Bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong các cơ sở giáo dục

Trường học là nơi tập trung đông người, do vậy, hoạt động phòng cháy, chữa cháy (PCCC), bảo đảm an toàn PCCC cho người và tài sản là một trong những nhiệm vụ cần thiết. Xác định rõ điều này, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn PCCC theo yêu cầu của ngành chức năng cũng như thực tiễn đặt ra.

Nội quy và trang thiết bị PCCC của Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa) được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu khi có sự cố xảy ra.

Rút kinh nghiệm từ sự cố xảy ra đầu năm học 2022-2023, năm học 2023-2024 này, Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa) đã tập trung nguồn lực và đặc biệt quan tâm đến công tác PCCC tại trường. Thầy giáo Chu Đăng Phan, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thọ, cho biết: Để bảo đảm an toàn tài sản và cho hơn 1.200 học sinh cũng như cán bộ, giáo viên nhà trường trước những tình huống cháy nổ có thể xảy ra, hằng năm nhà trường đều dành một phần kinh phí để thực hiện công tác PCCC như mua sắm trang thiết bị, bình cứu hỏa cầm tay... Ngoài ra, nhà trường cũng thành lập Đội PCCC gồm 36 thành viên là cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường. Các thành viên đều được tập huấn kỹ năng PCCC và sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” - chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư hậu cần tại chỗ trong công tác PCCC, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hệ thống PCCC như bể nước 100 m3, hệ thống máy bơm, tiêu lệnh chữa cháy, trong năm 2022 nhà trường đã đầu tư mua sắm thêm 40 bình cứu hỏa cầm tay đặt ở những vị trí thuận lợi ở mỗi dãy nhà học...

Được biết, cùng với việc đầu tư, trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC, những năm gần đây, Trường THCS Đông Thọ còn tăng cường tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng PCCC cho học sinh thông qua các môn học có nội dung liên quan, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Đồng thời yêu cầu học sinh không mang đồ dùng đánh lửa, vật liệu dễ cháy nổ đến trường; rèn luyện cho các em ý thức, thói quen sử dụng điện, thiết bị điện trên lớp an toàn, tiết kiệm.

Tại Trường Mầm non Hoằng Trinh (Hoằng Hóa), các trang thiết bị PCCC cũng được lắp đặt theo quy định. Tuy nhiên, là trường tổ chức ăn bán trú, nhu cầu sử dụng điện, gas nhiều, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ nên nhà trường luôn chủ động trong phòng cháy, sẵn sàng các phương án chữa cháy. Theo cô giáo Nguyễn Thị Xinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoằng Trinh, để chủ động phòng, chống cháy nổ, nhà trường đã tách riêng kho gas với khu nấu ăn, hệ thống đường dây dẫn ga, bếp nấu được kiểm tra thường xuyên, định kỳ, nếu phát hiện bất thường thì xử lý, thay thế kịp thời. Đối với đồ dùng, đồ chơi của trẻ cũng được bảo quản an toàn và phân loại theo yêu cầu và đặc tính của từng đồ dùng, đồ chơi. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC cho giáo viên, nhân viên.

Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ quản lý và lãnh đạo các trường học, công tác PCCC trong các cơ sở giáo dục hiện nay vẫn gặp khó khăn cả về đầu tư trang thiết bị và việc vận hành trang thiết bị tại chỗ của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Theo thầy giáo Đoàn Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hoằng Hóa: Khó khăn trong PCCC ở các cơ sở giáo dục hiện nay trước hết là về kinh phí đầu tư hệ thống PCCC theo tiêu chuẩn, quy định mới. Để đầu tư một hệ thống PCCC đạt tiêu chuẩn phải mất hàng trăm triệu đồng, trong khi đó nguồn ngân sách có hạn, công tác xã hội hóa ở các nhà trường gặp khó khăn. Do chưa được đầu tư đồng bộ nên hoạt động PCCC có lúc, có nơi vẫn mang tính đối phó, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Đối với công tác tập huấn đã được thực hiện thường xuyên, nhưng việc vận hành và thao tác các kỹ năng PCCC của một bộ phận cán bộ, giáo viên chưa thành thạo...

Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Dĩnh tại hội nghị triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ diễn ra cuối tháng 9/2023 vừa qua, để nâng cao công tác PCCC trong các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn cứu hộ. Cùng với đó yêu cầu các cơ sở giáo dục bố trí đủ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng về PCCC; có đủ trang thiết bị giảng dạy và thực hành về PCCC được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục chủ động kiểm tra hệ thống điện, nguồn khí gas tại nhà bếp; bảo đảm nguồn hóa chất thực hành, thí nghiệm rõ nguồn gốc, triển khai thực hiện công tác bảo quản và thu gom các hóa chất sau khi thực hành tại các phòng thí nghiệm đúng quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy, nổ, sự cố, tai nạn. Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Dĩnh, hiện Sở GD&ĐT đang phối hợp với Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch phối hợp hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ cho cán bộ, giáo viên, học sinh và học viên nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nhận thức và hành động trong cán bộ, giáo viên và học sinh về PCCC và cứu nạn cứu hộ, bảo đảm an toàn PCCC trong các cơ sở giáo dục.

Bài và ảnh: PS

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/bao-dam-an-toan-phong-chay-chua-chay-trong-cac-co-so-giao-duc/199166.htm