Bắt kịp xu hướng nông nghiệp hữu cơ

Nhận định rõ nông nghiệp hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nông nghiệp Việt Nam và thế giới, không đứng ngoài cuộc, tỉnh Thái Nguyên đang từng bước đẩy mạnh quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

7ha chè của xóm Non Bẹo, xã La Bằng (Đại Từ) được HTX chè La Bằng chọn tham gia mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: A.N

Chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, với tổng diện tích hiện nay đạt khoảng 22,2 nghìn héc-ta (lớn nhất cả nước), trong đó diện tích đã cho thu hoạch là 21,1 nghìn héc-ta. Cây chè đang mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho khoảng 50% số hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp tỉnh đã lựa chọn cây chè để triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ đầu tiên.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 với quy mô 110ha (giai đoạn 2020-2022 thực hiện 60ha, giai đoạn 2023-2025 50ha). Mô hình được triển khai tại các HTX và tổ hợp tác trên địa bàn huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và TP. Thái Nguyên.

Sau 4 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh đã có 60ha chè được cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-6:2018; 50ha được cấp giấy chứng nhận đang chuyển đổi hữu cơ năm thứ nhất.

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: "Mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ phải đáp ứng các yêu cầu: Vườn chè liền kề, liền khoảnh có diện tích đủ lớn, đảm bảo vùng đệm, khoảng cách cách ly an toàn, đảm bảo các yêu cầu về đất trồng và nước tưới theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam"...

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Ngoài việc được hỗ trợ về phân bón, chế phẩm hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, người dân tham gia mô hình còn được hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ; hỗ trợ đánh giá chứng nhận chuyển đổi sang sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ trực tiếp trong quá trình triển khai...

Qua đánh giá cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ đã giúp hệ sinh thái nương chè thay đổi rõ rệt, môi trường và cuộc sống dần cân bằng; cây chè khỏe, sinh trưởng tốt, năng suất ổn định; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè.

Như tại gia đình ông Nguyễn Văn Tập, ở xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ). Với 7 sào chè kinh doanh, trước đây, ông Tập chủ yếu trồng, chăm sóc chè theo hướng truyền thống, sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Lối canh tác trên đã dẫn đến đất đai bạc màu, ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Tập cho biết: Từ năm 2020, tôi bắt đầu áp dụng phương pháp sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ. Qua đó, nương chè được cải tạo độ phì nhiêu, đất tơi xốp hơn. Trên nương chè xuất hiện ngày càng nhiều thiên địch có ích, cây chè khỏe, búp màu xanh vàng, ít sâu bệnh...

Thành viên HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) đóng gói các sản phẩm chè hữu cơ để giao cho khách.

Còn tại HTX chè Thủy Thuật, xóm Phúc Thành, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), sau hơn 4 năm áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ trên 5ha chè, giá trị các sản phẩm chè hữu cơ đã tăng hơn nhiều so với trước đây.

Bà Phạm Thị Thủy, Giám đốc HTX chè Thủy Thuật, chia sẻ: Trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán trên 1 tấn chè búp khô. Mặc dù sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ có năng suất bằng hoặc thấp hơn so với phương pháp khác, nhưng đổi lại chất lượng được nâng lên, giá trị sản phẩm cũng cao hơn khoảng 20%. Đơn cử như 1kg chè tôm nõn sản xuất thông thường bán được 500 nghìn đồng, khi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ bán được với giá trên 600 nghìn đồng…

Với những lợi ích thiết thực đem lại trên cây chè, nhiều HTX, tổ hợp tác và người dân trên địa bàn tỉnh đã quan tâm học hỏi và áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, như: HTX nông sản an toàn Yên Đổ (Phú Lương); HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú, xã Tân Khánh (Phú Bình); Tổ hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây ăn quả theo hướng hữu cơ tại xóm Bình Ca, xã Minh Lập (Đồng Hỷ)...

Bà Trần Thị Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp hướng hữu cơ Thành Đạt, xã Phú Đô (Phú Lương): "Sản phẩm chè hữu cơ hiện nay được nhiều khách hàng ưa chuộng. Vì thế chúng tôi đã chủ động chuyển đổi 5ha chè đã được cấp chứng nhận VietGAP sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tiến hành khảo sát thực tế, nếu đạt yêu cầu thì HTX sẽ áp dụng sản xuất hoàn toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ"...

