Bệnh tay - chân - miệng có xu hướng tăng nhanh

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, vừa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay - chân - miệng. Ông Lê Đức Dũng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết, hiện nay, thời điểm giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho dịch tay - chân - miệng bùng phát mạnh.

Hình ảnh minh họa - Ảnh: S.T

Hình ảnh minh họa - Ảnh: S.T

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay - chân - miệng, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Số ca mắc tay - chân - miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.

Tại Quảng Trị, chỉ trong vòng một tuần (từ 27/7 – 2/8), có thêm 18 ca mắc bệnh tay - chân - miệng, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm 2023 đến ngày 2/8 lên con số 47. Trong đó, TP. Đông Hà có 14 ca, huyện Cam Lộ 12 ca, các huyện Hướng Hóa, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh từ 3 đến 5 ca/huyện.

Theo ông Dũng, bệnh tay - chân - miệng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới tử vong như: viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thường xuất hiện sớm khoảng từ ngày 2 - 5 của bệnh.

Các dấu hiệu mắc bệnh tay - chân - miệng gồm: Giai đoạn khởi phát trẻ em sốt, mệt mỏi, đau họng, tổn thương, đau rát ở miệng, chảy nước bọt nhiều, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát bắt đầu bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10 mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa. Loét miệng ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3 mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.

Dấu hiệu toàn thân nặng gồm rối loạn tri giác, mê sảng, co giật, nôn, tay chân run rẩy, tim đập nhanh, khó thở, tím tái…

Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, không để dịch tay - chân - miệng bùng phát, Sở Y tế đã đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; sẵn sàng các đội đáp ứng nhanh nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh, nâng cao sức khỏe. Thực hiện 3 sạch: “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Đặc biệt, trong trường học cần tuyên truyền, hướng dẫn học sinh rửa tay thường xuyên, đúng cách; vệ sinh trường học, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Vân Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su-trong-tinh/benh-tay-chan-mieng-co-xu-huong-tang-nhanh/178912.htm