Bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt: Đừng chỉ vì lợi ích trước mắt

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt luôn cần vai trò quan trọng không chỉ từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp mà còn cả người sản xuất.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, một số chủ vựa rau củ ở Lâm Đồng đã mua khoai tây Trung Quốc giá rẻ rồi hô biến thành thương hiệu khoai tây Đà Lạt, đem bán ra thị trường, lừa dối người tiêu dùng. Dù các cơ quan quản lý tại địa phương đã nhiều lần xử lý, cảnh báo nhưng chiêu trò này diễn ra nhiều năm qua và ngày càng tinh vi, phức tạp hơn,

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp mạnh tay, quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt, bảo vệ người làm ăn chân chính và bảo vệ niềm tin của người tiêu dùng; không để điều này tiếp tục gây ra những thiệt hại, ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng và nông sản Việt nói chung.

Đừng vì lợi nhuận trước mắt, bỏ mặc lợi ích lâu dài

Là giám đốc doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood, đã chia sẻ với chúng tôi về nguyên nhân dẫn đến việc hàng nông sản ngoại nhập mà phần lớn là nông sản từ Trung Quốc đội lốt xuất xứ nông sản Đà Lạt.

Theo ông Chất, nắm bắt được nhu cầu của thị trường vốn ưa chuộng nông sản Đà Lạt, nhiều người đã tìm cách đội lốt nhãn mác các thương hiệu này để trục lợi. Thường những nông sản này vừa rẻ vừa đẹp, tuy nhiên lại không được người tiêu dùng ưa chuộng vì không ngon, thơm bằng nông sản Việt, nhất là nông sản Đà Lạt.

Lợi dụng tâm lý này của người tiêu dùng, các thương nhân làm ăn bất chính sẽ tìm cách lập lờ, giả mạo xuất xứ từ ngoại hình đến giấy tờ, nhãn mác. Như khoai tây nhập về, thường rất sạch nên họ sẽ trộn đất đỏ để qua mặt người tiêu dùng. Các thương lái tìm cách tăng lợi nhuận bằng cách gắn mác Đà Lạt lên hàng Trung Quốc khiến việc kiểm soát nguồn gốc trở nên khó khăn. Câu chuyện này không chỉ diễn ra với khoai tây mà còn với một số nông sản khác của Đà Lạt.

 Khảo nghiệm giống khoai tây mới của Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa, TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Khảo nghiệm giống khoai tây mới của Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa, TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

“Các thương lái có thể dễ dàng che giấu nguồn gốc thực sự của hàng hóa bởi quy định của pháp luật không yêu cầu thương nhân phải ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản và thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Theo tôi, ngay cả ở khía cạnh này cũng cần có các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc hàng hóa” - ông Chất chia sẻ.

Có vùng nguyên liệu nông sản liên kết theo chuỗi tại Lâm Đồng, ông Linh Vũ, đại diện Hợp tác xã (HTX) Rau quả Dambri (TP.HCM), cho biết hàng nông sản từ các trang trại vùng trồng liên kết với các DN để chế biến xuất khẩu hay tiêu thụ tại hệ thống siêu thị đều được truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng.

Tuy nhiên, nông sản ngoại nhập về các vựa, họ sơ chế rồi đội lốt nông sản Đà Lạt chở đi các tỉnh, TP khác tiêu thụ, nhiều năm qua các cơ quan, ban ngành quản lý đã xử lý nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.

Theo ông Vũ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ lòng tham của một số thương nhân, chủ các vựa nông sản. Họ vì lợi nhuận đã cố tình gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, đội lốt nông sản Đà Lạt.

“Việc này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn gây thiệt hại cho các HTX, DN kinh doanh nông sản trong nước, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu nông sản Đà Lạt” - ông Vũ nói.

Cần giải pháp tổng thể

Theo ông Chất, tình trạng đội lốt các thương hiệu nông sản không chỉ xảy ra với nông sản Đà Lạt mà còn với nhiều thương hiệu địa phương khác, do đó cần có giải pháp tổng thể để chấn chỉnh vấn nạn này.

Giải pháp phải chú trọng đầu tiên là cần nâng cao năng lực cạnh tranh của chính nông sản Đà Lạt hơn nữa, từ việc cải thiện chất lượng, mẫu mã và kể cả giá cả để thu hút người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc hàng hóa như gắn tem, nhãn mác rõ ràng.

