Bình Lục đầu tư kiên cố hóa kênh mương kết hợp đường giao thông
Hằng năm, căn cứ quy hoạch nông nghiệp trên địa bàn được phê duyệt, UBND huyện Bình Lục chủ động rà soát, lập kế hoạch đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng kết hợp đường giao thông, nhất là những tuyến kênh thiết yếu, cấp bách. Đến nay, hệ thống kênh mương tưới, tiêu chính, quan trọng của huyện Bình Lục đã được kiên cố hóa, cơ bản đáp ứng tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất và đi lại của nhân dân.
Hằng năm, căn cứ quy hoạch nông nghiệp trên địa bàn được phê duyệt, UBND huyện Bình Lục chủ động rà soát, lập kế hoạch đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng kết hợp đường giao thông, nhất là những tuyến kênh thiết yếu, cấp bách. Đến nay, hệ thống kênh mương tưới, tiêu chính, quan trọng của huyện Bình Lục đã được kiên cố hóa, cơ bản đáp ứng tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất và đi lại của nhân dân.
Tháng 9/2022, dự án “Nạo vét, kiên cố hóa kênh, kết hợp cải tạo, nâng cấp đường bờ kênh Tân Hòa thuộc địa phận 2 xã: Tiêu Động, An Lão” do UBND huyện làm chủ đầu tư được triển khai. Tuyến kênh dài hơn 5,2 km, tổng kinh phí hơn 169 tỷ đồng với thời gian thi công 700 ngày, thực hiện nạo vét lòng kênh, gia cố mái, bê tông mặt bờ kênh và xây dựng cầu qua trục đường xã. Ông Vũ Trọng Hiếu, Giám đốc Ban quản lý đầu tư dự án xây dựng huyện Bình Lục cho biết: Đây là tuyến kênh tưới, tiêu kết hợp đường giao thông và dự án hiện đã triển khai xây dựng được khoảng 30% khối lượng. Trong đó, nạo vét, xây kè hai bên, mặt bờ kênh phía tây bê tông rộng 5m và phía đông mặt rộng 3m.
Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương và năng lực phục vụ hiện tại của từng tuyến kênh mương, huyện Bình Lục xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp, xây mới từng bước hoàn thiện kiên cố hóa kênh mương đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất và đường giao thông ở một số địa phương.
Vừa qua Kênh CG9 là tuyến kênh tiêu chính của xã An Ninh, trong đó đoạn kênh từ cống CT9 ra sông Châu nằm ở ngoài bãi sông, đồng thời là tuyến giao thông nông thôn của địa phương. Thời gian qua, một số vị trí sạt lở do đoạn kênh nằm trên nền địa chất yếu, đất pha cát, cao trình đỉnh bờ kênh và đáy kênh chênh lệch lớn nên khi vận hành mở cống CG9 để tiêu nước ra sông Châu đã ảnh hưởng dòng chảy và gây sạt trượt. Qua kiểm tra, đánh giá, ngành chức năng đã xác định việc sạt trượt mái kênh không ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước của kênh CG9 ra sông Châu. Song, để bảo đảm giao thông ổn định, UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện gia cố đoạn bờ kênh và xã An Ninh xử lý tạm thời mặt kênh đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân. Từ đó, bảo đảm việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất và đi lại êm thuận, an toàn cho người, phương tiện lưu thông qua địa bàn.
Hay đối với tuyến kênh tưới KTB4 dài 1.927m được xây dựng kiên cố (từ năm 2017), cung cấp nước tưới cho 131,64 ha đất nông nghiệp của hai xã: An Nội và Vũ Bản. Hiện nay, toàn bộ tuyến kênh đã được kiên cố hóa, tuy nhiên một số vị trí bị xuống cấp ảnh hưởng đến việc dong dẫn nước phục vụ sản xuất của nhân dân. Còn tuyến kênh tiêu CT9 là kênh đất, dài 8,5 km đi qua địa phận 3 xã: Vũ Bản, Bồ Đề, An Ninh. Đầu năm 2020 Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam nạo vét 5km và năm 2022 tiếp tục nạo nét, tôn tạo bờ đoạn kênh dài 3,5 km từ cống Miến đến cống cuối kênh CT9. Được biết, tuyến kênh CT9 nằm trong dự án cải tạo, kiên cố hóa kênh chính Tây và kênh CT9 theo Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 10/6/2020 của HĐND tỉnh, song do nguồn vốn khó khăn, nên dự án chỉ thực hiện đầu tư kiên cố hóa kênh kết hợp nâng cấp đường bờ kênh chính Tây với chiều dài hơn 4,9 km.
Kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa kết hợp nâng cấp đường bờ kênh đã tạo thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch của nhân dân ở các địa phương. Đầu năm 2022 tuyến kênh S12 qua địa phận hai xã: An Đổ, La Sơn được đầu tư xây dựng kè lát mái, cứng hóa mặt đường. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn thực hiện kiên cố hóa một số đoạn kênh KTB5B, KTB, kênh Đ7, kênh Đ6b tạo sự đồng bộ của hệ thống thủy lợi. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, thôn Sông (xã An Đổ) cho biết: Trước đây, là tuyến kênh đất nay xây dựng kiên cố kè lát mái và bê tông mặt đường tạo điều kiện đi lại thuận lợi, rút ngắn khoảng cách của thôn ra quốc lộ 37B. Tuyến kênh được xây dựng đã góp phần chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.
Tuyến kênh S12 đoạn qua xã La Sơn được xây kè lát mái và bê tông mặt bờ kênh tạo điều kiện thuận lợi tưới, tiêu và đi lại của người dân. Ảnh: Đức Anh
Nhằm bảo đảm chất lượng công trình, tránh thất thoát lãng phí, UBND huyện Bình Lục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường giám sát ở các khâu và yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Nhờ tích cực khai thác các nguồn vốn đầu tư tu bổ, nâng cấp, xây dựng kiên cố hóa kênh mương và mở rộng bờ kênh đã góp phần nâng cao năng lực tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời tạo ra kết nối giao thông giữa các địa phương trong khu vực.