Bình Định: Không đổi tên xã Canh Vinh vì liên quan dự án trọng điểm Becamex VSIP
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị giữ nguyên tên xã Canh Vinh vì liên quan đến Khu công nghiệp, Đô thị, Dịch vụ Becamex VSIP được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư; nếu thay đổi tên gọi sẽ phải thay đổi các hồ sơ kèm theo.

Quảng cảnh Kỳ họp thứ 23 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII. Nguồn: NTV
Sáng ngày 28/4, HĐND tỉnh Bình Định tổ chức Kỳ họp thứ 23 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Bình Định đã thông qua Nghị quyết về chủ trương hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai; Nghị quyết về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Tại kỳ họp, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trình bày tờ trình chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định.
Theo đó, thành lập tỉnh Gia Lai trực thuộc trung ương trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 15.510,13 km2, quy mô dân số là 1.770.592 người của đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và toàn bộ diện tích tự nhiên là 6.066,40 km2, quy mô dân số là 1.813.101 người của đơn vị hành chính tỉnh Bình Định.
Đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên là 21.576,53 km2, quy mô dân số là 3.583.693 người và có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường); nơi đặt Trung tâm chính trị - hành chính tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.
Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng trình bày tờ trình chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025.
Trước khi sắp xếp, tỉnh Bình Định hiện có 115 xã, 28 phường, 12 thị trấn.
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 154 đơn vị; 1 đơn vị có yếu tố đặc thù. Lý do, xã Nhơn Châu là xã đảo, có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề.
Theo tờ trình, TP. Quy Nhơn còn 5 phường là Quy Nhơn, Quy Nhơn Đông, Quy Nhơn Tây, Quy Nhơn Nam, Quy Nhơn Bắc và 1 xã đảo Nhơn Châu.
Thị xã An Nhơn còn 5 phường gồm Bình Định, An Nhơn, An Nhơn Đông, An Nhơn Bắc, An Nhơn Nam và 1 xã An Nhơn Tây.
Thị xã Hoài Nhơn còn 7 phường gồm Bồng Sơn; Hoài Nhơn; Tam Quan, Hoài Nhơn Đông, Hoài Nhơn Tây, Hoài Nhơn Bắc, Hoài Nhơn Nam.
Huyện Phù Cát còn 7 xã là Phù Cát, Xuân An, Ngô Mây, Cát Tiến, Đề Gi, Hoài Hội, Hội Sơn.
Huyện Phù Mỹ còn 7 xã là Phù Mỹ, An Dương, Bình Dương, Phù Mỹ Đông, Phù Mỹ Tây, Phù Mỹ Nam, Phù Mỹ Bắc.
Huyện Tuy Phước còn 4 xã Tuy Phước, Tuy Phước Đông, Tuy Phước Tây, Tuy Phước Bắc.
Huyện Tây Sơn còn 4 xã là Tây Sơn, Bình Khê, Bình Phú, Bình Hiệp. Huyện Hoài Ân còn 5 xã Hoài Ân, Ân Tường, Kim Sơn, Vạn Đức, Ân Hảo.
Huyện An Lão còn 4 xã An Hòa, An Lão, An Vinh, An Toàn; huyện Vĩnh Thạnh còn 4 xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn.
Riêng huyện Vân Canh, ban đầu theo tờ tình có 3 xã là Vân Canh Bắc, Vân Canh Nam và Canh Liên.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị giữ lại tên gọi Canh Vinh. Nguồn: BTV
Tuy nhiên, cho ý kiến tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đề nghị giữ lại tên gọi Vân Canh để xác định vị trí trung tâm.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị giữ lại tên gọi Canh Vinh vì liên quan đến Khu công nghiệp, Đô thị, Dịch vụ Becamex Vsip được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại xã Canh Vinh.

Xã Canh Vinh nơi đặt Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex Vsip Bình Định.
Theo ông Dũng, nếu thay đổi tên gọi sẽ phải thay đổi các hồ sơ kèm theo. “Canh Vinh cũng là động lực tăng trưởng cho tỉnh trong thời gian đến, hiện có 10 doanh nghiệp đang đầu tư trên Canh Vinh”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề cập.
Sau sắp xếp, tỉnh Bình Định còn 58 đơn vị hành chính (gồm 41 xã; 17 phường); giảm 97 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay (gồm 74 xã; 11 phường; 12 thị trấn); đạt tỷ lệ 62,58%.
Phát biểu kết luận kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định, việc nhập 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định sẽ tạo lợi thế to lớn về phát triển kinh tế - xã hội; tạo không gian phát triển mới, kết hợp tiềm năng to lớn của vùng Tây Nguyên với phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định.
“Tỉnh Gia Lai mới có một vị trí đặc biệt quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia; tạo cơ hội cho chuỗi giá trị nông sản, du lịch, công nghiệp, kinh tế biển; nâng cao hiệu quả kinh tế và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, phát huy được lợi thế so sánh”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đánh giá, nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định là kết quả của sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cân nhăc nhiều mặt, toàn diện, chu đáo cả về yếu tố văn hóa truyền thống lịch sử cả; cả về tâm tư, nguyện vọng tình cảm của nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu UBND tỉnh tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp đảm bảo thông suốt liên tục, không để xảy ra gián đoạn, ách tắc gây chậm trễ.