Bàng – Sản phẩm lưu niệm đặc trưng của di tích Nhà tù Hỏa Lò
Thực hiện Kế hoạch số 18/KH-CĐVC của Công đoàn Viên chức Thành phố về việc tổ chức cuộc thi viết 'Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô Anh hùng, Thành phố Hòa bình', Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đã phát động cán bộ viên chức cơ quan phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm hiến kế, đề xuất giải pháp sáng kiến sáng tạo xây dựng Thủ đô.
Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã đưa ra ý tưởng “Sáng tạo sản phẩm mới, quảng bá điểm đến của Hà Nội, góp phần tích cực, hiệu quả thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước đến với Hà Nội” nhằm mang lại cho du khách đến Hà Nội những món quà là sản vật địa phương trong hành trang trở về từ mỗi chuyến đi. Báo Lao động Thủ đô trân trọng đăng toàn văn ý tưởng trên.
Mỗi du khách khi đi du lịch đều quan tâm đến việc tìm hiểu nét đặc trưng về văn hóa, những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ hay khám phá những món ăn, lễ hội, phong tục tập quán… của từng quốc gia, vùng miền. Bên cạnh đó, họ còn mong muốn trong hành trang trở về có được những món quà lưu niệm là những sản vật địa phương, gắn liền với con người, vùng đất mà mình đặt chân đến. Món quà nhỏ mang trong mình ý nghĩa đặc trưng nhất của địa danh, văn hóa sẽ được nhớ mãi và lưu giữ làm kỷ niệm khó quên.
Nhận thức được điều đó, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò xác định việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ấn tượng, níu chân du khách lâu hơn tại di tích. Đồng thời, cũng nhằm thu hút ngày càng đông hơn khách tham quan, tìm hiểu về những câu chuyện liên quan tới các sản phẩm lưu niệm đặc trưng.
Xuất phát từ thực tế đó, đơn vị đã có ý tưởng về việc nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm "Bàng" đặc trưng của Hỏa Lò: quả bàng khô khắc logo của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, lá bàng khô khắc những bài thơ của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng….
Để tạo ra được những thành phẩm như hiện nay, đơn vị đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu (Nghệ nhân hoa khô đầu tiên của Việt Nam) trong cách làm, bảo quản và thổi hồn vào sản phẩm.
Trước hết, phải nói đến sản phẩm quả bàng khô được khắc logo của Di tích Nhà tù Hỏa Lò với dòng chữ "Maison Centrale" (nghĩa là ngôi nhà Trung ương). Những quả bàng được chọn lựa kỹ lưỡng với độ "chín" vừa tầm (không già quá, cũng không non quá), hình thức đẹp, được xử lý hóa chất để tạo màu và chống nấm mốc, khắc chữ laze, sau đó trải qua công đoạn sấy khô sẽ có màu cánh dán sẫm, màu đỏ nâu hay màu nâu vàng. Tùy thuộc vào độ sấy và nguyên liệu quả bàng ban đầu mà sẽ có được màu sắc tương ứng. Sau khi được sấy khô, quả bàng sẽ được gắn vào một chiếc hộp giấy nhỏ xinh màu kẻ vân gỗ đen, bên ngoài in nhũ logo của Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Mỗi hộp quả bàng như vậy rất nhẹ và nhỏ gọn, phù hợp với sở thích sưu tầm đồ lưu niệm của du khách. Nhiều du khách rất thích thú ngắm nghía một sản phẩm nhỏ nhắn, xinh xắn như vậy. Do nguyên liệu được làm từ những quả bàng thật, hoàn toàn tự nhiên nên điều dễ nhận thấy là mỗi sản phẩm làm ra đều mang dáng vẻ và màu sắc khác nhau. Tùy theo sở thích mà du khách chọn những quả bàng mập mạp hay thon dài, màu sắc nâu đỏ hay màu vàng nâu.
