Bão số 4 có tên quốc tế là Soulik
Trên trang dự báo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, bão số 4 năm 2024 có tên quốc tế là Soulik. Cơn bão này đang hướng vào các tỉnh miền Trung nước ta.
Theo bản tin dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 9h ngày 19/9, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 108.2 độ Kinh Đông, cách đảo Cồn Cỏ khoảng 90km về phía Đông; cách Quảng Trị khoảng 120km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 11.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 25km/h.
Sau khi áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông chính thức mạnh thành bão số 4 năm 2024, trên trang dự báo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, cơn bão này được đặt tên là Soulik.
Cách đặt tên bão quốc tế như thế nào?
Các cơn bão có thể tồn tại trên biển trung bình từ 7 - 8 ngày hoặc lâu hơn. Trên cùng một khu vực, cùng một thời gian có thể có từ 2 đến 3 cơn bão tồn tại, thậm chí có thể nhiều hơn. Vì vậy, người ta đã đặt tên cho các cơn bão để tránh nhầm lẫn trong việc đưa ra các thông tin về từng cơn bão.
Điều kiện để một cơn bão có tên gọi là khi nó bắt đầu xuất hiện vòng xoáy và có vận tốc gió đạt từ 62 km/h trở lên.
Từ năm 1945, các cơn bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương (bao gồm cả Biển Đông của Việt Nam) chính thức được đặt tên theo tên phụ nữ; đến năm 1979 thì bắt đầu sử dụng cả tên của nam giới.
Từ ngày 1/1/2000, các cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương được đặt tên theo danh sách các tên mới. Các tên mới được bổ sung gồm các tên do 14 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là thành viên Ủy ban bão của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đề xuất. Mỗi thành viên cung cấp 10 tên, tạo thành danh sách 140 tên bão.
Các cơn bão hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương được WMO ủy quyền cho Trung tâm Báo bão nhiệt đới Tokyo thuộc Cơ quan khí tượng Nhật Bản đặt tên.
Trung tâm Bão Nhiệt đới Tokyo - Cơ quan Khí tượng Nhật Bản sẽ lần lượt dùng những tên trong ngân hàng 140 tên trên để đặt cho các cơn bão trong khu vực.
Các tên bão mà Việt Nam đóng góp là Sơn Tinh, Cỏ May, Bằng Lăng, Ba Vì, Côn Sơn, Sơn Ca, Trà Mi, Hạ Long, Sông Đà, Sao La, (các tên Lekima, Hoa Mai, Vàm Cỏ cũng từng được Việt Nam đề cử).
Một tên bão sẽ bị xóa khỏi danh sách khi cơn bão gây thiệt hại nặng nề. Ví dụ, Hàn Quốc từng đề nghị loại bỏ tên bão Saomai (Việt Nam đề cử) ra khỏi danh sách tên bão vì cơn bão mang tên này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã đề nghị bỏ tên bão Chanchu do Hàn Quốc đặt vì đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam.
Những tên bão nổi tiếng như Mangkhut (Philippines, 2018), Irma and Maria (Caribbean, 2017), Haiyan (Philippines, 2013), Sandy (USA, 2012), Katrina (USA, 2005), Mitch (Honduras, 1998) và Tracy (Darwin, 1974) cũng bị WMO loại khỏi danh sách vì lý do trên.