Bài 4: Đưa hợp tác vào chiều sâu, chủ động ứng phó thách thức (Tiếp theo và hết)

Tuyến biên giới Tây Nam đóng vai trò trọng điểm, sôi động trong các hoạt động phối hợp, hợp tác, có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế, xã hội giữa Việt Nam-Campuchia. Địa bàn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về các loại tội phạm, ma túy, buôn lậu, các đối tượng chống phá gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, vấn đề vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, đưa công tác phối hợp, hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa các LLVT bảo vệ biên giới, nhân dân hai bên bằng các hình thức, phương thức phù hợp với tình hình mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Đồng bộ, kiên trì thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”

Tuyến biên giới Tây Nam rất dài, địa hình thức tạp, các hoạt động giao thương cửa khẩu sôi động. Thời gian qua, BĐBP các tỉnh ở tuyến biên giới Tây Nam đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ biên giới, phòng, chống tội phạm, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.

Biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh dài 240km, ở nhiều thời điểm trở thành điểm nóng về ma túy, buôn lậu, an ninh trật tự, xuất nhập cảnh trái phép... Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Tây Ninh cho biết: BĐBP Tây Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chủ động, kiên trì kiểm soát biên giới PCD Covid-19 với tinh thần "Chống dịch như chống giặc”. BĐBP tỉnh đã thiết lập 107 chốt PCD trực 24/24 giờ trên tuyến biên giới từ đầu năm 2020 đến nay. Để có đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCD, bên cạnh sự hỗ trợ, cấp phát từ các cơ quan cấp trên, BĐBP còn được hỗ trợ từ nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh. Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã tăng cường lực lượng lên các chốt PCD, giúp BĐBP tỉnh Tây Ninh triển khai PCD và đấu tranh với các loại tội phạm, buôn lậu.

Đại tá Bùi Minh Soái, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bình Phước cho rằng: Bên cạnh thực hiện tốt trách nhiệm, nhiệm vụ của mỗi bên, BĐBP tỉnh Bình Phước luôn giữ gìn, góp phần vun đắp tình cảm truyền thống giữa lực lượng bảo vệ biên giới, nhân dân hai bên, giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Hoàng gia Campuchia, giữa hai Nhà nước. Đặc biệt là giữ gìn những di tích lịch sử ghi đậm truyền thống hữu nghị, giúp đỡ chí tình giữa Việt Nam và Campuchia tại xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Hằng năm, BĐBP tỉnh cùng các đơn vị phối hợp và địa phương tổ chức bảo đảm an ninh, an toàn, phục vụ cho lễ kỷ niệm được diễn ra trang trọng nhất, góp phần tuyên truyền giá trị lịch sử tốt đẹp, tô đậm truyền thống giữa hai nước.

Nhờ mối quan hệ chặt chẽ, nghĩa tình được xây dựng nhiều năm qua nên trong giai đoạn dịch Covid-19 dù hạn chế gặp gỡ trực tiếp, hội đàm, nhưng BĐBP các tỉnh dọc biên giới Tây Nam với phía bạn phối hợp PCD rất hiệu quả. Thông qua duy trì kênh liên lạc qua bộ đàm, điện thoại, đường dây nóng, hai bên thống nhất, chủ động tăng cường, duy trì các tổ chốt trên biên giới để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở. Phát hiện trường hợp có nguy cơ là phối hợp tập trung cách ly ngay.

 Bộ đội Việt Nam và LLVT Campuchia phối hợp diễn tập cứu hộ, cứu nạn tại huyện Chanthrea, tỉnh Svay Rieng (Campuchia).

Bộ đội Việt Nam và LLVT Campuchia phối hợp diễn tập cứu hộ, cứu nạn tại huyện Chanthrea, tỉnh Svay Rieng (Campuchia).

Vun đắp tình hữu nghị, tạo sự tin cậy từ cơ sở

Theo Thượng tá Vi Trung Kiên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Kà Tum (BĐBP tỉnh Tây Ninh), dịch Covid-19 đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Cụ thể như, PCD Covid-19 trong trạng thái bình thường mới phải tuân thủ chấp hành quy định của chính phủ hai bên, đồng thời phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, tránh gây ùn tắc, phiền hà cho các doanh nghiệp. Các vấn đề trao đổi thông qua điện thoại, đường dây nóng giữa đồn với các lực lượng phía bạn được duy trì thường xuyên, đảm bảo lợi ích hai bên. Phía mình PCD tốt và ngược lại ở phía bạn cũng làm tốt đều giúp ngăn chặn dịch lây lan. Hai bên cần luôn nắm chắc, bám sát tình hình biên giới và tăng cường trao đổi, thực hiện đúng quy chế phối hợp; tổ chức các đợt tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn hiểu biết về dịch bệnh để phòng, chống hiệu quả; chấp hành nghiêm quy định chính phủ, pháp luật nhà nước...

Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Quốc tế Hà Tiên (BĐBP tỉnh Kiên Giang) quản lý 14,1km đường biên giới trên bộ và 26km đường biên giới trên biển. Đây là địa bàn cuối cùng của tuyến biên giới Tây Nam trên bộ. Từ đầu năm 2020 đến nay, đồn đã cùng lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia tuần tra chung 1 lần và hơn 50 lần trao đổi thông tin qua điện thoại. Trung tá Phạm Quốc Tuấn, Chính trị viên Đồn BPCK quốc tế Hà Tiên cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCD Covid-19, Đảng ủy, chỉ huy đồn xác định các phương hướng, hình thức hoạt động sát với đặc thù địa bàn biên giới. Cán bộ, chiến sĩ luôn sống trong tình dân, dựa vào nhân dân nơi biên giới để nắm bắt tình hình, tuyên truyền PCD và phòng, chống tội phạm, các chủ trương, chính sách pháp luật về biên giới... Đặc biệt, công tác đối ngoại biên phòng luôn gắn chặt với đối ngoại nhân dân, tạo nên mối quan hệ rất chặt chẽ, thân tình với các LLVT và nhân dân nước bạn.

Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang cho rằng, mối quan hệ giữa tỉnh An Giang với hai tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia) ngày càng chặt chẽ từ việc tăng cường kết nghĩa giữa các cụm dân cư, các đồn-trạm biên giới. Do đó cần tăng cường, phát huy hơn nữa mô hình giao lưu, kết nghĩa giữa các lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân hai bên biên giới. Sự tin cậy, hiểu biết càng được tăng cường thì mọi vấn đề nảy sinh trên biên giới cũng như thực hiện các quy định, trách nhiệm mỗi bên cũng sẽ thông suốt, hiệu quả.

Đưa phối hợp vào chiều sâu, phù hợp tình hình mới

Từ cuối năm 2019 đến nay, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và nhiều thách thức an ninh phi truyền thống khác, nhưng Bộ tư lệnh BĐBP, Bộ tư lệnh Quân khu 7, Bộ tư lệnh Quân khu 9 và LLVT, các đơn vị, địa phương trên tuyến biên giới Tây Nam đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp, hợp tác với phía bạn Campuchia, thể hiện sinh động qua các kết quả tích cực, như: Diễn tập cứu hộ, cứu nạn; nâng cấp cặp cửa khẩu phụ Tân Nam, cửa khẩu chính Khánh Bình (tỉnh An Giang, Việt Nam) và Chrey Thom (huyện Koh Thum, tỉnh Kandal, Campuchia), khánh thành chợ kiểu mẫu biên giới, tại xã Đa, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia...; bàn giao bộ bản đồ địa hình biên giới tỷ lệ 1/25.000 giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia; phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động phục vụ tổ chức Lễ kỷ niệm 43 năm “Con đường cứu nước của Thủ tướng Hun Sen” tại khu vực X16, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; hỗ trợ, trao tặng lực lượng bảo vệ biên giới, quản lý cửa khẩu của Campuchia vật tư, trang bị PCD Covid-19 trị giá khoảng 3,3 tỷ đồng...

Đại tá Bùi Minh Soái, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Tây Ninh chia sẻ: Làm sâu sắc thêm quan hệ giữa LLVT và nhân dân hai bên biên giới, cụ thể ở từng địa bàn bằng việc tổ chức tốt, chu đáo các chương trình giao lưu, sơ kết, kết nghĩa, giúp đỡ nhau, hợp tác đi vào chiều sâu. Chẳng hạn như hiện nay, BĐBP tỉnh Bình Phước đang phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh BĐBP nỗ lực chuẩn bị cho công tác tổ chức chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ nhất, dự kiến sắp tới sẽ được tổ chức tại tỉnh Bình Phước, với các hoạt động: Lễ đón bộ trưởng, lễ chào cột mốc, lễ chứng kiến thực hành và tuần tra chung, trồng cây lưu niệm giữa hai đoàn Việt Nam và Campuchia, tham quan diễn tập phòng, chống dịch bệnh xuyên biên giới, khánh thành nhà trạm xá quân dân y hữu nghị tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, sơ kết chương trình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới...

Nhằm tăng cường các hoạt động phối hợp trong tình hình mới, vào ngày 28 và 29-10 vừa qua, tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), Bộ tư lệnh BĐBP Việt Nam đã hội đàm riêng với từng lực lượng: Bộ tư lệnh Hiến binh, Bộ tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia, Tổng cục Công an Quốc gia và Tổng cục Di trú, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia. Tại các buổi hội đàm, các bên cùng trao đổi, đánh giá những tồn tại, thách thức hiện tại, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; cùng thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác, phối hợp trong đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, vượt biên trái phép, ngăn chặn và xử lý các đối tượng xấu chống phá, chia rẽ mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước, phòng chống phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ở khu vực biên giới hai nước; tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa LLVT và cụm dân cư, địa phương hai bên biên giới... Các cuộc hội đàm đã mở ra những giải pháp, định hướng rất cụ thể, tạo điều kiện cho lực lượng bảo vệ biên giới hai bên và nhân dân ở địa bàn biên giới Tây Nam tiếp tục làm sâu sắc hơn tình đoàn kết, phối hợp, hợp tác xây dựng biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN -NGUYỄN BÁ-HUY VÕ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai-quoc-phong/bai-4-dua-hop-tac-vao-chieu-sau-chu-dong-ung-pho-thach-thuc-tiep-theo-va-het-643396