Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào'Chuyện về những người 'giữ nguồn sáng' Thủ đô
Hiếm có ngành nghề nào của Thủ đô xuất hiện sớm như ngành điện, với bề dày phát triển 132 năm đã chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử Hà Nội và cả nước. Đây cũng là ngành vinh dự được Bác Hồ đến thăm ngay sau khi Thủ đô được giải phóng, khi việc nước còn bộn bề.
Niềm tự hào to lớn ấy là động lực để ngành điện Thủ đô hôm nay tiên phong trong công cuộc “chuyển đổi số”, từng bước hoàn thiện hơn nữa sứ mệnh phục vụ nhân dân, giữ ổn định “mạch máu” phát triển kinh tế của Thủ đô
Bài 1: Mốc son trên mỗi chặng đường lịch sử
Ngày 21-12-1954, chỉ sau 2 tháng tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ (tiền thân của Tổng công ty Điện lực Hà Nội - EVN Hà Nội). Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử, và năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21-12 hằng năm là Ngày truyền thống của Điện lực Việt Nam.
“Nhà máy bây giờ là của nhân dân…”
Không gian truyền thống của EVN Hà Nội được đặt tại sảnh lớn của trụ sở số 69 Đinh Tiên Hoàng (vốn là vị trí Nhà máy đèn Bờ Hồ trước đây). Tất cả các bức ảnh tư liệu quý được sắp xếp theo 4 chủ đề chính: Điện lực Hà Nội trước 1954: Giai đoạn hình thành; Điện lực Hà Nội 1954-1975: Dòng điện không bao giờ tắt; Điện lực Hà Nội 1975-1995: Vượt qua gian khó; Điện lực Hà Nội 1995 đến nay: Vững bước phát triển.
Trong một không gian mở nhưng trang trọng, ấm áp, lịch sử 132 năm ngành điện Thủ đô qua những lát cắt quan trọng hiện lên sinh động, chân thực. Trong khuôn viên trụ sở 69 Đinh Tiên Hoàng còn có khu tưởng niệm đặt Tượng đài Bác Hồ - công trình thể hiện tình cảm đặc biệt của toàn thể cán bộ, nhân viên EVN Hà Nội đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác về thăm…
Những câu chuyện của Thủ đô gắn với quá khứ hào hùng có thể tìm thấy rất nhiều trên khu đất lịch sử này. Tấm biển đồng dựng trước cổng ngôi nhà 69 Đinh Tiên Hoàng ghi: “Nhà đèn Bờ Hồ do thực dân Pháp xây dựng năm 1892, lúc đó năng lượng chỉ đủ thắp đèn sáng cho khu vực hồ Hoàn Kiếm và một số biệt thự của người Pháp trong thành phố Hà Nội. Năm 1928, tại đây đã có tổ chức Công hội lãnh đạo công nhân đấu tranh với chủ đòi cải thiện điều kiện lao động. Năm 1929, các thành viên Đông Dương Cộng sản Đảng của Nhà đèn đã thành lập Công hội Đỏ, tham gia vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Đêm 19-12-1946, Trung tâm này đã phát lệnh chỉ huy Nhà máy điện Yên Phụ cắt điện toàn thành phố để Pháo đài Láng nổ súng mở đầu Toàn quốc kháng chiến…".
Đặc biệt, sự kiện ngày 21-12-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy điện Yên Phụ là một mốc son quan trọng của ngành điện cả nước. Những lời căn dặn mộc mạc mà sâu sắc của Người luôn ở trong tim những người làm điện: “... Nay trong hoàn cảnh hòa bình, muốn cải thiện sinh hoạt thì giai cấp lao động ta phải tăng năng suất. Ở nhà máy, công nhân phải thi đua chế tạo. Ở nông thôn, nông dân phải thi đua sản xuất lúa gạo. Sản xuất tăng thì mức sống sẽ được nâng cao. Muốn ăn quả thì phải chịu khó trồng cây… Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa...”. Bác trao tặng mỗi nhà máy 10 chiếc huy hiệu làm giải thưởng cho những người có thành tích thi đua nhiều nhất. Toàn thể anh chị em công nhân đều hứa ra sức thi đua để được nhận giải thưởng của Bác…
“Cảm tử để bảo vệ dòng điện Thủ đô”
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc. Đầu năm 1965, ngành điện Hà Nội tổ chức sơ tán cơ quan, thiết bị, thành lập Đội tự vệ, trang bị hệ thống đóng cắt tự động cho hệ thống đèn đường… Đồng thời, chủ động xây dựng phương án cấp điện từ nhiều nguồn cho các cơ quan đầu não, sân bay, trận địa: Xây dựng trạm trung gian Bắc Biên, trạm sơ tán, lắp đặt 18 trạm diesel…
Những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, tại Thủ đô Hà Nội, nhiều trạm điện, cột điện, đường dây bị phá hủy, hư hỏng. Với tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, những người thợ điện Thủ đô không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh, ngày đêm phục vụ sản xuất và chiến đấu.
