Bài toán đào tạo nhân lực ngành Năng lượng tái tạo, hướng tới Net Zero 2050
Đào tạo và nghiên cứu khoa học về kiểm soát môi trường, năng lượng tái tạo góp phần bảo vệ tầng khí quyển, nâng cao chất lượng môi trường sống.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã đề ra một trong những giải pháp chủ yếu là: “Chú trọng nghiên cứu khoa học về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Sớm hình thành một số chuyên ngành khoa học mũi nhọn như năng lượng tái tạo, tái chế chất thải, vật liệu mới, thiên văn…”.
Với tầm quan trọng của quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhiều cơ sở giáo dục đại học chú trọng đào tạo, nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực như: môi trường, năng lượng tái tạo.
Ngày 16/9 hàng năm là Ngày Quốc tế bảo vệ tầng Ozone nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng Ozone, nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng Ozone tới các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội.
Nhân dịp này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận chia sẻ của một số cơ sở đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực môi trường, năng lượng tái tạo.
Đào tạo, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho sinh viên
Các nguồn năng lượng tái tạo (như thủy điện, điện sóng biển, điện mặt trời, điện gió,...) là nguồn năng lượng sạch. Việc sử dụng các nguồn năng lượng này giúp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, góp phần chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, tầng khí quyển.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyên - Giám đốc Chương trình đào tạo Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo (Chương trình tiên tiến), Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét, năng lượng tái tạo là năng lượng có nguồn gốc từ tự nhiên, lợi thế vô hạn và sẵn có ở mọi nơi. Năng lượng tái tạo đảm bảo an ninh năng lượng, phát thải khí nhà kính thấp và thân thiện với môi trường.
Quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học về năng lượng tái tạo sẽ tạo ra năng lượng sạch, góp phần thúc đẩy nhanh chóng việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. (Net Zero được hiểu đơn giản là đạt được sự cân bằng giữa lượng khí phát thải nhà kính vào khí quyển và lượng được hấp thụ tại một giai đoạn bất kỳ - PV).
“Với Đại học Bách khoa Hà Nội, Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo là chương trình tiên tiến, học phí cao nên nhà trường luôn có trách nhiệm trong việc xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng tốt nhất. Không chỉ gói gọn trong môn học, làm tính toán mà quan trọng hơn là trang bị cho các em tầm nhìn, được tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp từ sớm, nhà trường đã mời giảng viên người nước ngoài về dạy học, tổ chức hội thảo để sinh viên tham gia, trau dồi nhận thức.
Đặc biệt, trong quá trình đào tạo, các tiết học cũng như hội thảo về năng lượng tái tạo đã được nhà trường tích cực lồng ghép nội dung liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, tuyên truyền định hướng của nhà nước về chính sách năng lượng, mục tiêu bảo vệ môi trường để sinh viên có nhận thức đúng trong phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, bảo vệ môi trường”, thầy Tuyên chia sẻ.
Thực tế, nguồn năng lượng hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt,...) đang dần cạn kiệt, hoạt động khai thác gây hại cho môi trường đã và đang đặt ra thách thức lớn trong việc chuyển đổi năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thực hiện cam kết Net Zero.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Hoàng Trung Kiên - Trưởng khoa Khoa Công nghệ và Kỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, việc sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sẵn có và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là chiến lược quan trọng không chỉ đối với thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính mà còn giảm đáng kể áp lực lên việc khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống, từ đó giúp bảo vệ môi trường.
Theo thầy Kiên, hiện nay các nguồn phát điện sử dụng năng lượng tái tạo đang được khai thác và phát triển. Tuy nhiên việc triển khai còn gặp nhiều thách thức cả về mặt kỹ thuật, chính sách cũng như vốn đầu tư. Hơn nữa, một số nguồn năng lượng tái tạo vẫn đang ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả. Trong bối cảnh đó, ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo của nhà trường sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có khả năng cập nhật những công nghệ mới và thay đổi không ngừng, thúc đẩy sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo một cách hiệu quả và bền vững.
Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Năng lượng tái tạo. Tiến sĩ Nguyễn Văn Lành – Phó Trưởng khoa Khoa Cơ khí – Công nghệ Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năng lượng tái tạo không chỉ là chìa khóa cho an ninh năng lượng, mà còn là phương tiện để bảo vệ tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau.
"Ngành Công nghệ Kỹ thuật Năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Công tác đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Năng lượng tái tạo của nhà trường không chỉ tập trung vào kiến thức kỹ thuật mà còn giúp tăng cường ý thức bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển các công nghệ và phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường.
