Bắc Giang: Đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện số hóa
Thực hiện chương trình chuyển đổi số (CĐS), nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang đầu tư kinh phí, nâng cấp hệ thống đường truyền, trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Kết quả đạt cao
Thực hiện nhiệm vụ CĐS, trong năm 2022, tỉnh Bắc Giang đã triển khai số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp trên toàn tỉnh. Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa. Để hoàn thành, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm đầu tư nguồn lực phục vụ CĐS. Tăng cường tuyên truyền, động viên, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ với phương châm “3 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả).
Hiện mức độ số hóa của huyện Hiệp Hòa cao nhất tỉnh với tỷ lệ 85,6%. Ông Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Từ mô hình điểm chính quyền thân thiện tại thị trấn Thắng và thị trấn Bắc Lý, huyện chỉ đạo cán bộ, công chức các xã còn lại trên địa bàn học tập kinh nghiệm. Đầu năm, huyện đã hỗ trợ mỗi xã, thị trấn 150 triệu đồng để nâng cấp trang thiết bị phục vụ số hóa hồ sơ. Nhờ vậy, đến nay 23 xã, thị trấn đều được cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Môi trường làm việc được cải thiện, cán bộ, công chức nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ”.
Xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nên huyện Tân Yên thường xuyên quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở. Trong năm 2023, huyện dành kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng trang bị hạ tầng CNTT tại bộ phận một cửa của huyện và cấp xã. Trong đó quan tâm đầu tư 23 máy photocopy, 32 máy scan, 52 máy in, 93 máy vi tính. Đôn đốc, giám sát việc giải quyết hồ sơ TTHC của cơ quan chuyên môn, bộ phận một cửa các cấp bảo đảm đúng và trước hạn cho tổ chức, công dân. Nhờ đầu tư hạ tầng đồng bộ, mức độ số hóa của huyện đạt 83%, thuộc nhóm địa phương dẫn đầu tỉnh.
Kết quả công bố công khai tại Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử cho thấy mức độ số hóa của tỉnh Bắc Giang ở nhóm cao trong cả nước.
Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC toàn tỉnh đạt 85,40% (chỉ tiêu giao năm 2023 là 100%); tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 62,75%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa là 42,12%.
Cụ thể từ đầu năm đến nay, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC toàn tỉnh đạt 85,40% (chỉ tiêu giao năm 2023 là 100%); tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 62,75%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa là 42,12%.
Trong đó, các huyện: Hiệp Hòa, Tân Yên, TP Bắc Giang, Lục Nam, Yên Thế có mức độ số hóa cao.
Tháo gỡ khó khăn, đầu tư đồng bộ
Theo ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thực hiện nhiệm vụ CĐS đòi hỏi các địa phương cần chủ động đầu tư trang thiết bị, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Đây là điều kiện tiên quyết để bắt nhịp với yêu cầu ngày càng cao để ứng dụng công nghệ có hiệu quả.
Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 111 và kế hoạch CĐS của UBND tỉnh nêu rõ trách nhiệm bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cho bộ phận một cửa để thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC thuộc về UBND cấp huyện, cấp xã. Mỗi năm ngân sách các cấp ưu tiên bố trí ít nhất 2% tổng chi thường xuyên để triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình, đề án về CĐS.
Mặc dù vậy, nhiều nơi vẫn còn khó khăn do thiếu kinh phí, tiến độ mua sắm chậm. Ví như huyện Lục Ngạn có mức độ số hóa đạt thấp nhất tỉnh với tỷ lệ 64,5%. Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện nêu thực trạng địa bàn còn nhiều khó khăn, số người dân sử dụng điện thoại thông minh ít. Để khắc phục, huyện chỉ đạo huy động nguồn lực hỗ trợ các xã vùng cao, nâng khả năng tiếp cận dịch vụ số cho bà con. Rà soát, bố trí kinh phí để thay thế, bổ sung những trang thiết bị đã hỏng, xuống cấp, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ CĐS.
Năm 2021, huyện Lạng Giang đứng thứ 9/10 huyện về chỉ số ứng dụng CNTT. Các lĩnh vực chuyên ngành chưa số hóa quy trình nghiệp vụ; cơ sở dữ liệu chung còn rời rạc. Nhiều máy tính, máy in cấu hình thấp, không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ CĐS, ngày 9/9/2022, UBND huyện Lạng Giang phê duyệt Đề án “Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, thúc đẩy CĐS huyện Lạng Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Huyện ưu tiên nguồn kinh phí từ ngân sách cho thực hiện Đề án với tổng số tiền là 105 tỷ đồng và phân kỳ đầu tư theo giai đoạn. Trong đó chú trọng hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống đường truyền bảo đảm đồng bộ, hiện đại đáp ứng các nhiệm vụ công tác CĐS hiện nay.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lạng Giang được giao làm chủ đầu tư giai đoạn 1 của Đề án (2022-2023) với kinh phí hơn 10,6 tỷ đồng. Các hạng mục là: Nâng cấp hạ tầng mạng lan, wifi tại UBND cấp huyện và các xã, thị trấn; hệ thống hội nghị truyền hình các cấp; hệ thống camera giám sát tại bộ phận một cửa các xã, thị trấn; thiết bị CNTT (máy vi tính, máy in, máy scan...); lắp đặt 2 điểm wifi công cộng tại một di tích của xã Hương Sơn và khu vực quảng trường UBND huyện.
Theo đại diện Phòng Kế hoạch tổng hợp (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện), trước khi thực hiện, đơn vị đã thuê đơn vị khảo sát thực trạng; hoàn thiện báo cáo kinh tế kỹ thuật gửi Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, sau khi đáp ứng yêu cầu mới thực thi công việc. Hiện nay, đơn vị thi công đang nâng cấp đường truyền mạng tại trụ sở UBND huyện. Đối với thiết bị CNTT sẽ bàn giao đầu tháng 9/2023; các nội dung khác hoàn thành trong tháng 10/2023.
Để hoàn thành mục tiêu số hóa, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng CNTT, trang thiết bị; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng tỷ lệ hồ sơ phát sinh dịch vụ công trực tuyến. Mỗi cán bộ, công chức bộ phận một cửa nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ; nỗ lực vì mục tiêu chung.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên