Bình Định thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp

Trong tháng 9/2024, Bình Định sẽ tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh cũng sẽ có ít nhất 01 sản phẩm chủ lực để thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đó là ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn sau buổi làm việc với Sở Công Thương về công tác tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Được biết, quan điểm của UBND tỉnh trong việc tổ chức Hội nghị lần này là phải thực sự nghiêm túc, bài bản, có trọng tâm, đồng thời kết nối tốt giữa “6 nhà”, gồm: Nhà nước; Nông dân; Nhà khoa học; Doanh nghiệp; Ngân hàng; Nhà phân phối, trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bưởi da xanh, sản phẩm chủ lực của huyện Hoài Ân (Bình Định). Ảnh: Diễm Phúc

Bưởi da xanh, sản phẩm chủ lực của huyện Hoài Ân (Bình Định). Ảnh: Diễm Phúc

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, thương nhân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với bà con nông dân, người sản xuất, ổn định giá cả thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, an toàn thực phẩm và các giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, tuân thủ quy định pháp luật.

Dịp này, UBND tỉnh Bình Định cũng sẽ chuẩn hóa quy trình trong chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ, xác định cụ thể sản phẩm chủ lực của tỉnh cũng như nắm kỹ số liệu, sản phẩm, diện tích, sản lượng, giá cả để xây dựng kế hoạch phù hợp tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh cho giai đoạn trước mắt, tính toán định hướng cho giai đoạn dài hạn, kế hoạch 5 năm 2025 - 2030 và các năm tiếp theo.

Qua đây, ông Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định rõ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và của từng địa phương; nắm rõ thị trường tiêu thụ, đối tác thu mua sản phẩm nông sản của từng địa phương, của tỉnh. Trên cơ sở đó đề ra giải pháp, phương án quản lý tốt, hiệu quả khi tổ chức triển khai thực hiện.

Xây dựng nội dung ký cam kết cụ thể, số lượng, sản lượng đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh (Sở Công Thương thực hiện ký kết) và sản phẩm của từng địa phương (hoặc nhóm các địa phương có sản phẩm tương đồng) để ký cam kết tham gia mô hình liên kết chuỗi.

Ngoài ra, sau khi lấy ý kiến thống nhất của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, Sở Công Thương có trách nhiệm rà soát xây dựng nội dung, chương trình, kịch bản chi tiết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/9/2024 để xem xét cho tổ chức hội nghị trong tháng 9/2024.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu mỗi địa phương phải có tối thiểu 01 (một) sản phẩm chủ lực thực hiện mô hình liên kết chuỗi và UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện nghiêm túc về chỉ tiêu đối với mô hình liên kết chuỗi cho sản phẩm chủ lực của địa phương.

Riêng các sản phẩm còn lại, chủ động nắm tình hình, quản lý hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để có các phương án tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Quan tâm, sâu sát trong công tác lãnh đạo chỉ đạo trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trên địa bàn của địa phương; nắm rõ tình hình sản xuất, tiêu thụ để quản lý có hiệu quả, bài bản, hỗ trợ cho bà con nông dân trong khâu sản xuất, tiêu thụ; ước tính giá thành của nông sản để hỗ trợ tiêu thụ với giá cả hợp lý. Chỉ đạo thực hiện quy trình quản lý sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Ngọc Châu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/binh-dinh-thuc-hien-mo-hinh-chuoi-lien-ket-san-xuat-tieu-thu-va-che-bien-san-pham-nong-nghiep-post525832.html