Chất lượng bữa ăn bán trú tại trường học gây tranh cãi, Sở GD&ĐT Tp.HCM nói gì?

Suất cơm 35.000 đồng tại các trường học đang gây tranh cãi, nơi được khen ngợi, nơi lại nhận về không ít lời chê trách. Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ làm gì để đảm bảo học sinh có bữa ăn an toàn, chất lượng?

Sở sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh về chất lượng bữa ăn bán trú

Với mức giá 35.000 đồng, suất cơm bán trú tại nhiều trường học đã trở thành chủ đề nóng trong các hội nhóm phụ huynh và mạng xã hội.

Chiều ngày 7/11, tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM cho biết, Sở đã có nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu các trường tăng cường kiểm tra, quản lý bếp ăn tập thể, căng tin và dịch vụ ăn uống trong trường học.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM thông tin về các suất ăn bán trú trên địa bàn Tp.HCM.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM thông tin về các suất ăn bán trú trên địa bàn Tp.HCM.

“Sở Giáo dục và Đào tạo luôn sẵn sàng tiếp nhận những thông tin phản ánh của phụ huynh, học sinh về chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn. Sở xem đây là kênh hữu ích để ngành giáo dục nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra giám sát, nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, chăm sóc sức khỏe học sinh", đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM nhấn mạnh.

Theo chỉ đạo từ Sở, các trường phải tuân thủ Thông tư liên tịch số 13/2016 và Thông tư liên tịch số 08/2008 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này bao gồm việc giám sát quy trình chế biến, tiếp phẩm, đảm bảo nhà ăn thông thoáng, sạch sẽ và thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh.

Đặc biệt, Sở đã ban hành Công văn số 5968 vào đầu năm học 2024-2025, yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở An toàn thực phẩm để tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất về chất lượng bữa ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường.

Hình ảnh những suất ăn có giá từ 35.000 đến 38.000 được học sinh lan truyền trên mạng xã hội bày tỏ không xứng đáng. (Ảnh: Học sinh cung cấp).

Hình ảnh những suất ăn có giá từ 35.000 đến 38.000 được học sinh lan truyền trên mạng xã hội bày tỏ không xứng đáng. (Ảnh: Học sinh cung cấp).

Theo Sở GD&ĐT, ban đại diện cha mẹ học sinh được khuyến khích tham gia giám sát trực tiếp để minh bạch hóa quy trình.

Việc này giúp gia tăng sự tin tưởng từ phía phụ huynh và góp phần đảm bảo rằng, chất lượng bữa ăn bán trú, không chỉ là lời hứa mà thực sự được kiểm chứng qua quá trình giám sát nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, cũng có nhiều học sinh khác cho rằng những suất ăn bán trú như hình này rất xứng đáng. (Ảnh: Học sinh cung cấp).

Tuy nhiên, cũng có nhiều học sinh khác cho rằng những suất ăn bán trú như hình này rất xứng đáng. (Ảnh: Học sinh cung cấp).

Cân nhắc ban hành quy định chung về sử dụng điện thoại trong trường học

Liên quan vấn đề có nên cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong trường hay không?, đại diện Sở GDĐT Tp.HCM cho biết, đang cân nhắc việc ban hành một quy định chung về việc sử dụng điện thoại trong trường học.

Việc này không chỉ giúp các trường có căn cứ để quản lý học sinh mà còn mang lại sự thống nhất trong cách áp dụng trên địa bàn Tp.HCM.

Nếu quy định được ban hành, Sở sẽ có thể hướng dẫn giáo viên sử dụng điện thoại như một công cụ hỗ trợ học tập một cách hiệu quả và phù hợp.

Điều này đồng nghĩa với việc các trường có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học dưới sự giám sát của giáo viên, với mục đích phục vụ học tập rõ ràng, cụ thể.

Quy định cũng có thể đưa ra các hướng dẫn về những trường hợp được phép sử dụng và các biện pháp ngăn chặn việc lạm dụng điện thoại.

"Học sinh chỉ được sử dụng điện thoại di động trong giờ học khi được sự đồng ý hoặc có yêu cầu của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh", đại diện Sở GD&ĐT nhấn mạnh.

Phạm Thị Mỹ Hậu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chat-luong-bua-an-ban-tru-tai-truong-hoc-gay-tranh-cai-so-gddt-tphcm-noi-gi-204241107184442651.htm