Những sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, tạo nhiều việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường", thầy Lành chia sẻ.
Hiện nay, một số bộ môn gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được cơ sở đào tạo chú trọng giảng dạy và nghiên cứu, trong đó phải kể đến bộ môn Kiểm soát môi trường và an toàn thực phẩm (trước đây có tên là Độc học và Quan trắc môi trường), Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Thanh Huyền - Trưởng Bộ môn Kiểm soát môi trường và an toàn thực phẩm, Khoa Mô trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ, mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra là: “Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Để đạt được mục tiêu đó, một trong số nhiệm vụ được Đại hội XIII đề ra là: “nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai” và “tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Cô Huyền cho biết, Khoa Môi trường hướng tới đào tạo cho người học nhận thức rõ về trách nhiệm của bản thân đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường của đất nước trước những tác động đến biến đổi khí hậu, kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Bộ môn Kiểm soát môi trường và an toàn thực phẩm hướng đến đào tạo cho sinh viên về thực tiễn quan trắc, đánh giá, kiểm soát các chất làm suy giảm chất lượng tầng Ozone, góp phần vào công tác bảo vệ tầng Ozone nói riêng và môi trường không khí nói chung.
“Một số nghiên cứu của giảng viên Bộ môn như “Cơ sở khoa học và thực tiễn cập nhật các phương pháp tiên tiến ứng dụng trong quan trắc dự báo chất lượng môi trường và đánh giá tác động của các chất ô nhiễm trong thành phần môi trường đến sức khỏe con người”; hay nghiên cứu các thành phần, tính chất của tro xỉ đốt chất thải rắn sinh hoạt; nghiên cứu về phát thải khí nhà kính, tác hại của việc đốt rơm rạ,... đã góp phần ứng dụng trong giảng dạy, nghiên cứu kiểm soát hoạt động nhằm bảo vệ môi trường sống, môi trường doanh nghiệp, công nghiệp”, cô Huyền chia sẻ.
Để bộ môn phát huy được vai trò trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cứ hai năm một lần, nhà trường tiến hành rà soát, cập nhật kiến thức cho bộ môn sao cho đảm bảo phù hợp với những biến đổi về môi trường, nhu cầu doanh nghiệp lĩnh vực môi trường.
Cần đầu tư để đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ bảo vệ môi trường
Cô Huyền nhận định, cần thiết phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học lĩnh vực môi trường.
“Mong muốn của giảng viên bộ môn là được bổ sung các thiết bị chuyên dụng, đặc thù của môn học để quá trình học tập, thực hành của sinh viên đảm bảo tính thực tiễn cao. Ngoài ra, cần có nhiều hơn những chương trình hội thảo về môi trường để sinh viên tham gia, từ đó giúp bồi đắp tình yêu môi trường và ngành nghề mà các em theo đuổi.
Chưa kể, những nghiên cứu khoa học về quan trắc môi trường cần phải nâng cao chất lượng, tính thực tế nhiều hơn nữa để áp dụng hiệu quả vào bảo vệ môi trường, tránh lãng phí nguồn lực”, cô Huyền cho biết.
Cùng bàn về những biện pháp nhằm tăng cường chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học về năng lượng tái tạo góp phần bảo vệ môi trường, thầy Kiên cho rằng, để những công trình nghiên cứu về năng lượng tái tạo thực sự là “khoa học mũi nhọn”, cần có sự đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, sự đồng hành giữa nhà trường và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.
Cụ thể, theo thầy Kiên, do tầm quan trọng của việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đi kèm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng sự phát triển đó, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo nói chung cần được đầu tư về cơ sở vật chất, giúp sinh viên có thể tiếp cận nhiều hơn với thực tế công việc.
Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và nhà trường để chương trình đào tạo của ngành được thực tế, phù hợp với xu thế, bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, thầy Tuyên chia sẻ, ngành Năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn non trẻ, công nghệ phát triển điện mặt trời, điện gió hiện nay phần lớn là nhập khẩu. Việc phát triển khoa học công nghệ trong nước chưa thật sự tương xứng chủ yếu là do đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học còn những đặc thù, nhà trường gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay coi nghiên cứu khoa học ở các trường là “câu chuyện xa vời”, không gắn liền với doanh nghiệp nên họ ít đầu tư, phối hợp cùng nhà trường đẩy mạnh công trình nghiên cứu khoa học về năng lượng tái tạo.
