Bất an với thực phẩm 'ăn theo' chợ đầu mối ở TP.HCM

Các chợ đầu mối ở TP.HCM không chỉ cung cấp hàng hóa cho thị trường TP mà còn là điểm trung chuyển hàng hóa cho các vùng miền. Những ngày cận Tết này, hàng hóa, thực phẩm được đưa về các chợ đầu mối tiêu thụ với số lượng tăng gấp 4-5 lần ngày thường.

Đây cũng là thời điểm thuận lợi xuất hiện nhiều mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, công tác kiểm soát về an toàn thực phẩm được siết chặt.

Lo ngại thực phẩm “ăn theo” chợ đầu mối

Tại nhiều tuyến đường xung quanh Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn như Nguyễn Thị Sóc, Quốc lộ 22, đường số 4, đường số 3, đường số 12... có rất nhiều điểm bán thực phẩm tự phát, lấn chiếm lòng lề đường. Người bán, người mua tràn cả xuống lòng đường khiến các xe tải chở hàng hóa vào chợ di chuyển khó khăn. Thống kê của Ban quản lý Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho thấy, có đến 190 điểm kinh doanh tự phát xung quanh chợ.

Theo ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn thì chợ này có từ lâu và luôn thực hiện khá tốt về các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong khuôn viên chợ. Tại đây, các tiểu thương vi phạm kinh doanh trong chợ không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ bị Đội quản lý An toàn thực phẩm số 9 (thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM) và Ban quản lý chợ xử phạt. Tuy nhiên, những điểm kinh doanh tự phát bên ngoài khu vực chợ xuất hiện ngày càng nhiều đã ảnh hưởng xấu đến chợ.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã lập 11 đoàn kiểm tra cùng các đoàn liên ngành đi kiểm tra giám sát tại các chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh, giết mổ. (Ảnh Kim Dung)

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã lập 11 đoàn kiểm tra cùng các đoàn liên ngành đi kiểm tra giám sát tại các chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh, giết mổ. (Ảnh Kim Dung)

“Ở ngoài kia (khu vực tự phát) thịt heo là bỏ dưới đất luôn, các thứ khác cũng thế. Nếu mà trong chợ để vậy là bị phạt rồi. Tất nhiên là dẫn đến ảnh hưởng đến chi phí và giá thành. Như vậy là sự cạnh tranh không công bằng. Bà con tiểu thương cũng buồn, cũng phản ánh đến chính quyền địa phương. Đặc biệt, sau đợt dịch thì tình trạng hàng bán ăn theo quanh chợ đầu mối xảy ra rất nhiều” - ông Lê Văn Tiển nói.

Tại Chợ nông sản Thủ Đức cũng xảy ra tình trạng tương tự, với 34 điểm bán hàng tự phát. Chợ này có quy mô 3 nhà lồng với 1.424 ô vựa. Tuy nhiên, theo đơn vị quản lý, lâu nay một số thương nhân không nhập hàng vào các ô vựa mà nhập về các hộ kinh doanh xung quanh chợ (bên ngoài phạm vi kiểm soát của chợ) để tránh việc kiểm soát của công ty quản lý chợ đối với sơ chế tại nguồn.

Do chợ sát với khu dân cư, có nhiều ngõ ra vào nên việc giám sát không thể đạt hiệu quả cao. Với các trường hợp hàng hóa chưa sơ chế này, ngành chức năng cũng rất khó xử lý vì người bán sẽ chia nhỏ lượng hàng để chuyển vào ô vựa của mình nằm trong chợ. Trong năm 2022, đã có 17 trường hợp bị xử phạt do vi phạm quy định do không ghi sổ nguồn gốc hàng hóa, không cập nhật thông tin niêm yết giá…

Tiểu thương trong Chợ nông sản Thủ Đức cho rằng, nếu hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì sẽ có nhiều bạn hàng tin tưởng lâu dài. (Ảnh Kim Dung)

Tiểu thương trong Chợ nông sản Thủ Đức cho rằng, nếu hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì sẽ có nhiều bạn hàng tin tưởng lâu dài. (Ảnh Kim Dung)

Lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM thừa nhận, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, các điểm bán tự phát ở khu vực các chợ đầu mối mọc lên như “nấm sau mưa” và đến nay vẫn chưa có cơ chế phối hợp xử lý. Tuy nhiên, đây là vấn đề này không thể giải quyết được chỉ với một đơn vị riêng lẻ. Ban Quản lý an toàn thực phẩm đề xuất UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương phối hợp triển khai quyết liệt trong thời gian tới.

Trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo các tiểu thương lâu năm trong chợ đầu mối, chợ truyền thống, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ là nền tảng để họ duy trì việc kinh doanh, có nhiều bạn hàng lâu năm.

“Lấy nơi có nguồn gốc đàng hoàng, có xuất xứ, không bán hàng trôi nổi, vì thực phẩm ngộ độc nhiều nên tôi cũng sợ. Vì vậy mà khách đến trực tiếp thì ít nhưng bán qua điện thoại là chủ yếu vì mình bán có uy tín” - một tiểu thương chia sẻ.

Trong 2 tháng qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã lập 11 đoàn kiểm tra, cùng các đoàn liên ngành, công an TP.HCM, lực lượng quản lý thị trường, thực hiện các hoạt động kiểm tra giám sát các chợ đầu mối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, cơ sở giết mổ, vận chuyển. Đặc biệt tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Kiểm tra truy xuất nguồn gốc thịt heo và xe chuyên chở thịt ở Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. (Ảnh: Kim Dung)

Kiểm tra truy xuất nguồn gốc thịt heo và xe chuyên chở thịt ở Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. (Ảnh: Kim Dung)

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, người tiêu dùng thông minh nên lựa chọn địa chỉ uy tín để mua hàng, hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng mỏng, phải kiểm tra kiểm soát nhiều địa điểm, đơn vị, vì thế người dân không thể phó thác chờ các lực lượng chức năng kiểm soát toàn bộ các cơ sở, kể cả cơ sở nhỏ lẻ, kinh doanh tự làm, qua mạng.

“Bản thân cơ sở sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm đăng ký theo những tiêu chuẩn mà nhà nước đưa ra. Tiêu chuẩn đó được nhà nước thẩm định, khi cấp phép thì nhà nước bảo đảm, bảo chứng cho sản phẩm đó. Chúng tôi sẽ thanh tra, kiểm tra các nơi mà mình đã cấp phép, nếu vi phạm sẽ xử phạt, thậm chí rút giấy phép kinh doanh” - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Các chuyên gia khuyến cáo, mặc dù việc kiểm soát đang được tiến hành chặt chẽ, song người dân vẫn phải cân nhắc và lựa chọn khi mua những sản phẩm thực phẩm tết có chất lượng, đảm bảo an toàn và lựa chọn những đơn vị cung cấp, sản xuất nguồn gốc tin cậy để có một kỳ nghỉ vui tươi, ấm áp và an toàn./.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bat-an-voi-thuc-pham-an-theo-cho-dau-moi-o-tphcm-post996091.vov