Bình Phước trong trái tim tôi

Khi tôi còn nhỏ, Bình Phước lúc đó vẫn thuộc tỉnh Sông Bé và thi thoảng một vài họ hàng xa đi lập nghiệp, có dịp về thăm quê hay biếu gia đình tôi ít hạt tiêu và hạt điều. Quảng Trị là mảnh đất nghèo nên dân di cư vào Nam rất nhiều, trong đó có cả họ hàng nhà tôi. Cũng vì thế mà từ đó tôi đã mang sẵn tư tưởng sau này mình cũng tha phương vào Nam lập nghiệp. Đứa con nít như tôi từ nhỏ đã luôn nghĩ về điều này.

Vào năm 2007, tôi cũng đã hoàn thành tâm niệm của mình là được vào Nam lập nghiệp. Tôi quen với một bạn đang là sinh viên trường đại học kinh tế, khi tôi hỏi quê bạn ở đâu thì bạn bảo ở Bình Phước. Tôi hỏi lại, thế Bình Phước có gì hả bạn? Bạn tôi bảo ở đó nghèo lắm, nhà bạn ở trên rẫy nên chỉ có vườn điều với tiêu, thi thoảng có voi ghé chơi. Tôi hay giỡn, khi nào cho mình về thăm quê bạn một lần cho biết nhé. Thế là từ đó, tôi hay nghĩ rằng, à Bình Phước ngoài cây tiêu, cây điều ra còn có cả voi nữa. Và tôi chỉ có dịp về ăn cưới nó để được đặt chân đến Bình Phước.

Một buổi sáng thức dậy tại Tiểu đoàn 208, có lẽ tôi là người khuyết tật may mắn khi có được nhiều trải nghiệm như vậy

Rồi cơ duyên cũng tới khi đầu tháng 12-2019 trong một sự kiện của Quỹ Hòa bình và Phát triển tổ chức, tôi may mắn được gặp anh Trần Quốc Duy, lúc đó đang còn làm Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước. Hai anh em chúng tôi có cuộc gặp gỡ hết sức “vô duyên” khi cùng khóc cho những nỗi đau của người khác. Ngồi nghe anh kể anh hay vào trại giam để nói chuyện với các bạn phạm nhân trong các buổi tuyên truyền. Tôi cũng nói mình đang làm dự án đem sách vào tặng các trại giam và tha thiết mong anh giới thiệu cho tôi về các trại giam và các trung tâm cai nghiện tại quê anh.

Các chiến sĩ tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đang chờ xin chữ ký của cô tác giả đặc biệt này

Đúng một tuần sau, tôi có mặt tại Bình Phước để làm một tour đi giao lưu truyền “lửa”. Và mở đầu cho tour này, tôi đến giao lưu tại Trường THPT chuyên Quang Trung. Một buổi sáng thứ 2 đầu tuần, giữa sân trường đầy nắng dù lúc ấy mới chỉ 7 giờ. Lúc đó, tôi đã nghĩ: “Sao nơi này nắng ghê quá!” nhưng cảm giác được lắng nghe những câu chuyện của các bạn học sinh đã làm tôi quên hết cái oi bức kia.

Trưa về, tôi tranh thủ cùng một người bạn chạy xe máy đi giao hàng. Tự nhiên lúc dừng đèn đỏ, tôi bỗng có cảm giác sao cái không khí nắng nóng này, cái bối cảnh của thành phố Đồng Xoài có cái gì đó na ná quê mình. Thật ra nó chỉ thiếu chút “đặc sản” gió Lào nữa là y chang Quảng Trị, bởi đa phần người ở đây đều giữ được chất giọng quê tôi. Có những lúc ra đường vô tình nghe ai đó nói giọng miền Trung là ngay lập tức tôi quay lại kiếm tìm, như thể đang kiếm tìm một người thân quen vậy.

