Bác sĩ hé lộ việc điều trị những ca trầm cảm kéo dài

Nhiều năm công tác, tiếp xúc với không biết bao ca bệnh nhưng trước những ca trầm cảm kéo dài, bác sĩ Thu Hà vẫn không khỏi thương cảm, trong đó có trường hợp bệnh nhân X. Từ khi còn là sinh viên năm thứ hai, X. đã có dấu hiệu trầm cảm.

 Những vết rạch tự làm đau bản thân của một bệnh nhân 13 tuổi

Những vết rạch tự làm đau bản thân của một bệnh nhân 13 tuổi

Mỗi ngày, TS. BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng Phòng điều trị nghiện chất (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia), đón ít nhất 10 người bệnh đến với phòng điều trị nghiện chất. Có ngày, con số này lên đến 15-20 bệnh nhân ngoại trú, chưa tính số người bệnh nội trú. Điều đau lòng là có bệnh nhân chưa đến 10 tuổi, chủ yếu là trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý, trầm cảm

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà đã chia sẻ về một trường hợp bệnh nhân để lại nhiều đau xót với chị. Từ lúc 3 tuổi, bố mẹ của N. đã ly hôn. Em ở với bố. Một thời gian sau, người bố đi bước nữa. Ở với mẹ kế, những vướng mắc trong cuộc sống khiến cô bé bị trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ rồi tự gây thương tích cho chính mình. Mỗi lần làm đau bản thân, cô bé lại cảm thấy thoải mái, đỡ căng thẳng hơn.

"Hành vi làm đau bản thân xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng nhiều nhất là tầm 15-16 tuổi. Ở lứa tuổi lớn hơn một chút, các em có thể có những hành vi nguy hiểm hơn như tự sát. Thường xuyên trong tình trạng tâm lý tiêu cực như cáu bẳn, gây mâu thuẫn trong gia đình, công việc nên bản thân người đó thường bị cô độc", bác sĩ Thu Hà cho biết.

BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng Phòng điều trị nghiện chất (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia)

BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng Phòng điều trị nghiện chất (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia)

Nhiều năm công tác, tiếp xúc với không biết bao ca bệnh nhưng trước những ca trầm cảm kéo dài, bác sĩ Thu Hà vẫn không khỏi thương cảm, trong đó có trường hợp bệnh nhân X. Từ khi còn là sinh viên năm thứ hai, X. đã có dấu hiệu trầm cảm. Những năm sau đó, mặc dù bị tái phát nhiều lần nhưng X. vẫn kiên trì điều trị cho đến khi tốt nghiệp đại học rồi học lên thạc sĩ. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình rồi có con, áp lực từ nhiều phía khiến bệnh trầm cảm của X. tái phát nhưng anh chủ quan không đến bệnh viện khám mà tự điều trị, tự uống thuốc. Phải đến khi có dấu hiệu nặng hơn, X. mới đến gặp bác sĩ.

"X. chia sẻ, do sắp bị đuổi việc, vợ thì suốt ngày ca thán, bản thân biết mình bị trầm cảm liên quan đến vấn đề tâm lý, cậu đã cố điều chỉnh nhưng không thể. X. lại vật vã uống thuốc trong 4-5 tháng với hy vọng có thể ổn định lại. Nếu người vợ biết tiền sử bệnh của chồng mình và để ý, quan tâm hơn thì X. đã được phát hiện và điều trị sớm, không để tình trạng bệnh kéo dài, ảnh hưởng không chỉ đến bản thân người bệnh mà còn cả những đứa con của X.", bác sĩ Thu Hà chia sẻ.

Bên cạnh trường hợp mắc tâm bệnh, những ca bệnh nhi đến với phòng điều trị nghiện chất cũng để lại nhiều trăn trở với Trưởng Phòng điều trị nghiện chất-Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia. "Chúng tôi từng tiếp nhận trường hợp bị nghiện từ khi học cấp 2. Do lạm dụng chất gây nghiện nên bệnh nhân này bị rối loạn tâm thần. Bệnh nhân đã được chỉ định điều trị bằng thuốc cho đến khi tốt nghiệp đại học. Sau đó một thời gian, người mẹ đã đến hỏi bác sĩ có thể bỏ dùng thuốc điều trị được không. Mặc dù bác sĩ đã khuyên không được bỏ thuốc nhưng bệnh nhân vẫn dừng uống thuốc. Điều vô cùng đáng tiếc là sau một thời gian, bệnh nhân này đã tự sát", bác sĩ Thu Hà chia sẻ.

Còn nhiều lắm những câu chuyện của những người mang trong mình căn bệnh tâm thần dai dẳng ấy. Họ lúc vui vẻ, lúc chán chường, "mất kết nối" với thế giới và họ rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của người thân, của bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Bởi thế, bác sĩ Thu Hà và những đồng nghiệp đã và đang nỗ lực gieo hy vọng, tạo niềm tin về một cuộc sống bình thường cho những người bệnh.

Hoàng Duy - Ảnh: Đặng Xuân Thắng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bac-si-he-lo-viec-dieu-tri-nhung-ca-tram-cam-keo-dai-20240521145142057.htm