Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa
Phú Thọ có mạng lưới giao thông đường thủy nội địa thuận lợi, liên thông giữa các tỉnh khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, để phát huy vai trò quan trọng của giao thông đường thủy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra bến khách ngang sông của ông Nguyễn Mạnh Hồng ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa.
Thực trạng giao thông đường thủy
Phú Thọ có năm tuyến sông với tổng chiều dài 316,5km, gồm ba tuyến sông Trung ương (sông Hồng, sông Lô, sông Đà) và hai tuyến sông địa phương (sông Chảy, sông Bứa). Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, Sở Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các tuyến sông Trung ương đạt cấp kỹ thuật cấp II, cấp III, đủ điều kiện cho các loại phương tiện vận tải có tải trọng 200 tấn đến 800 tấn hoạt động với bốn tuyến vận tải đường thủy nội địa Quốc gia: Việt Trì -Tuyên Quang (sông Lô); Việt Trì-Hà Nội (sông Hồng); Việt Trì-Yên Bái (Sông Hồng); Việt Trì-Hòa Bình (sông Đà).
Huyện Hạ Hòa hiện có chín bến hành khách và bến khách ngang sông hoạt động, trong đó bảy bến sông Hồng và hai bến Đầm Ao Châu. Để đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa, các ngành chức năng huyện đã tăng cường phối hợp nắm bắt tình hình, phòng ngừa TNGT đường thủy, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ban ATGT huyện tăng cường công tác quản lý đối với các phương tiện giao thông đường thủy, đoạn, tuyến sông an toàn; tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường thủy; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy. Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng phương án, kế hoạch huy động các phương tiện, thiết bị, vật tư phục vụ công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa bão khi có yêu cầu.
Những năm gần đây, vận tải thủy nội địa đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh và khu vực. Giao thông đường thủy nội địa không chỉ được khai thác hoạt động vận tải mà còn phục vụ cho các ngành thủy lợi, thủy sản, xây dựng, du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của một số chủ phương tiện, chủ bến và một số người dân còn hạn chế, tình trạng phương tiện chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn; không kẻ số đăng ký theo quy định; không có bằng hoặc giấy chứng chỉ chuyên môn thuyền trưởng; không mang theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; tự ý thay đổi tính năng, công dụng của phương tiện… vẫn còn xảy ra.
Cùng với đó, tình trạng khai thác cát, sỏi là nguyên nhân làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa khiến công tác duy tu, bảo trì gặp nhiều khó khăn; hệ thống tuyến giao thông đường thủy nội địa chủ yếu vẫn ở dạng tự nhiên, ít được cải tạo, trong khi nhu cầu vận chuyển, phương tiện tham gia giao thông đường thủy tăng nhanh… Đặc biệt, vào mùa mưa bão, lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, nhiều điểm có gió lớn, xoáy nước, phức tạp về luồng lạch... làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Để đảm bảo ATGT đường thủy cần có những giải pháp đồng bộ từ phía các lực lượng chức năng và người dân để có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân.
Lực lượng CSGT đường thủy hướng dẫn các chủ phương tiện ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy trong hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ
Thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đối với các bến hành khách, bến khách ngang sông năm 2022, mới đây, Ban ATGT tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm tại 47/47 bến, trong đó 45 bến khách ngang sông và hai bến hành khách (sông Lô 11 bến; sông Chảy chín bến; sông Hồng 24 bến, sông Đà một bến; Đầm Ao Châu hai bến) tại 10 huyện, thành, thị.
Có mặt tại một bến khách ngang sông tại xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, chúng tôi được biết đoàn kiểm tra của Ban ATGT đã tiến hành kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATGT của chủ bến, phương tiện hoạt động của bến, qua đó phát hiện, đề nghị xử lý do vi phạm quy định về quản lý, khai thác bến thủy nội địa không đúng quy định; không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba.
Trong đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã quyết định công bố, giấy phép hoạt động 15 bến khách ngang sông hết hạn tại các huyện: Đoan Hùng, Hạ Hòa, thị xã Phú Thọ, Cẩm Khê, Thanh Ba; Lâm Thao; Thanh Sơn; Tam Nông; một bến khách hết hạn tại bến Đầm Ao Châu, huyện Hạ Hòa; đình chỉ, đề nghị tạm dừng hoạt động ba bến do bến đối lưu liên quan đã hết giấy phép hoạt động; bốn bến không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba; bốn bến không niêm yết hoạt động, niêm yết giá vé theo quy định. Đoàn đã đề nghị tạm dừng hoạt động 18 bến, xử lý vi phạm một bến.
Cùng với kiểm tra các bến hành khách, bến khách ngang sông, năm 2022, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho các chủ phương tiện, chủ bến, bãi ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa TNGT đường thủy, đồng thời chú trọng công tác quản lý đối với hoạt động bến thủy nội địa. Đặc biệt, để góp phần giảm thiểu va chạm TNGT và những thiệt hại đáng tiếc do TNGT đường thủy gây ra, Đội CSGT đường thủy, Công an tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh chủ động tham mưu ban hành kế hoạch mở các đợt cao điểm, kế hoạch chuyên đề bảo đảm TTATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh, phối hợp các cơ quan chức năng, đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho các chủ bến, chủ phương tiện về các nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT; phân công lực lượng CSGT đường thủy tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tập trung xử lý bến, bãi, phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Trong sáu tháng đầu năm, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã lập biên bản 505 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy, xử phạt gần 360 triệu đồng.
Theo ông Ngô Văn Tân-Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và hiệu quả trong công tác quản lý thông qua các biện pháp phối hợp liên ngành. Ban ATGT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên tất cả các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm; tăng cường báo hiệu hướng dẫn giao thông tại những vị trí nguy hiểm; tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thanh Nga