Bắc Giang: Nhìn lại một mùa vải thiều đặc biệt
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương, các doanh nghiệp, đoàn thể, người dân vào cuộc, Bắc Giang đã có vụ vải thiều được mùa, được giá trong đại dịch.
Gần hai tháng qua, cơn bão Covid-19 đã quét qua tỉnh Bắc Giang với cường độ rất mạnh. Trong thời điểm nóng nhất, toàn tỉnh ghi nhận hàng nghìn ca dương tính. Đáng chú ý, khi mùa vải thiều bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch và giao thương thì Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho bà con nông dân, những người chăm sóc vải quanh năm chờ đến ngày xuất bán.
Quyết tâm cao độ của nhân dân vùng vải
Có mặt tại Lục Ngạn vào giai đoạn thu hoạch vải chính vụ năm 2021, PV Báo Nhà báo & Công luận đã tận mắt chứng kiến những nỗ lực, quyết tâm của các đơn vị cũng như người dân trong việc vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa kết nối giao thương để bán vải.
Ông Lâm Văn D, thôn Ấp – xã Tân Quang – huyện Lục Ngạn chia sẻ: “Thực sự mọi người gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Năm nay nhà tôi thu hoạch khoảng hơn 1 tấn vải nhưng doanh thu không bằng năm ngoái. Ảnh hưởng lớn nhất chính là việc thuê người bẻ vải, do tâm lý sợ dịch nên có thời điểm nhà tôi không thuê được ai mà phải huy động toàn bộ con cháu đi thu hoạch. Tuy nhiên, vượt qua những áp lực đó, cùng sự hỗ trợ của chính quyền thì nhân dân cơ bản cũng đã có một mùa vải thành công”.
Còn bà Nguyễn Thị C, xã Kiên Lao – huyện Lục Ngạn lại hồ hởi nghĩ về những ngày tháng vừa chống dịch vừa thu hoạch vải. “Nhà tôi thuộc vùng cách ly vì dịch Covid-19, ban đầu gia đình không biết làm thế nào vì có người thuộc diện F1. Tuy nhiên nhờ sợ giúp đỡ của các tình nguyện viên, bộ đội, công an, cựu chiến binh… thì nhà tôi cũng thu hoạch và bán hết hơn 2 tấn vải. Vậy là nhà chúng tôi cũng có thêm lợi nhuận kinh tế xứng với công sức cả năm trông vào cây vải”.
Đến thời điểm hiện tại, vải thiều của tỉnh cơ bản được tiêu thụ hết, với sản lượng tiêu thụ đạt hơn 210 nghìn tấn. Mùa vải thiều năm nay có sản lượng, chất lượng cao nhất trong những năm gần đây. Sản lượng tiêu thụ vượt mục tiêu so với kế hoạch, kịch bản ban đầu đề ra. Chất lượng quả vải được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá rất cao, ủng hộ đón nhận và tiêu thụ hết sức thuận lợi ở cả trong và ngoài nước. Kết quả này vượt kỳ vọng, mục tiêu Bắc Giang đặt ra.
“Có thể nói vải thiều Bắc Giang vừa được mùa, vừa được giá, tiêu thụ tốt với doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng. Cách tiếp cận mới của tỉnh là không nói “giải cứu” vải thiều ngay từ đầu vụ, bởi như vậy giá sẽ sập xuống, không xuất khẩu, không bán được. Thay vào đó, cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa giá trị của trái vải - đây là bài học với vải thiều nói riêng và nông sản nói chung”, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái nhấn mạnh.
Người đứng đầu tỉnh Bắc Giang cho biết, để tiêu thụ vải thiều thuận lợi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm. Thủ tướng Phạm Minh Chính hằng ngày đều gọi điện động viên, chỉ đạo, lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất là khi Bắc Giang chủ động kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương “mở luồng xanh” cho phép xe chở vải thiều được lưu thông nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khi có giấy xác nhận an toàn Covid-19.
