Bất ngờ vì biết Tết Đoan Ngọ có những phong tục độc đáo, may mắn này

Tết Đoan Ngọ được coi là Tết quan trọng từ xưa, cả trong cung đình và dân gian. Tùy vùng miền mà lễ nghi, phong tục có khác.

Tết Đoan Ngọ xưa

Tết Đoan Ngọ (còn gọi là Tết Đoan Dương) là một ngày Tết của Việt Nam và một số nước Đông Á như Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc... diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm.

Theo PGS.TS Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), dịp này trong cung đình, ngoài dân gian có những lễ nghi, phong tục khác nhau - nhưng đều chung ý nghĩa là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tông và những người có công sinh công dưỡng với mình. Ca dao xưa có câu:

"Tháng Tư đong đậu nấu chè

Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm".

Theo đó từ "Đoan" nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là thời gian từ 11 - 13 giờ ngày 5/5 âm lịch) - người dân ăn Tết Đoan Ngọ vào buổi trưa.

Tái hiện Tết Đoan Ngọ dâng lễ ở Hoàng thành Thăng Long 2024. Ảnh internet.

Tái hiện Tết Đoan Ngọ dâng lễ ở Hoàng thành Thăng Long 2024. Ảnh internet.

Tết Đoan Ngọ ở nước ta thời tiết nắng nóng nhất trong năm – là điều kiện tốt cho các loài sâu bọ, vi trùng, dịch bệnh phát triển làm hại mùa màng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Từ xưa người dân đã biết chống nắng nóng, phòng dịch bệnh thông qua món ăn, thức uống, đồ dùng - do đó còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết "giết sâu bọ" – phong tục này đã đi vào kho tàng văn học Việt Nam.

Tết Đoan Ngọ có những nghi lễ độc đáo như dâng cúng sản vật mùa hạ lên Tổ tiên, ăn uống để "diệt sâu bọ" trong cơ thể. Trong cung đình thì nhà vua sẽ thực hiện một số nghi lễ trang trọng như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến tiệc đãi quần thần.

Ngoài dân gian thì sửa mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ có đầy đủ hoa quả, cơm rượu nếp, rượu hùng hoàng… bày lên ban thờ từ sáng sớm. Sau khi cúng bái xong thì hạ lễ cho người thân thụ lộc, ai cũng ăn chút hoa quả, bánh tro, cơm rượu nếp, uống rượu hùng hoàng, xương bồ để "giết sâu bọ" trong cơ thể.

Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ có đầy đủ hoa quả, cơm rượu nếp, rượu hùng hoàng… bày lên ban thờ từ sáng sớm. Ảnh internet.

Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ có đầy đủ hoa quả, cơm rượu nếp, rượu hùng hoàng… bày lên ban thờ từ sáng sớm. Ảnh internet.

Tết Đoan Ngọ và lễ ban quạt độc đáo, may mắn trong cung đình xưa

Dưới thời Lê Trung Hưng, Tết Đoan Ngọ nhà vua, hoàng tộc tiến hành lễ tế tự ở nhà Thái miếu. Hoàn tất thì xa giá lên điện Cần Chánh thiết triều. Nhà vua uy nghi ngự trên ngai rồng, bề tôi các quan văn võ từ bậc tam phẩm trở lên đều được tham dự.

Theo thông lệ, Tết Đoan Ngọ nhà vua ban thưởng bề tôi với nghi lễ ban quạt - thể hiện quyền uy của bậc thiên tử, chăm lo đến thần dân - với ý nghĩa nhân văn, may mắn là ban "Phúc lành, Sức khỏe, Bình an"… cho quần thần từ hoàng thân, văn võ bá quan tới binh lính… Vua sẽ làm thơ đề lên quạt, ca ngợi cuộc sống thanh bình của muôn dân, đồng thời khuyên răn triều thần làm những điều tốt đẹp cho xã hội, cho trăm họ…

Quạt ban thưởng trong Tết Đoan Ngọ xưa. Ảnh internet.

Quạt ban thưởng trong Tết Đoan Ngọ xưa. Ảnh internet.

Nhà sử học Lê Văn Lan từng dẫn chứng trong sử sách để khẳng định: Trong cung đình, dưới thời Lê, vua và triều đình long trọng tổ chức nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thường triều và ban yến, ban quạt cho các quan thể hiện quyền uy của bậc thiên tử và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Các nghi thức tế lễ được tổ chức ở Thái Miếu và điện Chí Kính.

Triều đình giao cho bộ Hộ cấp phát tiền công để chuẩn bị quạt ban trong ngày Tết Đoan Ngọ - và làng Đào Xá (thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương xưa, nay là làng Đào Quạt, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) được giao trọng trách làm quạt tiến vua ban thưởng.

