Bài 3: Hướng đi để khai thác nguồn thủy điện bền vững, an toàn
Không thể phủ nhận rằng, trong quá trình hình thành và phát triển, nhiều thập kỷ qua, các thủy điện ở Việt Nam đã làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình, đóng góp rất nhiều cho phát triển nguồn năng lượng sạch và là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và sự xuống cấp theo thời gian tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đập, hồ chứa nước hay trước một số sự cố trong thời gian qua, để quản lý an toàn các đập thủy điện cũng như bảo đảm an toàn vận hành hồ chứa thực sự là một bài toán khó.
Quản lý an toàn thủy điện - góc nhìn từ các chuyên gia
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nước ta hiện nay, các loại nguồn điện hiện đang gặp một số thách thức, như: Các dự án khí điện chưa bảo đảm tiến độ, các dự án nhiệt điện than được khuyến nghị giảm bớt, các dự án điện từ năng lượng tái tạo hiện vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ dù được hỗ trợ phát triển, còn hai dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã dừng xây dựng... Do đó, để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước trong thời gian tới thì việc xem xét nghiên cứu tăng nguồn thủy điện của nước ta là hợp lý.
Tuy nhiên, các công trình thủy điện lớn (về công suất, cột nước, dung tích hồ chứa), có lẽ không cần bàn cãi: Việc xây dựng là cần thiết, lợi ích là rõ ràng, hiệu quả là vô cùng lớn đối với nền kinh tế. Theo ông Phạm Trọng Thực, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, thường thì các đập của nhà máy thủy điện được thiết kế và xây dựng với hệ số an toàn cao và có hệ số dự phòng lớn.
Ông Thực dẫn chứng, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được Liên Xô (trước đây) thiết kế, xây dựng với hệ số an toàn rất cao và hệ số dự phòng rất lớn: Thông số về khả năng chống lũ lớn lên tới 60.000 m3/giây, tức con lũ không bao giờ có. Thủy điện Hòa Bình có 18 cửa xả, bao gồm 6 cửa xả mặt và 12 cửa xả đáy. Năm 1996 xảy ra lũ lớn trên sông Đà thì Thủy điện Hòa Bình chỉ mở 7 cửa. Còn vào trận lũ tháng 10-2017, dù rất đột ngột nhưng Thủy điện Hòa Bình cũng chỉ mở 8 cửa và chỉ mở trong 1 ngày đêm rồi lại đóng lại ngay để trữ nước phục vụ tưới tiêu mà không có trục trặc gì.
"Điều này có nghĩa là hệ số dự phòng còn rất lớn", ông Thực lý giải và nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tiếp tục kiểm tra, thẩm định trong thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu, thiết kế, xây dựng, vận hành… các nhà máy thủy điện theo đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt nhấn mạnh đến hai chữ “quản lý” trong phát triển thủy điện thời gian tới, vị chuyên gia gắn bó cả đời mình với các công trình thủy điện Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ) – nêu rõ quan điểm, cần quản lý chặt chẽ, nhất là những thủy điện cỡ 100MW trở lên (thủy điện lớn). Theo ông, những thủy điện lớn đều có sự chỉ đạo trực tiếp của nhà nước, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan, thực hiện đúng quy trình. Nếu có vấn đề này, vấn đề kia thì đó là ở khâu quy trình; nếu làm mà không có quản lý, làm ẩu, không tuân thủ theo điều kiện, quy định thì tất nhiên sẽ có hậu quả, sẽ gây tác động lớn cho môi trường.
Vậy đối với các công trình thủy điện nhỏ thì thế nào? Theo các chuyên gia, các công trình thủy điện nhỏ thường xây dựng tại các khu vực miền núi, xa trung tâm, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, có nguy cơ sạt lở mạnh vào mùa mưa lũ, cho nên rất khó khăn và dễ gặp nhiều rủi ro khó lường trong quá trình thi công xây dựng, đặc biệt là mùa mưa lũ. Nhấn mạnh điều này, Tiến sĩ Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho rằng, cần phải hết sức chú ý và phải có các biện pháp an toàn cho người và công trình trong quá trình thi công; xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp khẩn cấp, nhất là phương án phòng chống lũ bão cần được tuân thủ nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an toàn các thủy điện trong mùa mưa bão.
Chuyên gia Thái Phụng Nê cũng nhấn mạnh đến chất lượng cũng như kịch bản ứng phó liên quan đến các sự cố đập, giảm nhẹ thiên tai cho cộng đồng: Đối các thủy điện nhỏ và vừa, nếu làm cho nghiêm túc thì cũng không có vấn đề gì cả. Việc quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa cần được xem xét kỹ. Bây giờ cũng không phải có nguồn thay thế khác nên đã làm thì làm cẩn thận, hiệu quả và có sự quản lý rất chặt chẽ.
