Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: 64% doanh nghiệp 'chưa chuẩn bị gì' cho chuyển đổi xanh
Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp 'chưa chuẩn bị gì' cho chuyển đổi xanh ở khối doanh nghiệp FDI thấp hơn với 51,1% còn khối doanh nghiệp trong nước lên tới 65,1%.
Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố, có 48,7% doanh nghiệp đánh giá rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết/rất cần thiết, trong đó 16,9% đánh giá là rất cần thiết. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng cho việc chuyển này còn rất thấp.
Có đến 64% doanh nghiệp được khảo sát “chưa chuẩn bị gì” cho chuyển đổi xanh. Trong đó, chỉ có 5,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết “đã thực hiện” các hoạt động “cắt giảm lượng khí thải trong một số hoạt động trọng tâm” còn tỷ lệ doanh nghiệp “đã thực hiện theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hàng năm” chỉ ở mức 3,8%.
Đối với thị trường nội địa, các doanh nghiệp chỉ hoạt động nội địa có mức độ sẵn sàng không cao như các doanh nghiệp hoạt động hướng đến xuất khẩu. Trong khi 68,7% doanh nghiệp có phạm vi hoạt động trong nước chưa chuẩn bị gì cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh thì tỷ lệ này ở doanh nghiệp có phạm vi hoạt động ở nước ngoài và cả nội địa và nước ngoài đều thấp hơn, lần lượt là 53,7% và 55,6%.
Các doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp có mức độ sẵn sàng tích cực hơn so với các lĩnh vực còn lại. Tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch cũng không nhiều. Các doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp có tỷ lệ chưa chuẩn bị gì thấp nhất (55,6%) và tỷ lệ đã cắt giảm lượng khí phát thải trong một số lĩnh vực và đã theo dõi, công bố kết quả giảm phát thải hàng năm cao nhất, lần lượt là 7,7% và 4,7%).
Trong các doanh nghiệp khu vực công nghiệp, doanh nghiệp khai khoáng có mức độ sẵn sàng cao nhất (tỷ lệ chưa chuẩn bị gì chỉ 41,3%, tỷ lệ đã thực hiện cắt giảm khí nhà kính là 10,9%; đã theo dõi, công bố kết quả 8,7%. Các doanh nghiệp ngành Logistic có tỷ lệ chưa chuẩn bị gì cao nhất (68,8%).
Báo cáo cũng cho biết, các doanh nghiệp FDI có mức độ sẵn sàng tốt hơn các doanh nghiệp trong nước, tỷ lệ doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì thấp hơn (51,1% so với 65,1%), tỷ lệ đã thực hiện cắt giảm khí phát thải cao hơn và tỷ lệ đã thực hiện theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hàng năm cao hơn.
Doanh nghiệp có doanh thu lớn có mức độ sẵn sàng cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh tốt hơn. Đối với các doanh nghiệp có doanh thu năm 2022 trên 1.500 tỷ đồng chiếm tỷ lệ doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì thấp gần nhất với tỷ lệ 48,7% và tỷ lệ doanh nghiệp đã thực hiện theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hàng năm cao nhất đạt 8,9%.
Ban IV đánh giá, với các diễn biến chính sách từ các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ và nội luật hóa ở Việt Nam, việc các doanh nghiệp dường như chưa chuẩn bị gì sẽ tạo ra những sức ép rất lớn trong tương lai khi các quy định hết thời gian chuyển tiếp và chuyển sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ.
Về những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong chuyển đổi xanh, có 34,7% doanh nghiệp cho biết khó khăn về thông tin; 36,5% doanh nghiệp gặp khó khăn về chiến lược; 50% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn; 48,6% doanh nghiệp gặp khó khăn về nhân sự; 44,2% doanh nghiệp gặp khó khăn về các giải pháp kỹ thuật.
Theo Ban IV, nguồn vốn là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Đáng chú ý, có đến 62,7% doanh nghiệp có doanh thu từ 1.000-1.500 tỷ cho rằng, “gặp khó khăn về vốn”.
"Đây là một vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt vì trong khi doanh nghiệp rất cần vốn cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh để đón đầu các cơ hội thì tài chính xanh chưa phát triển tương ứng”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho hay.