Bắc Kạn: Đề nghị xem xét, nâng mức kinh phí hỗ trợ khuyến công
Để hoạt động khuyến công triển khai thuận lợi khả thi, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nâng mức kinh phí hỗ trợ khuyến công như nội dung đề án 'mô hình trình diễn', 'hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị'.
Phát huy tốt vai trò “vốn mồi”
Ông Nguyễn Tiến Cương- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết, trong những năm qua được sự quan tâm của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được những kết quả tích cực, kịp thời động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiêu thụ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bắc Kạn chủ yếu khai thác đề án khuyến công hỗ trợ sản xuất các sản phẩm mà tỉnh có lợi thế về vùng nguyên liệu, đặc biệt là chế biến nông, lâm sản. Thông qua các chương trình, đề án khuyến công đã góp phần hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), nâng cao năng lực hoạt động, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Cụ thể, với nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 hỗ trợ cho Hợp tác xã Nông lâm tổng hợp Địa Linh là 50 triệu đồng, đơn vị đã đầu tư máy móc thiết bị trong chế biến trà bí xanh thơm (Bí xanh thơm là cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể được trồng chủ yếu ở các xã Yến Dương, Địa Linh diện tích gần 200 ha, sản lượng gần 6.500 tấn quả) với tổng kinh phí đầu tư 132,6 triệu đồng. Máy móc Hợp tác xã đầu tư gồm có: Máy sấy nhiệt, công suất 300kg/20giờ; Máy cắt khúc rau củ quả, công suất 300kg/giờ.
Máy móc đi vào hoạt động đã giúp Hợp tác xã Nông lâm tổng hợp Địa Linh tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, ngoài ra hàng năm với việc bao tiêu nguồn nguyên liệu bí xanh tươi để sản xuất trà bí xanh thơm cho các hộ dân liên kết trên địa bàn xã sẽ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Có thể thấy “Nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công đã phát huy tốt vai trò “vốn mồi” góp phần khuyến khích các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất xây dựng thương hiệu”, ông Cương khẳng định.
Nghiệm thu cơ sở Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến nông sản và thực phẩm” thuộc kế hoạch khuyến công địa phương năm 2023 tại xưởng sản xuất trà bí xanh thơm của Hợp tác xã Nông lâm tổng hợp Địa Linh
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi thì hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn một số khó khăn, vướng mắc, như cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đa số có quy mô nhỏ, khó khăn về nguồn vốn, năng lực quản trị, tài chính còn hạn chế nên phần nào đó ảnh hưởng đến tính khả thi của đề án khuyến công triển khai trong thực tế (ít cơ sở đủ điều kiện nhận hỗ trợ khuyến công; phải điều chỉnh kế hoạch khuyến công do cơ sở CNNT không triển khai đầu tư…)
Một số cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường… gây khó khăn trong việc đề xuất, lựa chọn cơ sở CNNT có thể đảm bảo đăng ký nhận hỗ trợ từ hoạt động khuyến công.
Nguồn kinh phí, định mức hỗ trợ khuyến công còn bất cập (hạn chế hoặc thấp) so với các chương trình hỗ trợ khác như Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và định mức hỗ trợ khuyến công chưa đáp ứng nhu cầu của các cơ sở CNNT.
Nhiều giải pháp thực hiện công tác khuyến công
Với khó khăn trên Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đưa ra một số giải pháp thực hiện công tác khuyến công trong thời gian tới:
Thứ nhất, tăng cường và đa dạng hóa các hình thức thông tin, cung cấp kịp thời thông tin về chính sách trong hoạt động khuyến công, các kế hoạch định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh để doanh nghiệp, cơ sở CNNT biết, hưởng ứng và tham gia tích cực các nội dung hoạt động.
Thứ hai, thường thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tổ chức triển khai nhiệm vụ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở CNNT nhằm hoàn thành kế hoạch khuyến công được giao theo đúng tiến độ.
Thứ ba, chủ động hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm CNNT của tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở CNNT kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời tuyên truyền các cơ sở CNNT chú trọng nâng cao chất nguồn lực và kỹ năng quản lý; chú trọng nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng sản phẩm xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào sản xuất kinh doanh; chủ động tham gia các chương trình, sự kiện hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ tư, tập trung xây dựng các đề án nhóm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng bộ với các chương trình hỗ trợ về đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định
Để hoạt động khuyến công triển khai thuận lợi khả thi Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ Công Thương cụ thể hóa nội dung đấu thầu, đấu giá, thẩm định hỗ trợ máy móc thiết bị đề nghị hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí khuyến công nhằm phù hợp với quy định đấu thầu.
Bên cạnh đó, để bổ sung thêm tại khoản 4, Điều 14 của Nghị định 45/2012/NĐ-CP trường hợp kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương do ngân sách cấp nếu chưa sử dụng hết trong năm, kế hoạch được chuyển sang năm sau “được sử dụng hóa đơn tài chính năm liền kề của năm thực hiện đề án”.
Đồng thời, đề nghị xem xét, nâng mức kinh phí hỗ trợ khuyến công như nội dung đề án “mô hình trình diễn”, “hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị”.
Ban hành văn bản hướng dẫn xếp hạng, đối với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành Công Thương; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực Công Thương để địa phương có cơ sở thực hiện.