“Hiện chúng ta đã phân cấp cho địa phương cấp phép, quản lý các thủy điện nhỏ dưới 30MW. Vấn đề là ở chỗ nó nhỏ nên việc thiết kế, xây dựng, vận hành có thể có chuyện lỏng lẻo. Cần xem lại vấn đề phân cấp này để quản lý, vận hành cho thật tốt”, chuyên gia về thủy điện nêu quan điểm.
Quản lý an toàn đập là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Bộ Công Thương
Với chức năng quản lý chung về thủy điện, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết Bộ đã có nhiều giải pháp bảo đảm an toàn các hồ, đập thủy điện, góp phần nâng cao hiệu quả chống lũ, giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho sản suất nông nghiệp và sinh hoạt, góp phần quan trọng trong hiệu quả phát điện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương với vai trò đầu mối, đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt với các mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể.
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, quản lý an toàn đập là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, luôn được Bộ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Theo đó, nhằm hạn chế những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, đặc biệt là giảm tối đa thiệt hại cho người dân, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quy định quản lý, khai thác, vận hành an toàn hồ đập thủy điện hiệu quả. Trong đó có việc phân cấp cho các địa phương thực hiện quy định vận hành liên hồ phù hợp với tình hình thực tế.
Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành và liên tục chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều biện pháp và giải pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai, đặc biệt là vận hành các nhà máy thủy điện. Đến đầu tháng 8-2020, Bộ cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, rà soát kế hoạch sản xuất, chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng chống lụt bão để bảo đảm vận hành an toàn nhà máy điện và hệ thống điện. Đặc biệt, thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ tình hình thủy văn, diễn biến mưa lũ và chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương ở vùng hạ du hồ chứa để cung cấp thông tin kịp thời, thực hiện tốt phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập. Định kỳ hằng tháng, Bộ Công Thương đều tổ chức họp rà soát, cập nhật kế hoạch vận hành hệ thống điện các tháng còn lại trong năm, nếu có bất kỳ tình huống nào ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện hoặc an toàn vận hành của các nhà máy thủy điện, Bộ Công Thương sẽ có các chỉ đạo kịp thời để xử lý và có biện pháp khắc phục.
Xác định thâm nhập thực tế để khảo sát, trước mùa mưa bão có ý nghĩa quan trọng, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai tại các địa bàn, các tỉnh xung yếu, từ đó Bộ đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo, kiểm tra bảo đảm an toàn cho các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong mùa mưa, lũ và thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, bảo đảm an toàn hạ du. Thông qua những đợt kiểm tra thực tế, đã nắm bắt kịp thời để xử lý và có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Việc khảo sát này thực tế không chỉ được tăng cường gần đây mà đã được Bộ quan tâm chú trọng ngay từ năm 2011. Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã cùng các tỉnh, địa phương rà soát hàng loạt dự án ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng nhiều đến xã hội và rừng. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đều đề nghị UBND các tỉnh tiến hành rà soát hằng năm, riêng năm 2013 đã có cuộc rà soát quy mô khi Bộ đã trực tiếp đến từng tỉnh để thực hiện rà soát. Mỗi năm, Bộ đều có báo cáo Quốc hội về tình hình các dự án thủy điện. Đến năm 2019 thì Quốc hội có Nghị quyết chấm dứt việc tiến hành rà soát các dự án này, nhưng phía Bộ vẫn đề nghị các tỉnh gửi báo cáo rà soát về các vấn đề liên quan đến đất đai hoặc công tác đầu tư.
“Trong quá trình rà soát, chúng tôi cũng có các cảnh báo về ảnh hưởng đến môi trường nước, mức độ chiếm đất rừng gửi đến các địa phương và kiến nghị các địa phương rà soát lại. Thời gian gần đây, những cảnh báo chủ yếu liên quan đến đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên. Riêng với đất rừng tự nhiên, từ năm 2016, chúng tôi đã khuyến cáo các tỉnh không đưa vào quy hoạch các dự án có “dính” đến đất rừng tự nhiên”, ông Đỗ Đức Quân nói.
Mặt khác, với rừng phòng hộ, phải có Nghị quyết của HĐND tỉnh đồng ý về chủ trương chuyển đổi rừng phòng hộ thì mới đưa vào quy hoạch nhưng số lượng này không nhiều. Kể cả là đất quy hoạch rừng phòng hộ, Bộ Công Thương cũng yêu cầu phải có Nghị quyết của HĐND mới tiến hành xem xét... Tất cả các yêu cầu mà Bộ Công Thương đưa ra đều là để hạn chế tối đa đất rừng, từ đất rừng sản xuất đến đất rừng phòng hộ, riêng đất rừng tự nhiên thì tuyệt đối không thực hiện chủ trương đầu tư!