Sản phẩm quả bàng khô khắc logo Di tích Nhà tù Hỏa Lò càng trở nên ý nghĩa hơn khi du khách biết được những câu chuyện liên quan đến "Cây bàng tình nghĩa" được trồng trong sân Nhà tù Hỏa Lò.
Cách đây hơn 100 năm, khi bắt đầu xây dựng Nhà tù Hỏa Lò, thực dân Pháp không hề có ý định trồng cây xanh trong khuôn viên của nhà tù. Thời gian sau, khi những người tù phải đi lao dịch bên tòa án, nhìn thấy nhiều cây bàng non nên đã xin với giám ngục cho "bứng" những cây bàng về trồng trong sân trại để lấy bóng mát. Theo thời gian, Bàng lớn lên, gắn bó thân thiết và hữu ích với nhiều thế hệ tù chính trị.
Với các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, quả bàng là “thần dược”, là nguồn “vitamin”, “thuốc bổ hồi sinh”. Bàng cứu các chiến sỹ từ tay “thần chết” trở về. Quả bàng chín chỉ được dùng để bồi dưỡng cho những đồng chí đau ốm, cần sớm phục hồi sức khỏe. Mỗi ngày được ăn chừng 4 đến 5 quả bàng chín cả vỏ lẫn nhân, cộng thêm chút giá được làm từ đậu xanh, nhiều người đau yếu lâu ngày đã dần dần hồi phục.
Trong hồi ký của mình, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Huynh - cựu tù chính trị Hỏa Lò đã ghi lại: "Sở dĩ tôi có ký ức sâu sắc về các cây bàng và những quả bàng chín ở trại giam Hỏa Lò vì sau khi trải qua một trận ốm nặng vì đi tắm từ 5 giờ sáng trong mùa đông giá rét. Tôi bị cảm lạnh, sốt cao liên tục nhiều ngày, anh em phải đưa tôi ra bệnh xá nhà tù. Ở đây, một y sĩ người Pháp xác định tôi bị bệnh sốt chấy rận nặng, phải nằm ở bệnh xá điều trị. Tôi sống trong tình trạng hôn mê đó, bỗng một hôm viên y sĩ người Pháp cùng hai viên giám thị đi kiểm tra và ra lệnh đưa tôi xuống nhà xác, chờ đưa chôn như anh em tù nhân xấu số khác!
Trong nhà xác, tôi vẫn sống ngắc ngoải, sốt cao miên man trên 42 độ C. Một tuần sau cũng tên y sĩ này với hai giám thị đến nhà xác điểm danh, xem ai chết ai còn sống. Sau đó chúng đưa tôi trở lại bệnh xá và qua được cơn hiểm nghèo. Đúng là từ cõi chết trở về. Anh em trong trại được tin, tăng cường giúp tôi thuốc để điều trị và đặc biệt gửi cho tôi nhiều quả bàng chín, lúc đó đúng là loại “thuốc bổ hồi sinh”, giúp tôi hồi phục dần dần. Thật không sao kể xiết những tình cảm quý báu, sự chăm sóc nhiệt tình, tận tụy của các đồng chí tù nhân cùng cảnh lao tù ở Hỏa Lò Hà Nội".
Không chỉ sản phẩm quả bàng khô khắc logo Nhà tù Hỏa Lò, mà những chiếc lá cũng thành ý tưởng và thu hút khách du lịch. Đối với những người tù năm xưa, những chiếc là Bàng là vị thuốc quý: lá Bàng non được người tù giã nát, đắp vào những vết thương, xưng tấy do đòn roi của giám thị. Khi bị sốt cao, người tù ăn những chiếc lá Bàng tươi giúp toát mồ hôi, hạ sốt. Chị em tù chính trị nhai lá Bàng thay lá Trầu....
