Biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng cướp bóc

Biến đổi khí hậu làm suy thoái môi trường, làm đảo lộn sinh kế gây ảnh hưởng đến những người nghèo khó. Từ đó dẫn đến cảnh những kẻ túng quá hóa liều.

Ở ngoài khơi Nigeria hay Somalia, bọn cướp biển có vũ trang trên những chiếc thuyền nhỏ lao về phía một tàu chở hàng. Chúng leo lên tàu, giành quyền kiểm soát con tàu và hàng hóa có giá trị trên đó. Đây là một thực tế nghiệt ngã xuất hiện ngày càng nhiều đối với những người đi biển ở nhiều nơi trên thế giới.

Cướp biển tại Somalia

Cướp biển tại Somalia

Cướp biển gây ra mối đe dọa đối với vận chuyển, thương mại toàn cầu và sự an toàn của người đi biển. Chỉ riêng năm 2020, đã xảy ra 135 vụ bắt cóc trên biển, trong đó Vịnh Guinea ngoài khơi bờ biển Tây Phi chiếm hơn 95% số vụ bắt cóc. Cướp biển thường bắt con tin phải chịu bạo hành, tra tấn và thậm chí hành quyết.

Điều đáng lo ngại hơn là biến đổi khí hậu dường như đang khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Ở những khu vực như Đông Phi, biến đổi khí hậu đang tàn phá nghề cá mà con người phụ thuộc qua nhiều thế hệ.

Biến đổi khí hậu khiến trữ lượng cá suy giảm do một số loài di cư ra khỏi tầm đánh bắt của ngư dân địa phương. Hạn hán kéo dài và thời tiết khắc nghiệt càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và nghèo đói trên đất liền. Một số ngư dân phải bỏ nghề cộng với lực lượng thanh niên thất nghiệp đã chuyển sang hành nghề cướp biển.

Các biện pháp an ninh ở vùng biển Somalia ở Đông Phi trong thập niên qua đã làm giảm đáng kể số vụ cướp biển trong khu vực. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy nạn cướp biển ở Somalia đang trỗi dậy trở lại. Trong quý đầu tiên của năm 2024, có 33 vụ được báo cáo ngoài khơi bờ biển Somali, trong đó có hai vụ cướp nghiêm trọng.

Câu chuyện tương tự đang diễn ra cách đó hàng nghìn km ở Vịnh Guinea. Cướp biển ở đó có liên quan đến những nhóm tội phạm tuyển mộ các thanh niên nghèo túng đi cướp tàu chở dầu và hút trộm dầu thô. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước biển ấm lên và hoạt động đánh bắt trái phép tràn lan đã làm suy giảm nghề cá địa phương, đã đẩy cư dân ven biển tuyệt đường mưu sinh.

Tại Bờ Biển Ngà, tổng sản lượng đánh bắt cá năm 2020 giảm gần 40% so với năm 2003. Tại Ghana, sản lượng đánh bắt cá năm 2019 giảm 59% so với năm 1993. Dự báo vào năm 2050, sản lượng đánh bắt cá ở hai quốc gia này và Nigeria có thể giảm thêm 50%.

Trong khi đó, lợi nhuận bất chính từ việc trộm cắp dầu là rất lớn. Riêng đối với Nigeria, những khoản lợi nhuận này ước tính vào khoảng từ 3 tỉ USD đến 8 tỉ USD mỗi năm. Khoản tiền bẩn quá lớn này còn thúc đẩy hoạt động buôn bán vũ khí, tham nhũng và tình trạng sống ngoài luật pháp. Đó là một vòng luẩn quẩn làm suy yếu các nỗ lực phát triển và duy trì an ninh.

Khi biến đổi khí hậu và đánh bắt trái phép làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói trong khu vực, nhiều người tuyệt vọng hơn có thể quay sang làm hải tặc. Điều này sẽ kéo dài sự bất ổn và đe dọa sự an toàn của ngành hành hải và thương mại toàn cầu.

Giải quyết tận gốc rễ nạn cướp biển

Đầu tư vào đánh bắt cá bền vững, phát triển kinh tế ở các vùng ven biển dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu là rất cần thiết để ngăn chặn làn sóng cướp biển gia tăng.