“Ở nước ngoài, các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào trường đại học thông qua hiến tặng cơ sở vật chất để làm nghiên cứu. Còn ở trong nước, hoạt động này vẫn chưa được đẩy mạnh. Nhà trường mong muốn các doanh nghiệp thay đổi nhận thức, tích cực chung tay cùng cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện các đề tài nghiên cứu về năng lượng tái tạo”, thầy Tuyên bày tỏ.
Còn theo thầy Lành, chương trình đào tạo về năng lượng tái tạo cần tích hợp kiến thức liên ngành (lồng ghép kiến thức từ các ngành khoa học khác như môi trường và công nghệ thông tin để cung cấp một nền tảng kiến thức toàn diện). Ứng dụng công nghệ mới để sinh viên được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, học máy và dữ liệu lớn để phát triển các giải pháp năng lượng thông minh. Đồng thời, chú trọng phát triển các kỹ năng thực hành, triển khai dự án thực tế, bao gồm thiết kế và vận hành hệ thống năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng sinh khối.
Các trường đại học cần được đầu tư trang thiết bị hiện đại, mô phỏng các hệ thống năng lượng tái tạo để thử nghiệm và nghiên cứu cải tiến công nghệ. Thành lập phòng nghiên cứu chuyên sâu để tập trung nghiên cứu những vấn đề như lưu trữ năng lượng, hiệu suất năng lượng và công nghệ, thiết bị sản xuất nhiên liệu sinh học, nhiên liệu hydro. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế để tạo điều kiện cho các nhà khoa học và sinh viên tham gia hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu và trường đại học quốc tế nhằm cập nhật xu hướng toàn cầu và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Thêm nữa, cần phát triển chính sách hỗ trợ và khuyến khích nghiên cứu. Cụ thể như, các bộ, ngành xem xét cung cấp các khoản tài trợ, học bổng và giải thưởng khuyến khích nghiên cứu khoa học về năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án có tiềm năng ứng dụng cao vào thực tiễn. Các dự án nghiên cứu cần có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp và tổ chức trong ngành để nhanh chóng chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.
Chưa kể, trường đại học cần xây dựng chương trình đào tạo trình độ sau đại học với các chuyên ngành sâu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khai thác, sử dụng và lưu trữ năng lượng tái tạo. Ngoài ra, nên chú trọng đến kỹ năng quản lý dự án, lãnh đạo và phát triển bền vững để sinh viên có thể tham gia vào việc hoạch định chính sách và quản lý các dự án năng lượng tái tạo của quốc gia và khu vực.
Nhân ngày 16/9 là Ngày Quốc tế bảo vệ tầng Ozone, cô Huyền hy vọng, mỗi sinh viên bộ môn Kiểm soát môi trường và an toàn thực phẩm, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ nâng cao nhận thức, học tập tốt, nghiên cứu giỏi để đóng góp một phần nhỏ trong việc bảo vệ tầng Ozone, môi trường sống.
Còn thầy Kiên chia sẻ, với tiềm năng khai thác nhưng cùng với đó là các công nghệ luôn được cập nhật, lĩnh vực năng lượng tái tạo có rất nhiều cơ hội để phát triển. Đặc biệt, đây là lĩnh vực liên ngành với mục tiêu quan trọng nhằm quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nên mỗi sinh viên cần liên tục cập nhật kiến thức để có góc nhìn tổng quan hơn về ngành nghề, cũng như xây dựng được mạng lưới liên kết nghề nghiệp trong tương lai, góp phần dự báo ứng phó trước biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Cùng gửi thông điệp, thầy Tuyên mong muốn, các sinh viên chương trình đào tạo Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội. Trước thực tế thiếu hụt nhân lực năng lượng tái tạo, các em sinh viên cần “mở lòng”, chủ động tích cực hơn nữa trong việc tham gia các hội thảo, tọa đàm về năng lượng tái tạo để gia tăng cơ hội việc làm, thu nhập ổn định trong tương lai, góp phần không nhỏ vào trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường.
Chia sẻ đến sinh viên theo đuổi lĩnh vực năng lượng tái tạo, thầy Lành tâm sự: “Hãy để đam mê của các em trở thành động lực dẫn dắt sự thay đổi vì một tương lai bền vững. Sinh viên hãy kiên trì với con đường học tập và nghiên cứu, bởi chính những ý tưởng và nỗ lực của các em hôm nay sẽ kiến tạo nên một hành tinh xanh hơn, an toàn hơn cho tất cả mọi người. Mỗi hành động của chúng ta, dù nhỏ bé, đều góp phần vào bảo vệ tầng Ozone và hệ sinh thái toàn cầu. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi lớn”.