Những câu chuyện cảm động từ lý tưởng sống “Cảm tử để bảo vệ dòng điện Thủ đô”; “Tim có thể ngừng đập nhưng dòng điện không thể tắt” vẫn luôn được kể từ thế hệ này đến thế hệ sau. Đó là chuyện sau những trận đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, những người thợ điện Thủ đô lập tức có mặt ở hiện trường để sửa chữa thiết bị. Họ căng mình trong giá rét, dầm mình dưới nước lạnh, cheo leo trên nóc nhịp cầu Long Biên để căng dây, nối dây, bảo đảm dòng điện thông suốt. Hay là chuyện những người thợ điện đã sáng tạo ứng phó, khắc phục hậu quả bắn phá của địch để bảo vệ lưới điện an toàn: Cột điện bị bom làm đổ gãy, họ dùng thang tre làm cột để kịp thời khôi phục đường dây phục vụ quân dân Thủ đô, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”.
“Lớp cha trước, lớp con sau”, như một mối duyên lành, nhiều thế hệ cha con cùng nhau gắn bó với ngành điện Thủ đô, kiên cường sản xuất, phục vụ chiến đấu, khắc phục sự cố đường dây, máy phát, dũng cảm bảo vệ thiết bị khi địch đánh phá...
Chúng tôi đã được nghe câu chuyện cảm động về lòng quả cảm của người thợ điện Nguyễn Đình Thanh, làm việc tại Trạm biến áp 110kV Đông Anh cùng con trai mình. Khi máy biến áp 110kV bị mảnh bom xé toang cánh dầu, anh Thanh lúc đó đang làm nhiệm vụ trực trạm đã nhanh trí cởi quần áo bảo hộ lao động bịt dầu lại. Cả hai cha con sau đó đều được tặng danh hiệu “Dũng sĩ điện lực”. Chiếc áo bảo hộ lao động đặc biệt này hiện vẫn được lưu giữ trân trọng như một chứng tích cho trí thông minh, tinh thần xả thân, quên mình vì nhiệm vụ của người thợ điện Thủ đô.
Trong không gian trang trọng của phòng truyền thống, chúng tôi còn thấy ảnh chân dung hai liệt sĩ đã hy sinh trong quá trình vận hành, sửa chữa, bảo vệ lưới điện. Đó là liệt sĩ Hoàng Thế Doãn, công nhân vận hành diesel và liệt sĩ Đào Xuân Phương, công nhân cao thế.
Những tấm gương anh dũng, kiên cường trong sản xuất và chiến đấu bảo vệ nguồn điện Thủ đô ấy không chỉ được lưu ảnh trong phòng truyền thống, mà còn luôn được các thế hệ thợ điện Thủ đô ghi nhớ, trân trọng.
Trò chuyện với chị Cấn Thị Minh Hạnh, con dâu liệt sĩ Hoàng Thế Doãn, thật cảm động khi được biết con trai, con dâu, rồi cháu trai của liệt sĩ Hoàng Thế Doãn hôm nay cũng đang tiếp tục cống hiến cho ngành điện Thủ đô.
“Chung câu quân hành”, noi gương cha, anh Hoàng Thế Cao, con trai liệt sĩ Hoàng Thế Doãn đã lên đường nhập ngũ. Sau khi cống hiến một phần máu xương cho Tổ quốc, anh trở về tiếp tục công tác tại EVN Hà Nội và mới nghỉ hưu. Con trai anh (hiện làm việc tại Tổ 2, Điện lực Hoàn Kiếm) cũng đang cùng những đồng nghiệp của mình viết tiếp những trang mới, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành điện Thủ đô…
(còn nữa)