“Tỉnh Bắc Giang đề nghị cho nên Thủ tướng, Phó Thủ tướng có văn bản chỉ đạo ngay các Bộ, ngành, địa phương. Chưa năm nào các Bộ quan tâm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều Bắc Giang mạnh mẽ và kịp thời như năm nay, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an. Các khó khăn vướng mắc đều được các Bộ giải quyết rất sớm, rất nhanh. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các địa phương, nhất là Lạng Sơn, Lào Cai, TP.HCM, Hà Nội và sự ủng hộ của nhân dân cả nước”, ông Dương Văn Thái bày tỏ.
Điểm nhấn về thương mại điện tử
Trên thực tế, thương mại điện tử chính là một trong những yếu tố giúp quả vải Bắc Giang vượt qua được những khó khăn do dịch bệnh.
Ngoài sự hỗ trợ mạnh mẽ của các Bộ ngành như Công Thương, Thông tin và Truyền thông để đưa quả vải lên các sàn giao dịch trực tuyến lớn, người dân Bắc Giang cũng chủ động hơn nhiều để tận dụng các hình thức giao dịch qua mạng khác như Facebook, Zalo…
“Em cần một tấn vải vào TP.HCM đi xe lạnh, nhà vườn nào còn không ạ”, “nhận giao từ 1 đến 2 tấn trở lên ở các tỉnh phía Bắc”, “nhận đơn khách dọc quốc lộ 1A”… Nhiều đơn hàng đã được chốt từ những status như vậy của các nông dân và thương lái thời đại 4.0 trên các fanpage, quy mô mỗi giao dịch có thể chưa lớn nhưng đã “góp gió thành bão” để tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn quả đặc sản này.
Đặc biệt, lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu theo hình thức sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Cuối tháng 6, những tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP đã được xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (CHLB Đức), đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ chiến lược quảng bá và xây dựng thương hiệu bài bản, trái vải thiều được bán ở nhiều thị trường với giá lên đến 500 nghìn đồng/kg nhưng vẫn “cháy hàng”.
Năm nay, các Hãng hàng không: Bamboo Airways, Vietjet Air, Vietnam Airlines hỗ trợ vận chuyển vải thiều Bắc Giang với nhiều chính sách ưu đãi, thậm chí dành các chuyến bay chỉ vận chuyển riêng vải thiều của Bắc Giang. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các ngành, đoàn thể địa phương… cũng ký kết chung tay hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
Ông Nguyễn Việt Oanh - Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn cho biết: “Mùa vải năm nay vô cùng đặc biệt, khác hẳn với mọi năm, về cơ bản dịch bệnh trên địa bàn huyện đã ổn định, các công tác khoanh vùng dập dịch đã được triển khai một cách quyết liệt, dịch bệnh trên địa bàn huyện cơ bản đã được khống chế, mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh cũng dần đi vào ổn định, hoạt động thu hoạch và tiêu thụ vải thiều của người dân vẫn diễn ra một cách bình thường”.
Theo ông Oanh, đối với các xã bị phong tỏa, huyện đã có phương án mới giúp người dân thu hoạch và tiêu thụ vải một cách thuận lợi và an toàn. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích người dân xây dựng các lò sấy để đa dạng hơn hình thức tiêu thụ cho trái vải thiều, đồng thời huyện cũng hỗ trợ mỗi hộ có lò vải sấy với mức kinh phí từ 1 đến 4 triệu đồng tùy theo sản lượng lò sấy. Và với sự chuẩn bị như vây, vải sấy khô của huyện Lục Ngạn đã tiêu thụ được hơn 60.000 tấn, mang lại lợi nhuận cao.
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương, các doanh nghiệp, đoàn thể, người dân vào cuộc, Bắc Giang đã có vụ vải thiều được mùa, được giá trong đại dịch.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bac-giang-nhin-lai-mot-mua-vai-thieu-dac-biet-post145917.html