Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và chế biến sâu nông, thủy sản

Chiều 21/2, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị 'Gặp gỡ, trao đổi và đề xuất giải pháp xúc tiến liên kết sản xuất, chế biến nông, thủy sản tỉnh An Giang năm 2025.

Nông dân tỉnh An Giang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025.

Nông dân tỉnh An Giang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025.

Hội nghị thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của gần 100 chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh, các sở, ngành, địa phương xoay quanh nhận diện điểm nghẽn và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn An Giang trong thời gian tới.

Bắt mạch “điểm nghẽn”

An Giang hiện có 182 Sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó: Có 5 sản phẩm đạt 5 sao - cấp Quốc gia và 14 sản phẩm đạt 4 sao và 163 sản phẩm 3 sao) và hơn 900 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có hơn 800 cơ sở chế biến nông lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lợi thế là vậy nhưng liên kết trong sản xuất, chế biến sâu và tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang còn yếu. Chính sách thu hút đầu tư vào chế biến sâu chuỗi giá trị ngành hàng nông, thủy sản còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, do chưa có sự hài hòa về lợi ích giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị nông sản.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu Ngân Thiên Nam, thời gian qua An Giang đã có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư, như: Giảm thuế, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện về đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận quỹ đất, nhất là đất sạch để đầu tư xây dựng nhà máy.

“Khi tôi xin chủ trương xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm thủy sản, nhưng không thể tìm được quỹ đất phù hợp với quy hoạch, từ khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) cho tới khu công nghiệp Vàm Cống (thành phố Long Xuyên”, ông Tam chia sẽ.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang.

Ông Nam đề xuất, An Giang cần chủ động tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, giúp doanh nghiệp có thể bắt tay vào xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngay khi có chủ trương đầu tư và hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết.

Còn theo ông Trương Duy Hải, Phó Giám đốc điều hành nghành gạo Tập đoàn Tân Long, tỉnh An Giang đã hình nhiều dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản như: liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết ngành, cụm ngành hàng chủ lực; liên kết theo chuỗi sản xuất và chế biến; liên kết hướng đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; liên kết vận tải - logistics và liên kết công nghệ thông tin… Nhưng các liên kết này hiệu quả không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi.

Do vậy, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, làm hạn chế việc không đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong đó, vai trò của hợp tác các bên như: Doanh nghiệp - Chính quyền - Người dân, hợp tác xã là vô cùng quan trọng.

Các đại biểu khác cũng thừa nhận rằng, ngành hàng chế biến nông, thủy sản của tỉnh An Giang chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp của tỉnh. Giá trị gia tăng đối với các mặt hàng nông, thủy sản qua chế biến còn thấp. Việc thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất và chế biến nông, thủy sản, chế biến sâu vẫn còn hạn chế.

Thêm vào đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại vào chuỗi sản xuất - chế biến các sản phẩm nông, thủy sản của các doanh nghiệp hiện, nhất là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn…

Kết nối nguồn lực để thu hút đầu tư

Tiến sĩ Trần Nghĩa Khang, Trưởng Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.

Tiến sĩ Trần Nghĩa Khang, Trưởng Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.

Đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản; tạo quỹ đất sạch và hình thành các chuyên canh theo hướng an toàn là những giải pháp mà các đại biểu đề cập tại hội nghị. Ông Đinh Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đề xuất tỉnh An Giang có định hướng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, theo chuẩn Organic, hướng đến sự chuyên biệt để không bị tác động nhiễm chéo. Đồng thời, chủ động tạo quỹ đất sạch và hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành nhanh các thủ tục pháp lý liên quan đến giấy phép đầu tư và đất đai,…

Theo ông Dũng, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp, đã giúp Công ty Antesco có được vùng nguyên liệu ổn định, điều này đã tạo được sự khác biệt so với các doanh nghiệp khác. Đồng thời, giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất, xúc tiến thương mại, khai thác và phát triển thị trường ngày càng lớn mạnh.

Để tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh An Giang trong năm 2025 đạt từ 10% trở lên trong năm 2025, trong đó, tăng trưởng của Ngành nông nghiệp đạt từ 4,8%; cũng như góp phần đảm bảo tăng trưởng ngành Nông nghiệp nhưng phải đảm bảo tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản chỉ còn khoảng 20,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 25,0% đến năm 2030 theo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1369/QĐ-TTg ngày 15/11/2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức cho rằng, để thúc đẩy ngành hàng chế biến nông, thủy sản của tỉnh phát triển hơn nữa trong thời gian tới thì vai trò kiến tạo, kết nối nguồn lực của chính quyền rất quan trọng.

Với phương châm “sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức khẳng định luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, đồng thời cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư thành hiện thực. Tỉnh An Giang luôn trân trọng đón tiếp quý doanh nghiệp đến với An Giang, để tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.

Ông Ngô Công Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Ông Ngô Công Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nông nghiệp về thủ tục đất đai trong đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển, nhất là đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu các sản phẩm nông, thủy sản; tạo thuận lợi về mặt thủ tục pháp lý, theo quy định, khi các doanh nghiệp đến đăng ký thủ tục đầu tư; triển khai kịp thời các chính sách ưu đãi tín dụng để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển chế biến nông, thủy sản;…

Đồng thời, tích cực áp dụng các cơ chế, chính sách (theo quy định) để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong quá trình tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp, mở rộng vùng nguyên liệu, phục nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giảm phát thải. Đặc biệt, tích cực triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, gắn với phát thải thấp vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh An Giang, mục tiêu để đến cuối năm 2025 đạt trên 44.000 ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, và đạt 152.000 ha vào năm 2030.

Năm 2024, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp… ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh An Giang ước đạt 7,16%, trong đó, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp là 3,67%; kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản năm 2024 ước đạt 701 triệu USD. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh.

Bài, ảnh: Công Mạo (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ban-giai-phap-thuc-day-san-xuat-tieu-thu-va-che-bien-sau-nong-thuy-san-20250221201732912.htm