Bạc Liêu áp dụng công nghệ hiện đại để nâng chất lượng tôm xuất khẩu
Năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đề ra chỉ tiêu xuất khẩu tôm đạt 1 tỉ USD. Tỉnh đã đầu tư việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi và chế biến tôm, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường...
Bạc Liêu là một trong những tỉnh xuất khẩu tôm hàng đầu cả nước, có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của quốc gia. Điều thuận lợi là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của cụm sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ tôm.
Bạc Liêu được đánh giá có vai trò, đóng góp khá lớn trong nhiều khâu “chuỗi cung ứng tôm” của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, với nhu cầu thị trường được mở rộng, các doanh nghiệp thủy sản của tỉnh quyết tâm đạt chỉ tiêu xuất khẩu 1 tỉ USD từ mặt hàng chiến lược này.
Để đạt được mục tiêu trên, Bạc Liêu đã huy hoạch xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích diện tích 27.200ha. Đây là mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội, tỷ lệ thành cao, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và rút ngắn thời gian thu hoạch.
Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bạc Liêu, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 30 công ty, doanh nghiệp tư nhân nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trúc Anh; Công ty TNHH một thành viên Long Mạnh (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình); Công ty TNHH Huy Long An - Bạc Liêu (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình)...
Bạc Liêu còn có hơn 600 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh với gần 5.000ha, tập trung chủ yếu tại các vùng ven biển thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, sản lượng thu hoạch bình quân mỗi năm đạt từ 48.000 - 50.000 tấn tôm nguyên liệu, chủ yếu là tôm thẻ và tôm sú.
Trước nhu cầu thị trường ngày càng mở rộng, việc đảm bảo sản lượng nguồn tôm để xuất khẩu là điều kiện cần, song song với điều kiện đủ là nâng cao giá trị con tôm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu, khâu chế biến thương phẩm là một công đoạn không kém phần quan trọng. Hiện Bạc Liêu có gần 50 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Nếu như những năm trước, phần lớn doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất khẩu tôm đông lạnh và chủ yếu là xuất thô mang lại giá trị không cao, thì năm 2023 này nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã mạnh dạn tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods-F89 (phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai) cho biết: “Để xây dựng uy tín, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khai thác tối đa những thuận lợi do các hiệp định thương mại tự do mang lại, công ty đã chủ động nghiên cứu thay đổi mẫu mã, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường; mạnh dạn đầu tư, đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất mới ứng dụng công nghệ hiện đại ở tất cả các khâu sản xuất; tự động hóa khâu phân loại kích cỡ, chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Cùng với đó, công ty cũng đẩy mạnh chuỗi liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu cho biết: “So với các năm trước, xuất khẩu thủy sản năm 2023 có nhiều thuận lợi hơn. Đó là nguồn nguyên liệu dồi dào do thời tiết thuận lợi, cùng với đó là diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, cho sản lượng lớn tiếp tục được mở rộng. Mặt khác, cùng với việc nhiều nhà máy chế biến thủy sản được đầu tư nâng cao công suất, một số nhà máy được xây dựng mới với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại".
Cũng theo ông Sáu, để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm phát triển ngành tôm của cả nước, địa phương này đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm chế biến, cung cấp kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ cũng như các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết mà chủ động trong sản xuất. Tỉnh cũng tăng cường xúc tiến thương mại; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do (EVFTA) để tận dụng các cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường mới.
Có thể khẳng định, phát triển kinh tế phải ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm. Trong vòng xoay phát triển của thị trường, ngành xuất khẩu tôm Bạc Liêu năm 2023 đang đứng trước nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 1 tỉ USD. Việc các công ty, doanh nghiệp chủ động đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất là tín hiệu cho thấy sự thay đổi tư duy trong định hướng phát triển kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả cao.