Toàn tỉnh hiện có trên 303,5 nghìn héc-ta đất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa và kinh nghiệm sản xuất của người dân là những điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 82,7 nghìn héc-ta cây lương thực hàng năm; 15,4 nghìn héc-ta cây rau màu; 22,2 nghìn héc-ta chè... Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn trâu, bò của tỉnh là trên 95.000 con; gia cầm 16,1 triệu con...

Trong số này đã có 6,2 nghìn héc-ta cây trồng được chứng nhận VietGAP (117ha lúa, hơn 1 nghìn ha cây ăn quả, hơn 5,06 nghìn héc-ta chè, 200ha rau) và 150 trang trại, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây được xem là tiền đề quan trọng để tỉnh phát triển nông nghiệp hữu cơ.

HTX nông nghiệp Tiên Phong, xã Yên Trạch (Phú Lương) hiện đang chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ, trung bình mỗi lứa nuôi gần 1.000 con.

Theo ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông và các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP và tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác và người dân về khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên các loại cây trồng khác, như rau màu, cây ăn quả, ngô, lúa... và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, để hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm chè đã được cấp chứng nhận hữu cơ, ngành Nông nghiệp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm, như: hỗ trợ quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa sản phẩm hữu cơ lên các nền tảng mạng xã hội, trang thương mại điện tử; mang sản phẩm tham gia tại các hội chợ, triển lãm...

Thái Nguyên còn nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ vẫn chưa thể phát triển rộng rãi do còn nhiều khó khăn.

Bà Hoàng Thị Duyên, ở xóm Ngoài, xã Tân Đức (Phú Bình) cho biết: Khác với phương pháp truyền thống, khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, chúng tôi sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ và tuân thủ đúng quy trình theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Ngoài ra, mật độ cấy cũng thưa hơn, chỉ từ 15-18 khóm/m2, trong khi trước đây là 40-45 khóm/m2. Theo cách này, chúng tôi phải mất nhiều công chăm sóc hơn.

Bà Ngô Thị Luyến, Phó phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh): "Khi sản xuất hữu cơ, người dân có thể tận dụng rơm sau khi thu hoạch lúa hoặc lá cây, rau, củ, quả có sẵn trong tự nhiên kết hợp với các chế phẩm, men vi sinh để làm phân bón cho cây trồng; dùng thuốc bảo vệ thực vật được chiết xuất từ thảo dược. Qua đó giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất"...

Còn chị Hầu Thị Nhi, ở xóm Đồng Danh, xã Tức Tranh (Phú Lương) chia sẻ: Gia đình tôi có 15 sào chè. Trước đây, tôi cũng tham gia mô hình sản xuất hữu cơ, nhưng do quy trình sản xuất đòi hỏi quá khắt khe, chăm bón tốn công vất vả mà năng suất chè lại sụt giảm, nên tôi lại quay về phương pháp canh tác truyền thống.

Trên thực tế, đối với người nông dân, phương pháp canh tác hữu cơ không khó áp dụng. Cái khó là năng suất, sản lượng, hiệu quả không cạnh tranh nổi với sản phẩm phi hữu cơ.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong giai đoạn đầu sản xuất hữu cơ, người nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi năng suất có thể giảm tới 90%; nếu làm đồng bộ theo đúng quy trình, từ năm thứ 2, cây trồng sẽ trở lại trạng thái cân bằng. Từ năm thứ 3 trở đi, năng suất sẽ ổn định trở lại, giá bán sản phẩm sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, trong những năm đầu, năng suất, sản lượng cây trồng giảm sẽ khiến người nông dân chán nản và không mặn mà tham gia. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ cũng gặp khó khăn trong thời điểm đầu khi đưa ra thị trường vì giá cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm làm theo quy trình truyền thống.

Mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ triển khai tại Hợp tác xã chè Văn Hán, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) năm 2023, với quy mô 6ha, có 20 hộ dân tham gia.

Nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu trong phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả nhanh, bền vững, thì ngoài việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng, cần có cơ chế đặc thù trong việc nâng cao giá trị đối với sản phẩn từ nông nghiệp hữu cơ; có biện pháp ngăn chặn các chất cấm, các sản phẩm phi hữu cơ, độc hại trà trộn vào thị trường để nông dân yên tâm sản xuất, góp phần làm ra những sản phẩm sạch cho thị trường.

Theo mục tiêu Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đạt 6.000ha (chiếm 25,5% trong tổng diện tích chè), diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 235ha (chiếm 1%)…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202401/bat-kip-xu-huong-nong-nghiep-huu-co-7190110/