Bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 trở thành 'kỹ sư công nghệ'

'Lần đầu đi lấy mẫu, tôi thấy mọi người vất vả vì tờ danh sách nên quyết tâm viết ra một thuật toán để hạn chế sai sót, giảm thời gian làm việc', bác sĩ Dưỡng chia sẻ.

8h, bác sĩ Nguyễn Văn Dưỡng, Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Tiên Du (Bắc Ninh), có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 1 của tỉnh Bắc Ninh để tham gia, hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trong chiếc áo cộc tay trắng cũ kỹ, vóc dáng người đàn ông nhỏ bé, tóc cắt ngắn, gọn gàng như để sẵn sàng chiến đấu nơi tâm dịch, bước vội đến bàn máy tính.

Tiếng gõ phím vang lên từ đó đến lúc trời chuyển tối. Song song với ánh mắt chăm chú là gương mặt bừng sáng do phản chiếu từ ánh đèn xanh của màn hình máy tính.

Hình ảnh bác sĩ Dưỡng ngồi trước bàn máy tính từ sáng đến tối không còn lạ lẫm với các đồng nghiệp. Ảnh: Hoàng Hiệp.

2h đêm, âm thanh gõ phím cuối cùng vang lên lớn hơn bình thường. Bác sĩ Dưỡng không giấu nổi đôi mắt đã nheo lại vì mỏi nhưng vẫn rõ vẻ hào hứng. Anh biết tới đây, các đồng nghiệp của mình sẽ bớt vất vả hơn phần nào.

Thuật toán giúp giảm một nửa thời gian làm việc

Trước khi trực tiếp vào điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Dưỡng được giao nhiệm vụ hỗ trợ vòng ngoài, tham gia các đội lấy mẫu bệnh phẩm sàng lọc cho người dân.

"Trong vài ngày làm việc đầu tiên, tôi thấy mọi người gặp nhiều khó khăn. Danh sách lấy mẫu lộn xộn, mất 3-4 ngày, các nhân viên y tế vẫn chưa hoàn thiện được. Thừa, thiếu một người, thứ tự, thông tin đã khác", anh chia sẻ.

Từ suy nghĩ đó, bác sĩ Dưỡng quyết tâm viết ra một thuật toán để giúp các nhân viên y tế lấy mẫu hạn chế sai sót trong quá trình nhập liệu và thống kê.

"Khi làm, tôi luôn thiết kế theo đúng mẫu tiêu chuẩn do Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của tỉnh yêu cầu, từ đó tiết kiệm thời gian cho mọi người", bác sĩ này nói thêm.

Theo anh Dưỡng, thuật toán này có thể tự nhớ được các thông tin cần thiết. Ví dụ, tên, tuổi của người được lấy mẫu thường khác nhau. Tuy nhiên, khi lấy mẫu trong cộng đồng, thông tin về thôn, xóm, xã, huyện, thường giống nhau. Lúc này, người dùng chỉ cần gõ chữ cái ban đầu, thông tin đầy đủ sẽ hiện ra ngay.

Thuật toán của anh Dưỡng không phức tạp nhưng có tính ứng dụng cao. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Ngoài ra, việc gõ chữ in hoa thường tốn khá nhiều thời gian của người lấy mẫu. Với thuật toán của bác sĩ Dưỡng, người dùng có thể loại bỏ những thao tác đó, mẫu ra sẽ tự động viết hoa chữ cái đầu tiên.

"Khi nhập liệu thủ công trong phần mềm Excel, các nhân viên y tế sẽ phải sử dụng rất nhiều thao tác di chuyển như enter, sang ngang, xuống dưới, nhấp chuột... Tuy nhiên, trong bảng nhập liệu tôi thiết kế, các bạn đồng nghiệp chỉ cần ấn nút enter, trỏ chuột sẽ tự vòng tới bệnh nhân sau", bác sĩ Dưỡng giải thích.

Ngoài ra, sự lộn xộn còn đến từ việc nhiều nhân viên y tế gõ các mã số trong cùng thời điểm. Các mã số này nối tiếp nhau, yêu cầu các nhóm phải tự điều chỉnh. Bảng thống kê mới sẽ giải quyết vấn đề này với thao tác rất đơn giản.

Anh Dưỡng khằng định: "Với phương pháp nhập liệu mới, tôi tin rằng mọi người có thể giảm thời gian làm việc xuống còn một nửa".

Tìm cách để thay đổi

Theo bác sĩ này, anh đã có hứng thú với công nghệ thông tin từ lâu. Khi bén duyên với nghề y, anh vẫn không bỏ được sở thích.

"Ngày tôi mới tới khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa Tiên Du làm việc, thấy các anh, chị thường phải thống kê danh sách phẫu thuật, mỗi bác sĩ có số lượng và loại ca mổ khác nhau. Tôi nghĩ làm thủ công như vậy phức tạp. Thậm chí, nếu đếm sai một ca, người nhập liệu phải đếm lại từ đầu", anh Dưỡng chia sẻ.

Trước tình huống đó, bác sĩ này tự làm một bảng thống kê. Dù chưa từng được học bài bản, anh vẫn cố gắng xây dựng và hoàn thiện dần theo ý tưởng của mình.

Bác sĩ Dưỡng tự hào: "Bệnh viện đến giờ vẫn dùng bảng thống kê của tôi. Với thuật toán đó, nhập liệu xong đồng nghĩa với việc hoàn thành thống kê. Người dùng chỉ cần ấn thêm một nút để in và gần như không có sai sót".

Trong dịch bệnh lần này, khi cùng các nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm hay điều trị bệnh nhân Covid-19, anh Dưỡng đều suy nghĩ, tạo ra thuật toán thống kê ở đó.

Bác sĩ Dưỡng tin rằng đóng góp của mình sẽ giúp ích phần nào cho anh và các đồng nghiệp trong trận chiến với đại dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Hiệp.

"Ngày mới vào điều trị bệnh nhân, tôi thấy số lượng người mắc Covid-19 rất lớn. Hàng ngày, họ đều được lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân đã có số lần lấy mẫu khác nhau, việc lọc thủ công rất khó khăn. Do đó, với bảng thống kê mới, mỗi ngày, bác sĩ chỉ cần thao tác đơn giản để bảng tự động lọc những người cần lấy mẫu vào một danh sách", bác sĩ Dưỡng giải thích.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Việt An, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tiên Du, cho biết sáng kiến này của bác sĩ Dưỡng đã được ứng dụng trong thực tế rất có hiệu quả tại cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bắc Ninh.

"Với 2 sản phẩm gồm quản lý, theo dõi người bệnh điều trị nội trú và nhập liệu trong công tác lấy mẫu ở cộng đồng, các nhân viên y tế giờ đây có thể nhập liệu nhanh hơn, từ đó giảm thời gian làm việc chung, đồng thời quản lý người bệnh tốt", ông An chia sẻ.

Hoàng Hiệp - Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-si-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-tro-thanh-ky-su-cong-nghe-post1222528.html