Những cái nắm tay dễ thương của các em học sinh Trường THPT chuyên Bình Long

Ở Bình Phước một tuần với rất nhiều hoạt động và cũng có rất nhiều người ái ngại cho sức khỏe của tôi. Anh Duy liên tục hỏi: “Em có mệt không My?”. Tôi chỉ vui vẻ lắc đầu vì sự thân thiện của người dân ở đây khiến tôi thấy vui và thân quen như đang ở tại quê mình vậy. Tôi luôn tự hỏi rằng: “Nơi này không có nhiều cảnh đẹp như các tỉnh khác mình ghé tới, đặc sản đồ ăn cũng ít ỏi nữa, mà sao mình có cảm giác thân quen đến vậy?”.

Tuần đầu tiên ở Bình Phước, tôi chỉ làm giao lưu ở vài huyện quanh thành phố Đồng Xoài, nhưng tôi cảm nhận được nơi đây còn rất nhiều người khó khăn và tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm làm điều gì đó. Từ tâm niệm, tôi và anh Duy cùng nhau bắt đầu lên phương án để hiện thực hóa. Cứ vậy, tính trung bình 1 tháng tôi đều có mặt ở Bình Phước 1 lần với rất nhiều chương trình liên quan đến thiện nguyện. Lúc thì quyên góp sách cho trung tâm cai nghiện huyện Chơn Thành, lúc cùng đoàn làm phim tài liệu của TFS đi làm phim về các chiến sĩ biên giới đang căng mình chống dịch, khi thì tham gia chương trình tặng áo dài biên giới cùng NTK Nguyễn Việt Hùng và một số nghệ sĩ khác.

Có hôm đi thăm trại trẻ mồ côi nào đó, tôi và anh Duy ngồi với các em cả buổi chỉ để hát cho tụi nhỏ nghe. Có hôm lại tới giao lưu ở Tiểu đoàn 208 và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động ở huyện Lộc Ninh, rồi cùng vào các chốt biên giới thăm các chiến sĩ. Có hôm dẫn đoàn khảo sát vào các vùng dân tộc thiểu số, chứng kiến sự nghèo khổ, thiếu thốn của họ, khi về đã khiến tôi trằn trọc với suy nghĩ có cách nào để người đồng bào được thoát nghèo?

Khoảnh khắc tác giả chụp hình lưu niệm tại chương trình tặng áo dài cho các cô giáo vùng biên ở Trường TH&THCS Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh

Có những chuyến hành trình thiện nguyện phải bắt đầu đi từ 4-5 giờ sáng và kết thúc tầm 1-2 giờ sáng hôm sau, thế nhưng tôi vẫn không thấy mệt. Thậm chí, có những hôm lên biên giới với những cung đường khiến tôi có cảm giác mình có thể văng ra khỏi ôtô bất cứ lúc nào. Không những vậy, có những vùng sâu, vùng xa, các chốt biên phòng không có đường cho xe ôtô vào nên mọi người phải thay phiên nhau bồng bế tôi giữa cái nắng gắt vùng biên cương.

Tôi đi nhiều đến mức giờ không nhớ bao nhiêu chuyến, bởi làm hết chương trình này là đã lo lên kế hoạch chuẩn bị cho chương trình khác. Đến mức bây giờ nhiều bạn trên mạng xã hội mỗi lần muốn về Bình Phước tổ chức một chương trình thiện nguyện nào đó đều liên hệ tôi nhờ kết nối với Bình Phước. Và với cá nhân tôi, đó là điều vô cùng hạnh phúc vì không bao giờ dám nghĩ công việc mình đang làm lại có tính lan tỏa rộng như vậy!

Song, bên cạnh đó cũng có một số người đặt ra câu hỏi: “Ở Bình Phước có gì mà thấy Trà My suốt ngày đi và kéo nhiều người đi làm thiện nguyện cùng vậy?”. Và lúc đó, tôi cười trả lời rằng: “Tại Bình Phước chỉ có tình người mà thôi!” Vậy nên, đây là nơi tôi đi nhiều nhất so với các tỉnh, thành khác.

Với tôi bây giờ mỗi chuyến đi Bình Phước lại có cảm giác như đang về quê hương của mình vậy, lúc nào cũng đầy ắp tình thương. Tôi có cả những tình bạn hơn chục năm trời và có những người bạn chỉ mới quen gần đây. Thế mà, trong trái tim tôi luôn dành ra một góc đặc biệt cho mảnh đất này.

Trần Trà My

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/133291/binh-phuoc-trong-trai-tim-toi