Bài 1: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu chu kỳ phát triển mới

Nếu những năm 2018 - 2023 là chu kì phát triển đầu tiên của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có tăng, có giảm thì từ năm 2024, thị trường sẽ phát triển bền vững hơn, tiếp tục là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng.

“Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”

Báo cáo Thị trường trái phiếu tháng 5 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, tính từ ngày 1/5 đến 22/5/2024, tổng giá trị TPDN phát hành thành công ước đạt hơn 10,7 nghìn tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 57,1 nghìn tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này cho thấy thị trường đang “ấm” dần lên, nếu so với sự “đóng băng” của thị trường trong năm 2023.

Áp lực trái phiếu trả chậm dự báo sẽ giảm đáng kể từ quý IV/2024. Nguồn: VIS Rating

Áp lực trái phiếu trả chậm dự báo sẽ giảm đáng kể từ quý IV/2024. Nguồn: VIS Rating

Lũy kế từ đầu năm, Bất động sản vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 25,3 nghìn tỷ đồng, (tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái) chiếm tỷ trọng 44% tổng giá trị phát hành TPDN, lãi suất bình quân gia quyền là 12.3%/năm, kỳ hạn bình quân 2.4 năm.

Bên cạnh nhóm ngành Bất động sản vẫn chiếm ưu thế, các ngân hàng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu, với tổng giá trị phát hành đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35%. Cùng kỳ năm 2023, giá trị phát các Ngân hàng là 400 tỷ đồng. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng vẫn là 5,3%/năm, kỳ hạn bình quân là 4,8 năm.

Theo ông Trần Lê Minh – Giám đốc điều hành VIS Rating, rủi ro trên thị trường TPDN đã đạt đỉnh và bắt đầu giảm dần, mở ra một chu kỳ phát triển mới, an toàn hơn, lành mạnh hơn. Tổng quy mô lưu hành dần ổn định nhờ lượng phát hành mới hồi phục. Trong năm 2022 và 2023, giá trị phát hành mới thấp hơn đáo hạn và mua lại, nhưng mức độ sụt giảm này đang thu hẹp trong năm 2024, giúp quy mô thị trường dần ổn định trở lại.

Bên cạnh sự phục hồi về quy mô, giá trị TPDN chậm trả theo từng tháng đang có xu hướng giảm dần trong những tháng đầu năm 2024. Ông Minh cho rằng, biện pháp kéo giãn thời gian trả nợ thêm 2 năm theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tiền trả nợ đối với trái phiếu đến hạn phải thanh toán được xem là một bước ngoặt quan trọng, ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu.

“Áp lực rủi ro với trái phiếu không còn căng thẳng như thời điểm năm 2022 và năm 2023. Vì thế, có thể nói, thị trường trái phiếu chuyển sang sang cái giai đoạn mới”, ông Minh cho biết.

Củng cố vai trò là kênh huy động vốn dài hạn

Ông Minh cho biết, TPDN năm 2023 chiếm khoảng 15% trong cơ cấu các nguồn huy động vốn nội địa tại thị trường Việt Nam. Tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với thời điểm phát triển nóng của thị trường TPDN năm 2021 (30%), tuy nhiên đã có khởi sắc so với năm 2022 (12%). Con số này được kỳ vọng tiếp tục cải thiện trong năm 2024, sau những tăng trưởng tích cực đầu năm.

“Thị trường tiếp tục duy trì đà phục hồi và đi lên. Kênh đầu tư TPDN vẫn tồn tại và đang phát triển. Xu hướng phát triển còn dài hơn nữa”, ông Minh khẳng định.

TPDN chiếm khoảng 15% trong cơ cấu các nguồn huy động vốn nội địa tại thị trường Việt Nam năm 2013. Nguồn: VIS Rating

TPDN chiếm khoảng 15% trong cơ cấu các nguồn huy động vốn nội địa tại thị trường Việt Nam năm 2013. Nguồn: VIS Rating

Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, tỷ lệ trái phiếu chậm trả phát sinh mới giảm dần là một trong những động lực chính giúp thị trường TPDN năm 2024 khởi động thành công cho chu kỳ phát triển mới.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ và kích cầu kinh tế sẽ phát huy hiệu quả. Việc thực thi các quy định chặt chẽ hơn sẽ giúp thị trường TPDN tăng tính kỷ luật hơn. Nhà phát hành sẽ phải công bố thông tin minh bạch hơn.

Qua đó, thị trường TPDN tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn đối với doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp bảo đàm hài hòa nguồn vốn, giảm sự phụ thuộc vốn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.

Theo đại diện VIS Rating, với sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt đã thể hiện trong mục tiêu phát triển thị trường tài chính từ nay đến năm 2030, kỳ vọng thị trường TPDN sẽ có những bước phát triển mới trong một chu kỳ mới. Vì vậy, nếu có thể tạm gọi từ năm 2018 đến năm 2023 là chu kì phát triển đầu tiên của thị trường có tăng, có giảm thì từ năm 2024 trở đi, thị trường sẽ phát triển bền vững hơn.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Định Trọng Thịnh cho rằng, thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện. Vì vậy, thời gian tới, thị trường trái phiếu sẽ sôi động hơn. Doanh nghiệp đã dần quen với việc thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (được triển khai đầy đủ từ đầu năm nay sau một thời gian giãn, hoãn).

Dù doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu có thể gặp khó khăn song việc thực hiện Nghị định này về lâu dài sẽ giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển hiệu quả, an toàn, ổn định và bền vững.

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-1-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-bat-dau-chu-ky-phat-trien-moi.html