Theo dõi chặt chẽ 11 hồ chứa có chức năng điều tiết lũ
Về vấn đề lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung thời gian vừa qua, liên quan đến việc điều tiết lũ của các dự án thủy điện, ông Tô Xuân Bảo, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương cho hay: Thời gian qua, trong phạm vi quản lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt việc bảo đảm an toàn hồ chứa. Thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy, Bộ Công Thương đã ban hành một loạt văn bản tập trung vào vấn đề đánh giá, và yêu cầu các chủ đầu tư bảo đảm các vấn đề về an toàn hồ chứa.
Đối với việc thực hiện Nghị định 114 về bảo đảm an toàn hồ chứa, thời gian vừa qua, qua việc kiểm tra, cũng như qua việc Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương trên địa bàn tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, các báo cáo cho thấy, các hồ thủy điện đang vận hành trong phạm vi cả nước đều bảo đảm an toàn theo quy định. “Qua kiểm tra của Bộ Công Thương, đến nay đã có 100% các chủ hồ đập thủy điện đăng ký an toàn đập; 100% chủ hồ báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy điện đúng quy định và xây dựng, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, được cơ quan có thẩm quyền hoặc tự phê duyệt theo quy định...”, ông Tô Xuân Bảo cho biết.
Câu chuyện xả lũ mỗi mùa mưa bão cũng được đại diện Bộ Công Thương nhắc đến. Phân tích thêm về vấn đề này, ông Tô Xuân Bảo thông tin, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thủy điện có chức năng tham gia hoạt động điều tiết lũ.
“Ở Việt Nam hiện có 11 hồ chứa có chức năng điều tiết lũ. Các hồ chứa này sẽ có trách nhiệm phải duy trì lượng nước nhất định để bảo đảm phòng lũ. Nguyên tắc là, khi có lũ, các thủy điện phải báo cáo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh để xin phép lệnh điều hành xả lũ nhằm duy trì mực nước đón lũ. Từ đó, nếu lũ về sẽ làm chậm, giảm lượng nước về phía hạ du. Đồng thời, khi xả lũ, các hồ thủy điện đều phải có cảnh báo cho các khu dân cư ở hạ du, phối hợp chặt với chính quyền địa phương trong việc thông báo để hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân. Riêng các thủy điện nhỏ thường không có dung tích phòng lũ nên khi lũ từ thượng nguồn về, lũ sẽ tràn qua đập tràn về phía hạ du”, ông Tô Xuân Bảo nói.
Trong các đợt lũ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đều ban hành công điện chỉ đạo điều hành các hồ chứa triển khai các giải pháp ứng phó mùa lũ, vận hành đúng quy trình được phê duyệt, bảo đảm an toàn hạ du. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của Bộ Công Thương hằng ngày cũng kết nối với cơ sở dữ liệu các hồ chứa để thường xuyên theo dõi nguồn nước, mực nước về hồ nhằm có điều hành cụ thể và báo cáo thông tin kịp thời cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Có thể nói, nhờ sát sao trong quản lý, rà soát, thẩm định, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định: Về cơ bản, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện ngày càng được thực hiện một cách đồng bộ, tuân thủ quy định của pháp luật, đạt được những kết quả tích cực.
Mặt khác, trong quá trình vận hành, các nhà máy thủy điện đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các địa phương thực hiện tốt đồng thời nhiệm vụ phát điện và nhiệm vụ cấp nước cho hạ du mùa khô, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện. Việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành của chủ đầu tư về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa, trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ môi trường, nhìn chung đã được thực hiện khá nghiêm túc....
Để công tác quản lý an toàn hồ đập thủy điện hiệu quả trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến vùng hạ du, bản đồ ngập lụt…để làm cơ sở triển khai trong thực tế. Qua những vụ việc gần đây liên quan đến thủy điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ngành địa phương chỉ đạo rà soát, đặc biệt là các phương án ứng phó thiên tai để bảo đảm chủ động lường trước được tình huống có thể xảy ra.
Các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du… hầu hết đã được rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch theo các nội dung yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ về phát triển thủy điện một cách bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Do vậy, để tiếp tục thực hiện tốt các nội dung yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ về phát triển thủy điện một cách bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, bảo đảm hiệu quả đầu tư, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh liên tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, các công trình thủy điện đang vận hành khai thác, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học. Đặc biệt, kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân; nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch; tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ quy hoạch thủy điện trong tổng thể quy hoạch phân ngành năng lượng.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát quỹ đất dành cho việc xây dựng thủy điện bảo đảm bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn lưu vực sông của các công trình thủy điện. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng hạ tầng kỹ thuật công trình thủy điện để chặt, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép....
(còn nữa)