDH, NLG, PDR… đều nới rộng đà giảm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn duy trì đà giảm nhẹ, trong đó, VIX ngược dòng hồi phục và kết phiên tăng 2,4% với hơn 71 triệu đơn vị khớp lệnh; trong khi SSI giảm 1,4% với hơn 55 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa, với VPB, SHB, EIB, HDB, VIB, ACB, CTG, SSB khởi sắc; còn VCB, BID, STB, TCB, OCB đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, SHB và VPB là tâm điểm của thị trường với thanh khoản lần lượt đạt gần 102 triệu đơn vị và 72,6 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng tăng 2,8% và 4,4%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép vẫn ngược dòng thị trường chung dù ghi nhận mức tăng khá hạn chế. Trong đó, cổ phiếu lớn của ngành là HPG đóng cửa tăng 1,2% lên mức 26.200 đồng/CP với thanh khoản đạt 55,77 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng khiến thị trường nới rộng biên độ giảm.

Chốt phiên, sàn HNX có 79 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index giảm 1,98 điểm (-0,8%) xuống 245,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 171 triệu đơn vị, giá trị 2.956,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu thép VGS vẫn tỏa sáng khi đóng cửa tăng 3,9% lên mức 31.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,43 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán lùi sâu hơn, với SHS giảm 2,4% xuống mức 16.400 đồng/CP và khớp lệnh vượt trội, đạt 46,6 triệu đơn vị, MBS giảm 1,7% và khớp gần 5,6 triệu đơn vị, VIG giảm 5,6% và khớp 1,26 triệu đơn vị…

Các cổ phiếu bất động sản trên HNX cũng giảm mạnh hơn trong phiên chiều, điển hình như CEO giảm 3,1% xuống mức 21.900 đồng/CP và khớp lệnh xấp xỉ 29 triệu đơn vị; IDC giảm 1,1% xuống mức thấp nhất phiên 45.600 đồng/CP và khớp 1,93 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bộ 3 gồm IDJ, APS và API đều bị bán ròng. Trong khi IDJ giảm 6,6% xuống mức thấp nhất 5.700 đồng/CP, thì APS và API đều đóng cửa nằm sàn, với thanh khoản đạt hơn 2-3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì đà giảm nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,45%) xuống 104,27 điểm với 150 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 73,5 triệu đơn vị, giá trị 872 tỷ đồng.

Cổ phiếu MSR vẫn duy trì diễn biến khởi sắc, đóng cửa tăng 4,3% lên mức 21.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 4,1 triệu đơn vị.

Trái lại, các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất đều nới rộng đà giảm. Trong đó, HNG giảm 3,1% và khớp hơn 8 triệu đơn vị, BVB giảm 3,4% và khớp 7,9 triệu đơn vị, HBC giảm 1,4% và khớp 6,12 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng 41IF8000 đáo hạn gần nhất là ngày 21/8 đã giảm 13,5 điểm, tương đương -0,8% lên 1.624,5 điểm, khớp lệnh 260.100 đơn vị, khối lượng mở gần 51.700 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CVPB2407 vẫn có khớp lệnh lớn nhất đạt 3,92 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 145% lên 490 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2406 khớp 3,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,6% lên 1.200 đồng/cq.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bluechip-gia-tang-suc-ep-vn-index-lui-ve-moc-1485-diem-post373464.html