Bài cuối: Để 'cách mạng' thành công
Tinh gọn bộ máy trong giai đoạn mới được xác định là một cuộc 'cách mạng', là một trong những yêu cầu cấp thiết để đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; với tinh thần đoàn kết, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, nhiều cán bộ, Đảng viên đã tự nguyện hy sinh lợi ích cá nhân để 'cách mạng' tinh gọn bộ máy đi đến thành công.
Tiên phong hy sinh lợi ích cá nhân
Với phương châm “Trung ương làm trước, địa phương làm sau, Trung ương không đợi tỉnh, tỉnh không đợi huyện, huyện không đợi xã, với sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, quyết liệt từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã và đang tạo ra “sức nóng” mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội. Nhận thức rõ điều đó, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng, đề xuất phương án tinh gọn tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn.
Theo Dự thảo Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa sẽ sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Thị Mười là cán bộ đầu tiên của tỉnh tiên phong xin nghỉ hưu trước tuổi, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung trong công cuộc tinh gọn bộ máy; bà Mười chia sẻ: “Tôi rất tán thành với chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, việc tinh gọn bộ máy là cần thiết và cấp thiết. Tuy nhiên, đây là việc làm khó vì động chạm đến yếu tố con người sẽ không tránh khỏi những trở lực rất lớn. Bản thân là cán bộ tuyên giáo, cũng từng kinh qua nhiều vị trí, từng là người đứng đầu nên tôi càng thấu hiểu nên sẵn sàng xin nghỉ với mong muốn duy nhất là cuộc cách mạng của Đảng ta đi đến thành công”.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 40 cán bộ tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Trong hơn 40 người đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có 27 người, nhiều trường hợp còn 5 năm, thậm chí 10 năm trong tuổi công tác nhưng vẫn tình nguyện nghỉ. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lang Chánh Lê Văn Luyến chia sẻ: tôi đã công tác được 34 năm, mặc dù còn 5 năm công tác nhưng tôi tình nguyện xin nghỉ hưu sớm để thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương sáp nhập Ban Dân vận với Ban Tuyên giáo Huyện ủy và cũng để tạo điều kiện cho các thế hệ kế cận có cơ hội phấn đấu, chung sức thực hiện nhiệm vụ xây dựng quê hương.
Bảo đảm quyền lợi cho cán bộ
Để bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31.12.2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên chia sẻ: chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, Đảng viên, đặc biệt là những người đang nắm giữ chức vụ trong hệ thống chính trị tỉnh đã dũng cảm hy sinh lợi ích cá nhân vì nhiệm vụ chung; ông Nguyên gợi nhớ lại bài học kinh nghiệm từ những ngày đầu khi thực hiện Nghị quyết số 18, tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng tuyên truyền sâu rộng, cụ thể, tạo đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy. Cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cho cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố. Qua đó, khuyến khích các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc ngay, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.
Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên, việc Chính phủ ban hành sớm Nghị định số 178/2024/NĐ-CP thể hiện sự trân trọng và ghi nhận công lao đóng góp của các cán bộ, công chức trong suốt quá trình công tác, đặc biệt là những người có thời gian công tác dài nhưng lại nghỉ hưu trước tuổi. Chính sách này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ tinh gọn bộ máy.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh, để cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy trong cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đi đến thành công, việc sắp xếp, bố trí cán bộ, nhất là người đứng đầu ở những đơn vị sáp nhập phải thực sự công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, tuyệt đối không để tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ. Cùng với đó, cán bộ được sắp xếp, bố trí công tác phải chấp hành sự phân công của Đảng, vì sự phát triển chung của ngành, cơ quan, đơn vị.
Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền sâu rộng, cụ thể, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao hơn nữa trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh bám sát, cập nhật định hướng của Trung ương để khẩn trương hoàn thiện các đề án, phương án sắp xếp các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo xây dựng đề án sáp nhập, hợp nhất, giải thể, tổ chức lại các phòng, ban chuyên môn cấp huyện theo định hướng của Trung ương và của tỉnh.
“Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải khẩn trương theo tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng. Quá trình thực hiện, cần theo dõi sát sao, biểu dương những đơn vị, địa phương có cách làm tốt, kịp thời chấn chỉnh những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm các nội dung theo yêu cầu của Trung ương, của tỉnh được triển khai đúng kế hoạch, tiến độ đề ra”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh.
Bài 1: Giảm sự “cồng kềnh” của bộ máy
13/01/2025 06:31
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-de-cach-mang-thanh-cong-post401959.html