Bảo hiểm thất nghiệp 'giá đỡ' tài chính của người lao động
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội của nhà nước nhằm hỗ trợ người lao động khi không may bị mất việc làm hoặc đang trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.

Hỗ trợ kịp thời cho người lao động
Đây là khoản trợ cấp mà nhiều người lao động sẽ nhận được sau khi nghỉ việc, nhằm bù đắp một phần thu nhập trong thời gian tìm kiếm công việc mới. Chị Trần Thị Tuyết (33 tuổi, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là nhân viên văn phòng, vừa kết thúc hợp đồng lao động vào tháng 12/2024. Vì nghỉ việc vào thời điểm cuối năm nên chị Tuyết khá lo lắng về thu nhập bị gián đoạn, nhất là có quá nhiều khoản phải chi tiêu trong dịp Tết.
Sau khi được cơ quan BHXH chốt sổ xác nhận thời gian đóng BHXH và tập hợp đủ các giấy tờ liên quan, chị đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Định để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị Tuyết cho rằng, trợ cấp thất nghiệp rất quan trọng bởi đã giảm bớt áp lực tài chính mà chị đang phải đối mặt lúc này.
Ông Nguyễn Văn Minh (50 tuổi, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đang điều trị bệnh xơ gan cổ trướng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi phải nghỉ việc để điều trị bệnh, ông đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Với ông Minh, trợ cấp thất nghiệp lúc này không chỉ giúp gia đình ông giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn là nguồn động viên tinh thần trong giai đoạn khó khăn nhất. Mỗi đồng tiền hỗ trợ lúc này đối với ông đều rất quý báu, giúp ông yên tâm điều trị và bớt lo lắng về các khoản chi tiêu hằng ngày.
Không dừng lại ở hỗ trợ tài chính, giá trị của chính sách trợ cấp thất nghiệp ở Việt Nam còn bao gồm các hoạt động hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề tại các trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc. Đây là điểm nhấn mang tính đột phá, bởi đã thể hiện quan điểm phát triển bền vững: Không để người lao động phụ thuộc vào trợ cấp, mà tạo điều kiện để họ sớm có việc làm mới, có kỹ năng tốt hơn, thích ứng với nhu cầu của thị trường.
Anh Đặng Đức Nam (30 tuổi) đã làm việc 5 năm tại một công ty may mặc ở tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, do công ty thu hẹp sản xuất, anh là một trong số lao động bị mất việc làm. Sau khi nhận trợ cấp thất nghiệp, anh Nam được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương tư vấn chuyển sang học nghề khác, đồng thời, hỗ trợ đào tạo và giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề vừa đào tạo.
Phấn khởi với công việc mới, anh Nam cho rằng, hoạt động hỗ trợ tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm rất quan trọng, giúp người lao động như anh rút ngắn thời gian thất nghiệp, sớm quay trở lại thị trường lao động.
Cũng là lao động mới bị mất việc làm, chị Bùi Thị Hạnh (35 tuổi, kế toán cho một doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội) đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hà Nội hỗ trợ học lại kỹ năng mềm như Excel nâng cao, kế toán doanh nghiệp theo chuẩn mới với mức học phí được hỗ trợ 100%. Kết thúc khóa học, chị Hạnh còn được giới thiệu phỏng vấn tại một số công ty đang tuyển dụng kế toán. Vừa được nhận trợ cấp thất nghiệp giúp ổn định cuộc sống trước mặt, lại được giới thiệu phỏng vấn tại một công ty mới, chị Hạnh xúc động chia sẻ: “Với những lợi ích mang lại, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta đã trở thành "chỗ dựa" cả về vật chất, tinh thần cho người lao động”.
Hướng đến một chính sách nhân văn và bền vững
Năm 2013, trên cơ sở kế thừa, phát triển chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và kinh nghiệm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các nước trên thế giới, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Việc làm.
Trong đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, hướng tới bảo hiểm thất nghiệp không chỉ hỗ trợ về kinh tế cho người lao động bị thất nghiệp mà còn giúp họ sớm tìm được việc làm, duy trì việc làm đã có để hạn chế không bị thất nghiệp lại trong tương lai.
Từ đó đến nay, bảo hiểm thất nghiệp được duy trì và phát triển với 4 chế độ, gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tìm việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Sau hơn 9 năm thực hiện theo Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn khó khăn như đại dịch COVID-19 hay các đợt cắt giảm lao động quy mô lớn, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã chứng minh vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Nhiều người lao động đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định. Từ đó, góp phần giúp ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với tình hình mới.
Hiện nay, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện, so với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này có nhiều điểm mới nổi bật, tác động tích cực đến quyền lợi của người lao động như: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn (từ 1 tháng trở lên). Tăng mức hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp tối đa 60% lương trung bình và hỗ trợ đào tạo nghề cho người thất nghiệp….
Cùng với đó, mở rộng đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Mở rộng đối tượng vay vốn, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Ưu đãi lãi suất cho các nhóm yếu thế (người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo); Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn; Việc làm công được ưu tiên cho người yếu thế; Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp và phát triển kỹ năng nghề...