Bài học lịch sử từ những tượng đài không vị nhân sinh

Triết lý và nguyên tắc chỉ nam của quy hoạch điêu khắc đô thị phải thấm nhuần tư tưởng đô thị vị nhân sinh, ca ngợi tinh thần tự do và dân chủ của con người.

Nhìn lại số phận bức tượng Nữ thần Tự do

Người Hà Nội tự hào và cũng có chút nuối tiếc về bức tượng nổi tiếng Nữ thần Tự do của Frédéric Auguste Bartholdi. Số phận long đong của bức tượng liên quan tới thực trạng thiếu quy hoạch điêu khắc đô thị thời Pháp thuộc.

Bức tượng xuất hiện trong sự kiện triển lãm đấu xảo lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội năm 1887 (chỉ sau chừng 5 tháng phiên bản lớn của bức tượng này đặt ở New York). Chất lượng nghệ thuật, tính tư tưởng của pho tượng này thì không còn gì phải bàn, nhưng người Pháp đã chọn nhầm vị trí khiến người Hà Nội vô cùng giận dữ và thất vọng trước một kiệt tác điêu khắc tầm cỡ thế giới.

Đầu tiên là việc chuyển pho tượng từ vườn hoa ven hồ Hoàn Kiếm ra đỉnh Tháp Rùa. Việc làm này đã bị tầng lớp sĩ phu Bắc Hà phản đối dữ dội vì gần ngay đấy, quần thể đài nghiên tháp bút của danh nho Trương Hán Siêu cũng vừa mới dựng lên (1865). Hơn nữa, hồ Hoàn Kiếm gắn với huyền tích đức vua Lê Lợi trả kiếm báu. Đó là một không gian văn hóa tâm linh đậm đặc của người Thăng Long.

Tượng Nữ thần Tự do ở vườn hoa Neyret (này là Vườn hoa Cửa Nam) Ảnh: TL

Tượng Nữ thần Tự do ở vườn hoa Neyret (này là Vườn hoa Cửa Nam) Ảnh: TL

Vì tai tiếng này, năm 1896, tượng phải chuyển đến vườn hoa Neyret (nay là vườn hoa Cửa Nam) với tên gọi mới là Nữ thần Công lý. Nữ thần Tự do và Công lý là hai nữ thần hoàn toàn khác nhau. Nghịch cảnh là vườn hoa Neyret vốn là Quảng Văn đình - thời vua Lê Thánh Tông là nơi dân tới để đánh trống kêu oan, nơi quan Câu kê - vị quan đại diện cho triều đình, đến giảng pháp lệnh, những điều khuyên răn của nhà vua. Sang tới nhà Nguyễn, trống kêu oan không còn, đình Quảng Văn còn là nơi giảng giải về trung hiếu tiết nghĩa của quan hàng tỉnh…

Bản thân chính quyền thực dân cũng cố tình làm sai lạc tên gọi, ý nghĩa biểu tượng tự do của pho tượng này, đặt nó vào những tình cảnh xung đột văn hóa. Thế rồi, tới năm 1945, chính quyền thân Nhật của Trần Trọng Kim đã cho giật đổ tượng đài. Đây là một ví dụ rất tiêu biểu cho sự thất bại của một tác phẩm điêu khắc đô thị đặt không đúng vị trí, không sống được trong lòng công chúng Hà Nội. Người Pháp đã sớm có quy hoạch kiến trúc, quy hoạch giao thông, quy hoạch thoát nước nhưng chưa có quy hoạch điêu khắc đô thị. Không riêng gì pho tượng Nữ thần Tự do mà còn có nhiều tượng đài khác cũng chưa thực sự có cảnh quan không gian, ngữ cảnh lịch sử phù hợp.

Có thể kể đến một số trường hợp tiêu biểu như tượng đài Vì nước Pháp trước mặt Phủ Toàn quyền Đông Dương và tượng đài có hình thức đài phun nước trước Nhà hát Lớn. Phủ Toàn quyền Đông Dương được xây dựng theo phong cách kiến trúc tân cổ điển. Bên cạnh ưu điểm tạo cảm giác quyền uy, bề thế thì phong cách kiến trúc này bị chính các kiến trúc sư Pháp sau này cho là khá nặng nề, có phần phô trương quyền lực. Hai tượng đài này là sự thất bại về quy hoạch, ảnh hưởng đến cảnh quan chung, làm tổn hại giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc chính phía sau. Nên chẳng bao lâu, cả hai tượng đài này bị chính người Pháp đập bỏ.