Xuất phát từ ý nghĩa và giá trị của những chiếc lá Bàng trong Nhà tù Hỏa Lò năm xưa, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đa tạo ra những sản phẩm lưu niệm có ý nghĩa như lá Bàng khô khắc hình ảnh người tù, hay những vần thơ mang đầy nhiệt huyết cách mạng của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng trong nhà tù thực dân. Lá bàng được chọn vào khoảng tháng 10, là loại lá "bánh tẻ" (không non, không già), những lá đẹp, còn nguyên vẹn, không bị sâu, không bị cong. Sau đó, những chiếc lá Bàng được sấy khô, xử lý hóa chất, nhuộm màu rồi khắc lên những vần thơ mang đầy nhiệt huyết cách mạng.
Những chiếc lá bàng cũng mang trong mình câu chuyện gắn với Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ai đã từng một lần tản bước dưới gốc bàng Hỏa Lò vào mùa cây thay lá sẽ thấy những cành bàng khẳng khiu, gầy guộc. Mùa đông, cây trút lá. Nhưng lạ kỳ thay! Lá của cây không bao giờ rụng hết. Dù tiết trời có khắc nghiệt đến đâu, trên những thân cây gầy guộc vẫn cố níu lại những chiếc lá đỏ nâu, vất vơ trong gió, như thể níu giữ những hy vọng dù mong manh nhưng không bao giờ từ bỏ.
Chỉ đến khi những chồi non xuất hiện, mọc chi chít trên các thân cành mốc xám, sần sùi thì chiếc lá cuối cùng mới chịu rụng xuống. Sau một thời gian ngắn, những búp non ấy sẽ vươn dài, cứng cáp, tỏa bóng mát xanh cả sân trại tù. Những chiếc lá bàng đã phát huy hết tác dụng của mình, lá bàng non được giã nát làm liền vết thương do đòn roi của giám thị; vị chát của lá bàng giúp người tù vượt qua cơn nguy kịch khi mắc chứng kiết lỵ, thương hàn, tán bàng xanh mát là nơi người tù ngồi nghỉ hít thở khí trời và tránh cái nắng oi bức ngày hè.
Dưới tán bàng huyền thoại ấy, thời gian tua nhanh những thước phim về cảnh vật, con người của quá khứ, kết nối hiện tại và đến tận tương lai. Dấu tích thời gian in hằn trên những thân cây sần sùi nhưng chưa bao giờ khô cạn nhựa sống. Bàng vẫn mạnh mẽ vươn lên giữa chốn “địa ngục trần gian”. Hiện nay, trong khuôn viên của Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn lại “Cây bàng tình nghĩa” duy nhất vẫn luôn xanh tươi, vượt qua sự khắc nghiệt của khí hậu, thời gian, minh chứng cho sức sống mãnh liệt, ý chí bất diệt của những chiến sỹ yêu nước, cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò năm xưa.
Ngoài sản phẩm quả bàng và lá bàng khô, Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn có khung ảnh lá bàng in hình toàn cảnh cổng chính của Hỏa Lò. Sản phẩm được thiết kế với màu sắc hài hòa, tinh tế. Cổng chính Nhà tù được in trên một lá bàng lớn, điểm thêm hai lá bàng non đãqua quy trình xử lý, bền màu với thời gian. Những mảnh ghép để tạo thành cổng chính Nhà tù Hỏa Lò đều được làm từ lá bàng. Cổng chính Nhà tù Hỏa Lò là ấn tượng đầu tiên của những ai lần đầu đến với Hỏa Lò.
Đây cũng là công trình độc đáo, thể hiện ý đồ xây dựng Nhà tù của thực dân: muốn biến Hỏa Lò thành “lò lửa” giam cầm và đày ải, bất kỳ tù nhân nào muốn trốn thoát cũng rất khó khăn. Nhưng phía sau cánh cổng đó lại là một “trường học cách mạng” rèn chí, luyện tài cho rất nhiều chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam.
Với mong muốn ngày càng có thêm nhiều sản phẩm đặc trưng mang dấu ấn riêng của Di tích, cán bộ, đoàn viên công đoàn Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò không ngừng tìm tòi, học hỏi để sáng tạo ra những sản phẩm riêng có nhằm tuyên truyền, giới thiệu những giá trị của Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
* Tít do Lao động Thủ đô đặt