Báo chí điện tử phát huy vai trò trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
Báo chí nước ta nói chung, báo chí điện tử nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác Báo chí toàn quốc năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, tính đến tháng 12/2022, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó, có 116 báo có hoạt động báo điện tử, 52 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập, gồm 16 báo điện tử và 7 tạp chí điện tử. Báo cáo đưa ra tại hội nghị đã nhận định, các cơ quan báo chí điện tử đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đặc biệt, hệ thống báo chí điện tử từng bước trở thành lực lượng nòng cốt, chủ lực của hệ thống báo chí, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết dân tộc, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước.
Báo chí điện tử đã phát huy ưu thế, lãnh sứ mệnh đấu tranh trực tiếp và gián tiếp với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch. Báo chí điện tử trở thành công cụ, phương tiện, vũ khí sắc bén hơn hẳn các loại hình báo chí khác, tuyên truyền, đấu tranh, phản bác, đáp trả nhanh nhạy, kịp thời; đồng thời, là diễn đàn huy động đông đảo lực lượng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng sự tương tác đa chiều rõ rệt với bạn đọc.
Có thể nói, trên mặt trận đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, báo chí điện tử đã phát huy thế mạnh nổi trội, ngày càng xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân.
Hiện nay, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là một trận tuyến mới, nhưng vô cùng quyết liệt, rất nhiều khó khăn, thách thức trên mặt trận lý luận, tư tưởng của Đảng. Trong bối cảnh sự bùng nổ thông tin, các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng triệt để mạng xã hội để phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta bằng cuộc chiến thông tin thật - giả lẫn lộn, vì vậy, để báo chí nói chung, báo chí điện tử nói riêng thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh, quan điểm sai trái, thù địch, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm:
Trước hết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, ban biên tập các cơ quan báo đối với công tác đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch trên báo chí điện tử. Thực tiễn chỉ ra rằng, khi nào, ở đâu, cán bộ lãnh đạo, ban biên tập nhận thức toàn diện, đầy đủ vai trò, vị trí quan trọng của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thì mảng đề tài này mới được quan tâm đúng mức và mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả từ các sản phẩm báo chí.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ làm báo chí điện tử, nhất là lực lượng phóng viên, xây dựng khả năng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; cần thành lập các bộ phận thường trực phản ứng nhanh, kịp thời đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo điện tử; tổ chức phân công nhiệm vụ rõ ràng, chuyên sâu theo các lĩnh vực, chuyên đề.
Đồng thời, báo chí điện tử cần tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp mảng đề tài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch, bảo đảm theo hướng tinh gọn, chất lượng, đủ mạnh để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Ngoài ra, cần đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trước sự phát triển đa dạng, đầy biến động của cư dân mạng. Theo đó, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đa dạng hóa các thể loại báo chí từ bình luận, chuyên luận đến phỏng vấn, ghi nhanh,...; tận dụng ưu thế không gian mạng để tăng tính tương tác, góp phần lan tỏa những bài viết hay, có giá trị định hướng xã hội.
Các tạp chí điện tử cần tăng cường các bài viết chuyên sâu, phân tích, tổng hợp, làm sâu sắc các chủ đề, vấn đề theo từng lĩnh vực, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đấu tranh phản bác hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch.
Đặc biệt, để tăng cường động viên, “giữ chân” người viết và kể cả những người tham gia tương tác trên “trận địa” này, các báo, tạp chí điện tử nhất thiết phải có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp; có các hình thức khen thưởng đối với những người tham gia, trực tiếp là các phóng viên có bài viết chất lượng để khuyến khích họ tích cực viết bài trên lĩnh vực này./.