Cùng với đó là tăng cường giám sát chặt chẽ từ cấp cơ sở, vì các cơ quan chức năng địa phương nắm rất rõ địa bàn, các khu vực, vựa nông sản lớn. Khi đó, hàng hóa nông sản ngoại nhập hay ngoại tỉnh đi vào Đà Lạt (Lâm Đồng) đều được kiểm soát. Ai vi phạm thì áp dụng các chế tài, xử lý nghiêm, nhất là đối với các hành vi buôn bán gian lận, giả mạo nguồn gốc, xuất xứ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng bên cạnh giải pháp từ cơ quan quản lý thì cần các giải pháp xây dựng thương hiệu nông sản Đà Lạt. Cụ thể là phải quản lý chặt chẽ hơn về vấn đề nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất rõ ràng và bắt buộc đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp và tăng cường truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin về chuỗi cung ứng.

“Tránh tình trạng nông dân, HTX, DN mạnh ai nấy làm. Do đó, xây dựng thương hiệu nông sản Đà Lạt cần vai trò quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước, chính sách hỗ trợ DN và cả trách nhiệm của nông dân” - ông Mười nói.

Vị phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng cần xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, quan trọng nhất là công khai lợi nhuận rõ ràng mà các bên nhận được khi tham gia chuỗi cung ứng. Như ngành nông sản Hàn Quốc, có sự phối hợp chặt chẽ, công khai, minh bạch trong chuỗi cung ứng của họ: Nhà sản xuất thì phải làm đạt tiêu chuẩn, bán được mức giá nào, hưởng bao nhiêu phần trăm lợi nhuận; bên DN thu mua, cung ứng hưởng bao nhiêu phần trăm; nhà bán lẻ hưởng bao nhiêu…; tất cả đều rõ ràng, thống nhất.

TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:

Đưa thương hiệu hàng nông sản Đà Lạt lên các phiên livestream

Để xây dựng thương hiệu nông sản Đà Lạt thì chính quyền địa phương cần hỗ trợ các DN, HTX đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nông sản Đà Lạt trên nền tảng mạng xã hội vì những phiên livestream tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh hệ thống logistics chuyên biệt, cần nhất là logistics lạnh, kho lạnh, xe chuyên chở chuyên dùng để sản phẩm đến với người tiêu dùng chuẩn chỉnh, đảm bảo an toàn chất lượng.

TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN

Đối với nông dân, các trang trại nông sản canh tác đạt chuẩn cần được cấp mã, hình thành các kênh phân phối. Thậm chí, các cơ quan, đơn vị chuyên môn cần tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng, phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn hỗ trợ chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận phương thức bán hàng mới, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

.......................

Ông NGUYỄN ĐỨC HUY, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy canh Việt:

Hỗ trợ nông dân, DN tăng giá trị cạnh tranh cho nông sản Đà Lạt

Theo tôi, muốn làm thương hiệu nông sản Đà Lạt thì nông dân cần nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm, thay đổi cách đóng gói đẹp hơn kể cả khi hàng hóa được đưa vô siêu thị hay bán tại chợ. Tức là làm thế nào để người mua nhìn vô biết đó là hàng của Đà Lạt. Cùng với đó, cần siết chặt hơn nữa các vấn đề nhãn dán, truy xuất nguồn gốc để tránh tình trạng gian thương lợi dụng trà trộn hàng hóa.

Ông NGUYỄN ĐỨC HUY

Bên cạnh đó, hiện nay logistics chính là rào cản khiến nông sản Việt tăng chi phí và chưa thể cạnh tranh về giá được so với hàng nước bạn. Khoảng hai năm nữa, nếu cao tốc Bắc - Nam và các tuyến cao tốc đi vào hoàn thiện, tôi nghĩ rằng thời gian giao hàng rút ngắn, chi phí sẽ giảm, từ đó tăng cơ hội cạnh tranh cho nông sản.

Ngoài ra, cái khó của DN nông sản hiện nay là hầu hết đều do nông dân trồng, việc quy hoạch, làm thương hiệu, bao bì cũng hạn chế. Nếu Chính phủ có các nguồn vốn, chính sách đổ về tỉnh, huyện, xã trong việc đào tạo chất lượng, hỗ trợ vốn về bao bì sẽ là tiền đề cho hàng nông sản Đà Lạt có thêm uy tín trên thị trường kinh doanh.

THU HÀ ghi

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-ve-thuong-hieu-nong-san-da-lat-dung-chi-vi-loi-ich-truoc-mat-post811715.html