Báo động căng thẳng trên biển Địa Trung Hải: Thổ Nhĩ Kỳ úp mở đã 'ra tay', Israel nói xâm lược, Đức nỗ lực hạ nhiệt
Ngày 13/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo mọi cuộc tấn công nhằm vào tàu thăm dò dầu khí của nước này tại vùng biển Địa Trung Hải tranh chấp sẽ phải 'trả giá đắt', đồng thời khẳng định Ankara đã hành động như cảnh báo.
Ông Erdogan cảnh báo mọi cuộc tấn công nhằm vào tàu thăm dò dầu khí của nước này tại vùng biển Địa Trung Hải tranh chấp sẽ phải trả giá đắt. (Nguồn: AFP)
Tuyên bố của ông Erdogan được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên vùng biển phía Đông Địa Trung Hải gia tăng khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành thăm dò dầu khí ở vùng biển mà Hy Lạp và Cyprus cũng tuyên bố chủ quyền.
Ngày 10/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tàu nghiên cứu Oruc Reis đến vùng biển phía Nam đảo Rhodes và đảo Kastellorizo của Hy Lạp để tìm kiếm khí đốt tự nhiên ở Địa Trung Hải dưới sự hộ tống của các tàu chiến.
Phát biểu tại Thủ đô Ankara, Tổng thống Erdogan nêu rõ: "Chúng tôi đã nói rằng, nếu bạn tấn công tàu Oruc Reis, bạn sẽ phải trả giá đắt và họ đã có được câu trả lời đầu tiên vào ngày hôm nay". Ông Erdogan không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin sáng 13/8, đã xảy ra một vụ va chạm giữa một tàu khu trục của Hy Lạp và tàu hộ tống của Thổ Nhĩ Kỳ. Athens không xác nhận cũng như không bác bỏ những thông tin này.
Liên quan căng thẳng này, cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, ông coi kế hoạch khoan thăm dò dầu khí trên là một hành động xâm lược.
Trong khi đó, một người phát ngôn Chính phủ Đức xác nhận, Thủ tướng Đức Angela Merkel trong ngày đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước.
Người phát ngôn Chính phủ Đức cho hay, Thủ tướng Merkel muốn làm trung gian để hòa giải căng thẳng hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, trong đó nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh chủ trương muốn giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trước đó, Bộ Tổng tham mưu quốc phòng Hy Lạp cho biết, nước này và Pháp đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung ở phía Đông Địa Trung Hải, bao gồm một khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ khảo sát địa chấn.
Cuộc tập trận có sự tham gia của 4 tàu Hy Lạp và 2 tàu Pháp. Hai bên đã hợp tác về khả năng sẵn sàng hành động và tác chiến hiệu quả, đồng thời tiến hành các cuộc diễn tập và lập kế hoạch tác chiến chung.