Biến giờ học Lịch sử thành các tiết học phát huy tính tích cực
Để giúp học trò hào hứng, thích thú và đam mê với môn học, giáo viên dạy Lịch sử luôn trăn trở, tìm tòi đổi mới phương pháp dạy, nhằm biến giờ học Lịch sử thành các tiết học phát huy tính tích cực.
Tạo nguồn cảm hứng cho học trò
Cô Lê Thị Tuyết Mai – giáo viên dạy môn Lịch sử ở Trường PTDTBT-THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) cho hay, cô đã có 15 năm công tác trong ngành và trực tiếp đứng lớp dạy môn Lịch sử, nhưng luôn trăn trở về việc học sinh tiếp cận với môn học này.
Tuy nhiên, đây là môn học cần học sinh phải nhớ rất nhiều các mốc sự kiện lịch sử. Do đó, để học sinh hào hứng, đam mê với môn học, thì giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời lồng ghép với các môn xã hội khác nhằm hướng học sinh yêu lịch sử.
“Chúng tôi thường áp dụng phương pháp lồng ghép, để giảng dạy môn lịch sử làm sao cho các em hào hứng và thích thú. Khi học sinh có hứng thú mỗi khi vào giờ học lịch sử, thì các em sẽ chăm chú nghe cô giảng bài.
Tuy nhiên, Trường PTDTBT-THCS Trung Lý đa số là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc học tập của các em cũng có phần kém sôi nổi như học sinh ở miền xuôi, hay thành thị.
Trong khi đó, Lịch sử là môn học khó, vì liên quan tới nhiều sự kiện và số liệu, đòi hỏi một cách chính xác. Hơn nữa, nội dung trình bày trong sách giáo khoa từ trước đến nay lại chưa thực sự hấp dẫn, khiến số lượng HS yêu thích môn học này ngày càng có chiều hướng giảm dần”, cô Mai bày tỏ.
Theo nữ giáo viên, khi lên lớp học, nếu học sinh hào hứng tham gia trả lời những câu hỏi của cô giáo và được giải đáp thắc mắc, sẽ giúp các em nắm vững được kiến thức và không còn chán nản, hay “sợ” môn học Lịch sử. Do đó, cô Mai thường thay đổi phương pháp giảng dạy, áp dụng cách truyền đạt sao cho học sinh hứng thú.
Đồng thời, trong quá trình dạy, cô Mai luôn cố gắng tìm tòi câu chuyện, phim, sách tranh lịch sử để phối hợp giảng dạy cùng nội dung trong sách giáo khoa, đọc sách về chủ đề lịch sử rồi cho học sinh thảo luận.
“Với phương pháp giảng dạy này, chúng tôi đã tạo được sự hứng khởi, thích thú của học sinh và từ đó, không khí trong những tiết học không trở nên nhàm chán, hay khô khan khiến cho các em ngại học môn Lịch sử”, cô Mai tâm sự.
Còn cô Đỗ Thị Hoa – giáo viên dạy môn Lịch sử ở Trường THPT Tống Duy Tân (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), cho rằng: Vai trò môn Lịch sử không ai có thể phủ nhận, nhưng hiện nay môn học này lại đang bị xem nhẹ, nhiều học sinh có tâm lý chán học, thậm chí là “sợ” môn học Lịch sử.
Cũng theo cô Hoa, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, vì: “Chương trình SGK quá nặng nề, khô khan, không hấp dẫn, học sinh không thể nhớ nổi, và không thể nhập tâm được. Cách nhìn của xã hội về bộ môn Lịch sử còn quá phiến diện, dẫn đến những quan điểm lệch lạc.
Không ít phụ huynh và học sinh cho rằng, học Lịch sử không có tương lai, ra trường khó, thậm chí không xin được việc làm…”, cô Hoa bày tỏ.
“Học Lịch sử không phải là ghi nhớ một cách máy móc”
Là người đã và đang dạy môn Lịch sử ở Trường THPT Tống Duy Tân gần 20 năm qua, cô Hoa nhận thấy cũng có nhiều học sinh khá thờ ơ với môn Lịch sử, coi đó chỉ là “môn phụ”.
Các em mặc dù chọn tổ hợp môn xã hội khá nhiều (hơn 80%), nhưng nhiều em còn học môn Lịch sử với tâm lý đối phó, nhiều em ý thức học tập trong giờ chưa tốt, tỏ ra khá mệt mỏi…
Từ thực trạng trên, cô Hoa đã tích cực học hỏi, đổi mới phương pháp dạy học nhằm mang lại sự hứng thú, thích thú cho các em trong môn học này.
Theo cô Đỗ Thị Hoa, để tạo được sự hứng thú cho học sinh đối với môn Lịch sử, trước hết, giáo viên phải truyền đạt sao cho các em hiểu rõ học Lịch sử không phải là ghi nhớ một cách máy móc, học thuộc lòng các ngày tháng, con số...
Điều cơ bản, là học sinh phải nắm được bản chất của các sự kiện, hiện tượng Lịch sử, từ đó xâu chuỗi và rút ra được bài học phục vụ cho cuộc sống.
"Cùng với đó, chúng tôi luôn biến giờ học Lịch sử tưởng chừng khô khan thành các tiết học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh thông qua các câu hỏi nêu vấn đề.
Sử dụng các đồ dùng trực quan (tranh ảnh, phim tư liệu…), khai thác từ các nguồn tư liệu khác nhau (nguồn Internet) để phục vụ hiệu quả cho các tiết học.
Đồng thời, chúng tôi sử dụng phương pháp dạy học tích hợp, liên môn như: sử dụng kiến thức văn thơ, địa lý… vào các tiết dạy học Lịch sử, để làm sao cho học sinh cảm thấy giờ học Lịch sử trở nên nhẹ nhàng hơn.
Ngoài ra, chúng tôi tăng cường cho học sinh làm việc theo nhóm, giao cho nhóm sưu tầm và làm bài tập theo dạng đề tài khoa học với yêu cầu ở mức độ vừa phải.
Hướng dẫn học sinh lên mạng tìm kiếm thông tin, sau đó cho thuyết trình, tranh luận… điều đó sẽ giúp các em có kỹ năng tìm kiếm, xử lý thông tin và sẽ học tốt môn Lịch sử”, cô Hoa chia sẻ.
Thầy Nguyễn Văn Tinh – Hiệu trưởng Trường THPT Tống Duy Tân cho biết, nhờ việc áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực của giáo viên, nên thực trạng dạy và học môn Lịch sử ở Trường THPT Tống Duy đã được cải thiện đáng kể.
"Một trong những điều đáng mừng là học sinh không còn tâm lý sợ môn Lịch sử. Các em đã có cái nhìn đúng đắn hơn về môn học và có nhiều em đã mạnh dạn đăng ký tham gia dự thi chọn học sinh giỏi
Chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng nâng cao đáng kể. Điểm trung bình môn Lịch sử ở Trường THPT Tống Duy Tân tuy chưa cao, nhưng đã vượt mức trung bình của cả nước và toàn tỉnh (năm học 2020-2021). Nhiều năm liền, Trường THPT Tống Duy Tân luôn có học sinh đoạt giải cấp tỉnh môn Lịch sử…”, thầy Nguyễn Văn Tinh thông tin.
Thế Lượng