Quạt làm xong được tiến vào Văn Miếu, Vũ Miếu. Đức vua theo danh sách mà ban thưởng cho Hoàng thân, Vương thân, văn võ bá quan, binh doanh các cơ, đội… Trong Điển chế của triều đình có quy định rõ thứ bậc dùng các loại quạt của vương tôn quý tộc, quan lại và thường dân. Tùy địa vị, cấp bậc mà được ban số lượng quạt khác nhau.

Chiếc quạt xưa gắn bó với đời sống, có đủ loại từ quạt lông, quạt lá cọ, quạt nan… phổ biến là quạt giấy dó xương nan tre. Chiếc quạt được dùng trong nghi lễ, là vật phẩm để triều đình bang giao với nước ngoài. Từ xướng họa thi phú đến diễn xướng nghệ thuật… luôn có chiếc quạt. Vì vậy, chiếc quạt xưa từ bậc vương tôn quý tộc đến người bình dân đều mang theo mình. Nhà vua ban quạt cho bách quan văn võ – là điển lệ ghi trong chính sử. Lễ nghi ban quạt vua tôi cùng vui mừng, đón "Tết lành giữa năm".

Tái hiện một phần nghi thức thưởng trà Tết Đoan Ngọ xưa. Ảnh internet.

Tái hiện một phần nghi thức thưởng trà Tết Đoan Ngọ xưa. Ảnh internet.

Tục hái thảo dược Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ còn có tục uống trà giải nhiệt phòng chữa bệnh. Theo đó các loài thảo mộc từ rễ, thân, lá, hoa, quả… đã được người xưa dùng làm trà uống tiêu độc, thanh nhiệt, phòng bệnh và được coi như phương thức bí truyền phòng chữa bệnh thông thường và phòng chống dịch bệnh.

Thưởng trà đã trở thành một thú vui tao nhã, được nâng tầm thành nghệ thuật thưởng trà công phu, tinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc. Vua Trần từng dựng "điện trà" để thưởng trà. Các vua triều Nguyễn dùng trà làm vật phẩm ban tặng bề tôi vào ngày thiết triều mừng Tết Đoan Ngọ.

Hình ảnh Tết Đoan Ngọ xưa. Ảnh internet.

Hình ảnh Tết Đoan Ngọ xưa. Ảnh internet.

Đặc biệt người xưa tin rằng thảo dược thu hái vào giờ Ngọ ngày Đoan Ngọ là ngày tốt nhất trong năm, hương sắc kết tinh cao nhất, cây cối có đầy đủ chất lượng nhất, thu hái tăng dược tính cao nhất. Người ta thu hái các loại thảo dược bào chế, cất giữ để dùng cả năm. Các phong tục là những kinh nghiệm dân gian có nguồn gốc nông nghiệp và thời tiết.

Từ những phong tục, tri thức dân gian quý báu bổ ích đã lưu truyền, vận dụng tới ngày nay để bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và đã đi vào kho tàng văn học Việt Nam. Tết Đoan Ngọ được coi là tết quan trọng cả trong cung đình và dân gian. Tùy vùng miền mà lễ nghi, phong tục có khác, nhưng là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tiên, cầu sức khỏe, bình an, cầu mùa màng bội thu.

Vừa qua tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đã tái hiện "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa" 2024. Đặc sắc nhất là lễ thiết triều, tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế, nghi lễ ban quạt (tái hiện dưới triều Lê Trung Hưng), nghệ thuật thưởng trà trình diễn, giao lưu.

Các nghệ nhân làm quạt đã hướng dẫn trẻ em tự tay dán quạt, làm quạt bằng giấy dó truyền thống. Có trưng bày chiếc quạt mang tính chất cung đình kích thước 2,4m đề bài thơ của vua Lê Hiến Tông viết trên quạt năm 1503; trưng bày một số quạt dành cho vua, hoàng hậu và các quan phỏng dựng.

Ngoài ra còn có các phong tục độc đáo như tục đeo chỉ ngũ sắc, đeo túi thơm có đựng hạt mùi, bột hùng hoàng để xua đuổi côn trùng… Còn có tục dùng lá nhuộm móng tay, móng chân, mặc áo dấu, bôi rượu hùng hoàng cho trẻ con. Tục treo con giáp tết từ ngải cứu, khảo cây...

Trong lịch sử, từ thế kỷ XIII, Thái y viện nhà Trần đã sử dụng các loại thảo mộc để chữa bệnh cho vua quan và quân đội. Dưới thời Lê, các tỉnh thành lập Tế sinh đường khán chẩn để khám bệnh, trông coi, cấp phát thuốc. Vào năm 1467, trong nước xảy ra dịch bệnh, vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ: "Từ nay trở đi phủ nào có bệnh dịch cho phép các quan lại địa phương dùng tiền thuế để mua thuốc phát cho dân".

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bat-ngo-vi-biet-tet-doan-ngo-co-nhung-phong-tuc-doc-dao-may-man-nay-172240608125857489.htm