Bình Thuận định hướng phát triển năng lượng bền vững

Bình Thuận có đường bờ biển dài 192 km từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khí hậu nắng gió quanh năm là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng của Việt Nam.

Bình Thuận định hướng phát triển

Lắp tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh minh họa.

Do đó, cần phải khai thác, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn tỉnh, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt chiến lược phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, phấn đấu đưa Bình Thuận sớm trở thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Để phát triển năng lượng bền vững và đúng hướng, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 216-KH/TU về định hướng phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng điện của tỉnh theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã được phê duyệt, đáp ứng tốt yêu cầu cho các mục tiêu phát triển theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó: Năm 2025: Công suất cực đại Pmax = 1.210 MW, điện thương phẩm 5.000 triệu kWh; năm 2030: Công suất cực đại Pmax = 1.621 MW, điện thương phẩm 7.566 triệu kWh; năm 2035: Công suất cực đại Pmax = 2.186 MW, điện thương phẩm 10.964 triệu kWh.

Phát triển, nâng tổng công suất của các nguồn điện (điện than, điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời, thủy điện) dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 13,85 GW, sản lượng điện đạt khoảng 68 tỷ kWh; đến năm 2030, đạt khoảng 22,6 GW, sản lượng điện đạt khoảng 106 tỷ kWh và đến năm 2045 đạt khoảng 38,3 GW, sản lượng điện đạt khoảng 164 tỷ kWh.

Trong đó, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió (kể cả điện gió ngoài khơi), điện mặt trời và điện khí LNG. Xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ, hiện đại, vận hành hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với các khách hàng sử dụng điện quan trọng được cấp điện theo thứ tự ưu tiên trên địa bàn tỉnh (Phụ tải loại I do UBND tỉnh phê duyệt theo từng thời kỳ).

Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường theo yêu cầu của từng thời kỳ, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, phấn đấu đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.

Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030 và mức 20% vào năm 2045, góp phần hoàn thành chỉ tiêu chung của cả nước.

Tập trung và định hướng phát triển các nguồn năng lượng như: nhiệt điện, điện gió và điện mặt trời, điện mặt trời trên mái nhà, thủy điện và điện sinh khối, rác thải và chất thải rắn. Xây dựng Bình Thuận là một trong những trung tâm sản xuất điện gió, mặt trời lớn nhất cả nước.

Ưu tiên phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện của tỉnh và khu vực. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét phê duyệt bổ sung các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đang nghiên cứu, khảo sát vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời trên mặt nước. Khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và điện mặt trời áp mái đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình.

Anh Chiến

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/binh-thuan-dinh-huong-phat-trien-nang-luong-ben-vung-130614.html