Bế mạc phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15-2, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì và phát biểu bế mạc phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành phiên họp đầu tiên của năm mới Quý Mão, cũng là phiên đầu tiên thực hiện theo Quy chế hoạt động mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhận định phiên họp đã bám sát, hoàn thành nội dung theo kế hoạch đề ra, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực lớn của các cơ quan hữu quan đóng góp vào kết quả của phiên họp.
Trên cơ sở các kết luận nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan hữu quan hết sức khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, đặc biệt là hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành sớm.
Lưu ý trong thời gian tới còn nhiều nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát các chương trình, kế hoạch và kết quả giao ban đầu năm; khẩn trương tổ chức triển khai các công việc, trước mắt sắp xếp lịch và chuẩn bị kỹ nội dung cho buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ để thống nhất nội dung phối hợp công tác cho cả năm nay.
* Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trình bày tờ trình, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết, bảo đảm tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể trong thi đua, khen thưởng và ghi nhận những đóng góp của đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động.
Dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 38 điều, quy định về 6 nội dung cơ bản. Trong đó, quy định công tác thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm sẽ tham gia thi đua thường xuyên và xét tặng danh hiệu thi đua ở cơ quan, đơn vị nơi mình công tác; tặng kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối tượng đương nhiên được xét tặng (theo năm công tác) là đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công chức Văn phòng Quốc hội; hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài quy định của Luật Thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích, ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức với hoạt động của Quốc hội hằng năm.
Sau khi các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công Ban Công tác đại biểu là cơ quan soạn thảo, Ủy ban Xã hội của Quốc hội là cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, phối hợp soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành riêng Nghị quyết quy định về Kỷ niệm chương và Nghị quyết quy định việc thi đua, khen thưởng theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng; đồng thời tổ chức lấy ý kiến góp ý, sớm hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong thời gian tới.