Tượng đài “Vì nước Pháp” trước cổng của Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch). Ảnh: TL

Tượng đài “Vì nước Pháp” trước cổng của Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch). Ảnh: TL

Suốt một giai đoạn dài, chính quyền thực dân Pháp ở Hà Nội chủ yếu tập trung vào điêu khắc tượng đài mà không phải là tượng vườn. Không tìm hiểu đặc điểm khí hậu, môi trường văn hóa; không hề quan tâm đến cảm xúc, tâm sinh lý của cư dân bản địa, điêu khắc đô thị thời Pháp thuộc nặng về tuyên truyền, đề cao Pháp quốc. Hình ảnh phổ biến trong tượng đài giai đoạn này là ở trên cao, ở phía trên luôn là các vị thần trong văn hóa phương Tây, các quan lại thực dân, uy nghi, quyền uy, bệ vệ, mà bên dưới luôn là những hình ảnh nhỏ bé, hèn kém những người dân thuộc địa.

Tuy vậy, kiến trúc sư Sở Quy hoạch và Hội đồng Tư vấn về xây dựng của thành phố thời Pháp thuộc đã biết lắng nghe công luận, kịp thời cho phá bỏ những tượng đài phô trương, nặng về tuyên truyền.

Thời Pháp thuộc cũng có những điểm sáng về quy hoạch và chất lượng nghệ thuật của một số tượng đài. Tiêu biểu nhất là đài tưởng niệm Léon Jean Laurent Chavassieux (1848 - 1895), quan cai trị Pháp ở Đông Dương. Năm 1887, Chavassieux là Khâm sứ Trung kỳ, từ 1891 đến 1893 làm Thống sứ Bắc kỳ, từ tháng 3 đến tháng 10.1894 giữ chức Quyền Toàn quyền Đông Dương, ông chết tại Hà Nội năm 1895.

Toàn cảnh đài tưởng niệm Chavassieux. Ảnh: TL

Toàn cảnh đài tưởng niệm Chavassieux. Ảnh: TL

Đài tưởng niệm có hình thức của một đài phun nước nằm ở trung tâm quảng trường Chavassieux có tỷ lệ rất hài hòa với không gian xung quanh, là một điểm nhấn cảnh quan đặc biệt quan trọng ở khu vực này. Đài phun nước pha trộn phong cách Đông - Tây; trên cao nhất có hình thành huy Hà Nội (hình song long chầu bảo kiếm), bên dưới năm sinh, năm mất của Chavassieux: 1848-1895.

Đặc sắc hơn cả là phần bệ mang hình tám con rồng tỏa ra tám hướng. Con rồng được phát triển từ con rồng ở điện Kính Thiên Thăng Long, khí thế mạnh mẽ, nhưng dáng hình uyển chuyển, uốn lượn mềm mại. Đặc biệt, phần trên cùng đài tưởng niệm có hài cốt của Chavassieux. Hình thức này khiến ta liên tưởng tới các bảo tháp của nhà Phật. Tiếc rằng điểm sáng này không được tiếp nối.

Và những yếu kém của công tác quy hoạch điêu khắc đô thị ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc tiếp tục kéo dài đến hôm nay.

Bao giờ Hà Nội có quy hoạch điêu khắc đô thị?

Năm 2013, UBND thành phố Hà Nội từng phê duyệt đề cương quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố - quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến 2030. Qua thông tin từ báo chí, thành phố Hà Nội sẽ có 69 tượng đài (34 hiện có và 35 xây mới). Các tượng đài sẽ được ưu tiên đầu tư, gồm: tượng đài An Dương Vương tại di tích Cổ Loa (Đông Anh); tượng đài danh nhân văn hóa tại khu vực Bảo tàng Hà Nội; tượng đài Độc lập; tượng đài Chu Văn An tại huyện Thanh Trì; hệ thống tượng danh nhân văn hóa tại hồ Văn trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; 5 tượng đài danh nhân, mỹ thuật tại 5 đô thị vệ tinh và biểu tượng Hà Nội tại 5 cửa ô vào trung tâm thành phố.

Tượng Paul Bert nhìn ra Tháp Rùa, bên trên là tượng Nữ thần Tự do. Ảnh: TL

Tượng Paul Bert nhìn ra Tháp Rùa, bên trên là tượng Nữ thần Tự do. Ảnh: TL

Tượng đài tuy là hạng mục quan trọng trong điêu khắc đô thị, nhưng chỉ là một bộ phận của điêu khắc đô thị. Chỉ khi có bản quy hoạch tổng thể này, thì quy hoạch tượng đài mới có cơ sở khoa học. Kể từ năm 2013 đến nay, công tác quy hoạch tượng đài nói riêng và quy hoạch điêu khắc đô thị của Hà Nội vẫn dậm chân tại chỗ. Các khu đô thị mới liên tục mọc lên ở Hà Nội, nhu cầu về các tác phẩm điêu khắc công cộng ngày một lớn nhưng sự phát triển mang tính tự phát, xu hướng vọng ngoại, cóp nhặt sao chép thô thiển các linh vật Trung Hoa (kỳ lân, sư tử, thiềm thừ), rồi các bức tượng theo phong cách Hy-La, phong cách tân cổ điển… càng góp phần làm méo mó cảnh quan thủ đô Hà Nội.