Lực lượng Cảnh sát Hàng hải Puntland, một lực lượng an ninh tại khu vực bán tự trị Puntland ở phía đông bắc Somalia, đã kiềm chế hiệu quả nạn cướp biển ở vùng biển Somali sau khi được thành lập vào năm 2010. Các cuộc tấn công của cướp biển ngoài khơi bờ biển Somali đã giảm từ mức đỉnh điểm là 237 vụ vào năm 2011 xuống chỉ còn 9 vụ vào năm 2017.

Bằng cách tuần tra trên biển, lực lượng này ngăn chặn hoạt động cướp biển và phòng ngừa các cuộc tấn công trước khi chúng xảy ra. Họ cũng tập trung vào việc đào tạo và trang bị cho chính quyền địa phương phương tiện cũng như bồi dưỡng kiến thức làm chủ về an ninh hàng hải.

Bên cạnh các biện pháp an ninh, Lực lượng Cảnh sát Hàng hải Puntland đã giúp xây dựng các cộng đồng ven biển có khả năng chống chịu tốt hơn trước tác động của biến đổi khí hậu. Với sự hỗ trợ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, họ đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện và đường sá, đồng thời hỗ trợ dạy nghề phụ cho ngư dân thông qua các hợp tác xã đánh cá và các chương trình đào tạo nghề.

Thành công của Lực lượng Cảnh sát Hàng hải Puntland cho thấy tính hiệu quả của phương pháp giải quyết cả triệu chứng và nguyên nhân cơ bản của tội phạm hàng hải.

Cướp biển tại Indonesia bị bắt giữ

Cướp biển tại Indonesia bị bắt giữ

Biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự trỗi dậy của hoạt động cướp biển. Việc đánh bắt trái phép đang làm cạn kiệt nguồn cá và hủy hoại môi trường sống biển. Điều này, cùng với biến đổi khí hậu, tình trạng kinh tế khó khăn và quản lý yếu kém, đang tạo điều kiện thuận lợi cho nạn cướp biển gia tăng.

Do đó, trấn áp hoạt động đánh bắt trái phép và phát triển khả năng giám sát trên biển cũng có thể góp phần giải quyết nạn cướp biển. Tại Somalia, hệ thống giám sát vệ tinh của EU đã giúp theo dõi hoạt động của tàu đánh cá trong khu vực và ngăn chặn hoạt động đánh bắt trái phép, góp phần hạn chế nạn cướp biển.

Và các sáng kiến chia sẻ thông tin giữa các quốc gia đang thúc đẩy hợp tác khu vực lớn hơn và tạo điều kiện cho phản ứng phối hợp hơn trước các mối đe dọa trên biển. Ví dụ, Sáng kiến “Chia sẻ Nhận thức và Giảm xung đột ở Vịnh Guinea” gồm các cuộc họp thường xuyên giữa hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và các bên liên quan trong ngành để chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp tuần tra và triển khai các biện pháp hành động tốt nhất cho an ninh hàng hải trong khu vực.

Cuối cùng, cướp biển là một triệu chứng của sự bất ổn rộng lớn hơn do biến đổi khí hậu gây ra ở nhiều vùng ven biển dễ bị tổn thương trên thế giới. Việc không hành động sẽ khiến nhiều người gặp nguy hiểm hơn và đe dọa hoạt động thương mại hàng hải vốn là nguồn cung cấp năng lượng cho nền kinh tế toàn cầu.

Sự gia tăng nạn cướp biển ở các vùng nước đang ấm lên trên thế giới là một lời cảnh báo trước. Thực tế đó cho thấy cộng đồng có thể mất ổn định nhanh như thế nào khi biến đổi khí hậu làm xói mòn sinh kế truyền thống. Để giải quyết mối đe dọa này, cần tạo một tương lai bền vững, công bằng và thích ứng với khí hậu hơn cho các cộng đồng ven biển - trước khi ngày càng có nhiều người tuyệt vọng quay sang làm cướp biển để mưu sinh.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bien-doi-khi-hau-lam-gia-tang-tinh-trang-cuop-boc-217634.html