Bài tập hỗ trợ cho người bệnh viêm nha chu

Đối với viêm nha chu, chăm sóc răng miệng được xem là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, tập luyện, xoa bóp hay dinh dưỡng là các vấn đề góp phần nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ một phần giúp nướu răng khỏe mạnh.

Viêm nha chu là bệnh do nhiễm khuẩn, có đặc điểm phá hủy dần hệ thống bám dính của mô nha chu. Nếu không điều trị bệnh sẽ tiến triển cho đến khi mô nha chu bị phá hủy toàn bộ và đưa đến mất răng.

Ngoài ra, viêm nha không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị kịp thời và phù hợp, thì ổ nhiễm trùng có thể lan rộng đến các vùng khác cơ thể.

Điều trị viêm nha chu có thể bao gồm:

Điều trị không phẫu thuật: Thuốc kháng viêm, kháng sinh, giảm đau để giảm triệu chứng. Cạo vôi răng và làm sạch gốc chân răng loại bỏ vi khuẩn ẩn sâu bên dưới đường viền nướu, làm mịn bề mặt chân răng, ngăn chặn sự hình thành mảng bám, tích tụ của vi khuẩn.
Điều trị phẫu thuật: Có thể sử dụng các phương pháp phẫu thuật vạt, ghép xương, ghép nướu, tái tạo mô…
Điều trị duy trì: Vệ sinh răng miệng tốt, làm sạch răng định kỳ và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

1. Vai trò của tập luyện, xoa bóp, chăm sóc răng miệng với người bị viêm nha chu

Chải răng 2 lần mỗi ngày tăng cường sức khỏe răng miệng.

- Tăng cường sức khỏe răng miệng.

- Tăng cường sức đề kháng: Hầu như bệnh lý nha chu không có chống chỉ định với một loại hình thể dục, thể thao nào. Khuyến khích tập luyện mỗi ngày 30 – 60 phút, việc tập luyện có thể tăng cường sức đề kháng cơ thể.

- Thông kinh lạc, giảm đau: Theo y học cổ truyền xoa bóp bấm huyệt là phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh bằng việc sử dụng bàn tay, ngón tay tác động lên da, cơ, khớp và huyệt vị trên cơ thể nhằm thông kinh lạc, lý khí hoạt huyết, giảm đau.

- Tăng lưu thông máu, tăng khả năng làm việc của cơ: Xoa bóp bấm huyệt là tác động lực vào da, gián tiếp tác động vào hệ thần kinh, gây ra co giãn huyết quản hay tác động hệ nội tiết, tuần hoàn kích thích thay đổi hormon cortisol, epinephrine và norepinephrine, serotonin… tăng lưu thông tuần hoàn cơ thể; tác động lên cơ kích thích chất acetylcholin trong tế bào tiết ra làm nâng cao tính dẫn truyền và khả năng làm việc của cơ.

2. Những động tác massage, xoa bóp tốt cho người bệnh

Chúng ta có thể sử dụng các động tác xoa bóp bấm huyệt và ấn day các huyệt vị vùng đầu mặt cổ để hỗ trợ giảm đau, gia tăng tuần hoàn đến da cơ vùng đầu mặt cổ như sau:

- Xoa: Sử dụng mô ngón cái hoặc ngón út hoặc vân ngón tay đặt tiếp xúc trên da vùng mặt (trán, hàm trên, hàm dưới), di chuyển tay theo đường tròn, tay chỉ di chuyển nhẹ nhàng trên da.

Tác dụng: Lý khí hoạt huyết, giảm sưng, giảm đau.

Các phương pháp massage giúp giảm đau cho người bệnh viêm nha chu.

- Miết: Dùng vân ngón tay, gốc bàn tay hoặc mô ngón út ấn chặt vào bề mặt da rồi di chuyển theo hướng thẳng lên xuống, sang trái sang phải tại vùng mặt, mắt, trán.

Tác dụng: Khai khiếu, trấn tĩnh, thư cân giãn cơ.

- Xát: Dùng gan bàn tay, gốc bàn tay, mô ngón út hoặc ngón cái di chuyển trên da theo đường thẳng, tay chỉ lướt nhẹ trên da vùng đầu, mặt, hàm trên, hàm dưới.

Tác dụng: Thông kinh lạc, lý khí, thư giãn.

- Day: Dùng mô ngón cái hoặc đầu ngón cái dính chặt vào da của người bệnh day theo đường tròn hoặc dọc theo bó cơ.

Tác dụng: Giảm đau, thư cân, khu phong.

- Ấn huyệt: Dùng ngón tay cái tiếp xúc chạm từ từ lên huyệt, lực mạnh hoặc nhẹ tùy vào mục đích, hướng lực vuông góc với bề mặt da và ấn sâu vào trong huyệt, giữ nguyên lực 10 – 20 giây.

Tác dụng: Giãn cơ, chỉ thống, thông kinh lạc.

Các huyệt có thể lựa chọn xung quanh vùng răng hàm: Quyền liêu, Hạ quan, Giáp xa, Tứ bạch, Nhân trung, Nghinh hương, Địa thương, Đại nghênh, Thừa tương.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Thời điểm tập luyện vận động: Tùy thuộc sự sắp xếp của từng người nhưng vẫn nên ưu tiên vận động vào buổi sáng để trao đổi chất được tốt hơn, tinh thần thoải mái.

- Khi bệnh đang ở giai đoạn cấp tính: Bên cạnh việc tuân thủ điều trị theo bác sĩ răng hàm mặt thì chăm sóc răng miệng, tập luyện, ăn uống vẫn nên được duy trì đúng theo hướng dẫn.

Nếu trong giai đoạn cấp tính/ tấn công tình trạng nướu răng viêm nhiễm nặng dẫn đến khuôn mặt sưng nề thì không nên xoa bóp hay tác động quá nhiều, trực tiếp vùng mặt xung quanh răng hàm.

Đối với bệnh lý nha chu để có thể tập luyện, vận động, xoa bóp đúng cách và có hiệu quả nên tham khảo ý kiến chuyên gia răng hàm mặt và y học cổ truyền.

Ngoài ra, cần lưu ý khâu vệ sinh răng miệng bằng cách: Chải răng trong 2 phút, 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải có lông mềm hoặc điện. Chọn kem đánh răng chứa fluoride để bảo vệ men răng và ngăn ngừa sự hình thành sâu răng. Sau 3 – 4 tháng nên thay đổi bàn chải đánh răng hoặc thường xuyên hơn nếu lông bàn chải bắt đầu xơ hoặc sờn.

Không dùng chung bàn chải đánh răng, dùng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ răng, nước súc miệng chứa chất sát khuẩn; kiểm soát tốt các bệnh lý toàn thân đang mắc phải và đến nha khoa kiểm tra răng miệng ít nhất 1 lần/năm.

Ngoài các biện pháp xoa bóp, massage như đề cập ở trên, người bệnh viêm nha chu nếu tình trạng sức khỏe ổn định, không bị mệt mỏi thì có thể thực hiện thêm các hoạt động thể chất khác như đi bộ, tập yoga, bơi lội, đạp xe... một cách bình thường để tăng cường sức khỏe, giúp bệnh nhanh lành hơn.

Mời bạn xem tiếp video:

Viêm nha chu: Sát thủ thầm lặng gây mất răng | SKĐS

ThS. BS. Lê Ngô Minh Như

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-ho-tro-cho-nguoi-benh-viem-nha-chu-169240415203212248.htm