Công tác quy hoạch điêu khắc đô thị ở Hà Nội không song hành cùng quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông. Như gần đây, sau khi một tượng đài được xây mới, con phố trước mặt tượng đài này vốn một chiều từ hàng chục năm nay, bỗng dưng thành hai chiều.

Kinh nghiệm từ Huế

Tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương tiên phong trong quy hoạch điêu khắc đô thị. Năm 2017, UBND tỉnh đã công bố quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng, tượng, biểu tượng kiến trúc và vườn tượng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (Quyết định 3050/QĐ-UBND ngày 27.12.2017). Bản quy hoạch có tên đầy đủ là “Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng, tượng, biểu tượng kiến trúc và vườn tượng tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Cho đến nay, ở Việt Nam, đây là bản quy hoạch liên quan đến điêu khắc đô thị được xây dựng khá bài bản, bao gồm mục tiêu quy hoạch (mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể), phạm vi quy hoạch, quan điểm quy hoạch, nguyên tắc quy hoạch, tiêu chí quy hoạch (tiêu chí về tính đặc thù địa phương, tiêu chí về nghệ thuật, tiêu chí về chất liệu), kinh phí thực hiện, tổ chức thực hiện. Bên cạnh tính chất tiên phong, đột phá của bản quy hoạch này, chúng ta thấy vẫn tồn tại một số hạn chế như sự nhận diện, phân loại các không gian trong đô thị. Bản quy hoạch cũng chưa nêu lên những phong cách nghệ thuật tương ứng với những ngữ cảnh không gian cụ thể…

Dù vậy, quy hoạch này tạo cơ sở ra quyết định khoa học cho quy hoạch và quản lý xây dựng điêu khắc đô thị trong hiện tại và tương lai của tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng, đồng thời cho phép Huế đạt được mục tiêu xây dựng một thành phố di sản. Bản quy hoạch trên thể hiện tầm nhìn, là cơ sở pháp lý đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của điêu khắc đô thị.

Có thể nói Huế không chỉ tự hào là có di sản vô giá nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn ở các cung điện và lăng tẩm, mà còn sở hữu rất nhiều tác phẩm đô thị hiện đại thông qua các kỳ trại sáng tác điêu khắc quốc tế.

Tượng Phan Bội Châu ở Huế, nhìn ra sông Hương. Ảnh: TL

Tượng Phan Bội Châu ở Huế, nhìn ra sông Hương. Ảnh: TL

Năm 2012, bức tượng Phan Bội Châu được chuyển từ Khu lưu niệm - 119 đường Phan Bội Châu, phường Trường An đến địa điểm mới trên đường Lê Lợi - vị trí trung tâm của thành phố Huế, bên bờ nam sông Hương, gần cầu Trường Tiền. Bức tượng cụ Phan Bội Châu là tuyệt tác của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, được đúc vào năm 1974 tại phường Đúc, thành phố Huế. Với vị trí này, tượng Ông già Bến Ngự đã được ở vị trí gần với sông Hương hơn, có tầm nhìn thoáng rộng hơn, góp phần cho công chúng cảm nhận tốt hơn thần thái, khí phách của nhà chí sĩ cách mạng vĩ đại.

Tạm kết

Với danh hiệu “Thành phố sáng tạo trong mạng lưới UNESCO”, Hà Nội ngay từ bây giờ phải xây dựng quy hoạch tổng thể điêu khắc đô thị, đặc biệt là khu vực các cửa ô và trung tâm nội đô. Triết lý và nguyên tắc chỉ nam của quy hoạch điêu khắc đô thị phải thấm nhuần tư tưởng đô thị vị nhân sinh. Lịch sử của điêu khắc đô thị ban đầu chỉ là để ca ngợi các vị thần, ca ngợi quyền lực hoàng gia, phô trương sự giàu có thì giờ đây dành để ca ngợi tinh thần tự do và dân chủ của con người.

Điêu khắc đô thị sẽ góp phần quan trọng tạo nên những không gian đáng sống cho thủ đô Hà Nội. Và quy hoạch cần phải có bước đột phá.

Trần Hậu Yên Thế

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bai-hoc-lich-su-tu-nhung-tuong-dai-khong-vi-nhan-sinh-36325.html